13/08/2015 09:17 GMT+7

Nơi trai làng luôn “trực” ở Hoàng Sa

TẤN VŨ – TRẦN MAI
TẤN VŨ – TRẦN MAI

TT - Ngư dân ở xóm Gành Cