09/05/2013 07:31 GMT+7

Nóng chuyện dịch và phê bình dịch thuật

THU HÀ lược ghi
THU HÀ lược ghi

TT - Thiếu những nhà phê bình "ném đá", những dịch giả bị "ném đá" và hoàn toàn vắng mặt các dịch giả miền Nam, đó là nhận xét của dịch giả Trần Thiện Ðạo và cũng là của hầu hết cử tọa tham gia cuộc tọa đàm với chủ đề đang rất thời sự "Dịch thuật trong đời sống xuất bản hiện nay" diễn ra sáng 8-5.

ZJCXSfm3.jpgPhóng to
Các dịch giả tham gia tọa đàm (từ trái qua): Trần Lê Thùy Linh, Đào Bạch Liên, Phạm Xuân Nguyên, Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ, Lương Việt Dũng - Ảnh: Xuân Minh

Tuy nhiên, cuộc tọa đàm được L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) và Nhã Nam tổ chức vẫn thu hút khoảng 400 người đến dự. Ngoài các dịch giả chuyên nghiệp và nghiệp dư, các sinh viên và độc giả yêu văn chương thuần túy chiếm số đông áp đảo, dù được tổ chức ngay trong giờ hành chính. Ðiều đó thêm một lần chứng tỏ sức nóng của chủ đề này không chỉ ở trên mạng.

Cốt lõi vẫn là văn hóa của người dịch

"Ngày xưa các đồng nghiệp đàn anh của chúng tôi như anh Huỳnh Lý, anh Ðỗ Ðức Hiểu... không có điều kiện ra nước ngoài, nhưng khi đọc bản dịch của các anh ta vẫn thấy được cái không khí, cái chất của tác giả, của nền văn hóa đó..." - dịch giả Lê Hồng Sâm, một chuyên gia về văn học Pháp, đã nói như vậy về các tác phẩm dịch của thế hệ mình. Theo bà, "hỏi là có lỗi dịch sai không? Chắc chắn là có. Nhưng không nhiều, không ảnh hưởng đến chất lượng chung của tác phẩm. Qua tác phẩm dịch, người đọc thấy được trình độ, trách nhiệm và thậm chí cả quỹ thời gian mà người dịch bỏ ra cho tác phẩm. Ngày xưa làm gì có điều kiện in nhiều, 3-4 năm chăm chút kỹ càng cho một tác phẩm thì chất lượng cũng phải khác dịch ào ào".

Chưa có không khí phê bình lành mạnh

Theo dịch giả Trịnh Lữ, phê bình là để tìm ra hướng đi mới cho cả nền dịch thuật, trên cơ sở nhận diện lịch sử, quá trình tiến hóa, những ngã rẽ khác nhau, những dòng dịch thuật, phong cách dịch thuật khác nhau, khích lệ những dịch phẩm hay và mới, tạo không khí giao lưu giữa từng dịch giả, từng nhóm dịch giả với nhau chứ không phải thỉnh thoảng lại tung ra một bài “đánh” một dịch phẩm nào.

Dịch giả Lương Việt Dũng cũng cho rằng chúng ta chưa có không khí phê bình dịch thuật lành mạnh. Theo anh, các dịch giả hiện nay thiếu không khí giao lưu và làm việc theo kiểu các nhóm như Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Lê Quý Đôn hay hiện tại là nhóm Lê Hồng Sâm - Đặng Thị Hạnh - Đặng Anh Đào - Dương Tường (những dịch giả U-90 đang âm thầm và bền bỉ tiến hành dịch toàn bộ tác phẩm của Marcel Proust).

Ðẩy vấn đề gần hơn với những tác phẩm dịch hiện đại đang gây tranh cãi, dịch giả Trịnh Lữ - người đã dịch rất thành công Cuộc đời của Pi và giờ đây cũng đang chấp nhận bị mổ xẻ vì táo bạo dịch lại Gatsby vĩ đại thành Ðại gia Gatsby - cho rằng: "Các nhà làm sách và các dịch giả hiện nay nhiều khi bị chi phối bởi những giá trị khác ngôn ngữ, cho nên những tranh cãi hay phê phán với các bản dịch hiện nay tưởng là tranh cãi về ngôn ngữ nhưng thật ra là về văn hóa".

Ông Lữ cũng cho rằng: cùng một tác phẩm, bà Lê Hồng Sâm chắc chắn dịch khác hẳn ông Dương Tường, khác từ giọng điệu, cách chọn lựa cấu trúc, ngôn ngữ. Theo ông Lữ, khái niệm dịch đúng nên dành cho văn bản hành chính pháp luật, tài liệu lưu trữ. Bản dịch văn chương không chỉ gồm những từ đúng xếp cạnh nhau, theo dịch giả, nhà phê bình văn học George Steiner: bản dịch tạo ra một ngôn ngữ thuần túy, ở giữa hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa.

Cần một nền phê bình dịch thuật

Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng: các dịch giả thế hệ tiền bối sở dĩ có những bản dịch hay là vì không khí của văn hóa Pháp tràn ngập xã hội, học sinh phổ thông cũng có thể nói chuyện và đọc sách bằng tiếng Pháp, nên việc tiếp cận văn chương sẽ trở nên dễ dàng hơn. Người đọc ngày đó cũng ít hơn, vì xã hội ít người biết chữ hơn, nhưng nền giáo dục ngày đó đảm bảo đã biết chữ là có văn hóa, nên độc giả ngày đó thưởng thức tác phẩm một cách văn hóa hơn. Người đọc ngày nay đông hơn, có chữ nhưng chưa chắc có văn hóa, vì vậy phản ứng đa dạng từ khen, chê đến "ném đá" cũng là bình thường và cần phải có ứng xử thận trọng chứ không nên quá lo lắng. Cũng vì thế, mới thật sự cần đến vai trò của một nền phê bình dịch thuật.

Dịch giả trẻ Lương Việt Dũng cung cấp một thông tin rất đáng suy nghĩ: đầu thế kỷ 20, với một thị trường chưa mấy rộng lớn, bản dịch đầu tiên của Tuyển tập văn học châu Âu đã bán được 150.000 bản ở Nhật. Sau rất nhiều thăng trầm của sách in và của văn học dịch, sau nhiều tranh cãi về hai phong cách dịch: mô phỏng và chính xác, mới cách đây hai năm bản dịch Anh em nhà Karamazov đã được ấn hành với số lượng... 1 triệu bản. Một điều tra xã hội học cho biết: độc giả Nhật hiện đại thích bản dịch này vì... dễ đọc hơn. Trong khi đó, cách dịch mô phỏng hầu như đã không tồn tại ở VN mấy chục năm nay. Các nhà phê bình dịch thuật hoàn toàn vắng bóng trong những phân tích "thị trường" cần thiết như thế này.

Không khí của khán phòng nóng hẳn lên khi dịch giả Nguyễn Bích Lan đặt câu hỏi: "Có dịch giả nào đã và đang có bản dịch sai lỗi bị "ném đá" có mặt ở đây có thể chia sẻ cho chúng tôi, những người bắt đầu bước vào chặng đường chông gai của nghiệp dịch giả, một vài kinh nghiệm để đối phó và vượt qua?". Không ai đứng lên trả lời câu hỏi của chị. Tất cả những tên tuổi đã được nhắc đến hoặc tế nhị tránh nhắc đến đều không có mặt. Chỉ có một cử tọa đứng lên tự nhận là một dịch giả nghiệp dư chưa kịp có tên tuổi, trả lời mà như tự nói với mình: "Chẳng có cách nào khác, chúng ta đã chọn nghề này, chúng ta phải chấp nhận. Không ai có thể thành nghệ nhân mà không qua giai đoạn học việc. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để vượt qua thôi, kể cả là mưa đá".

THU HÀ lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />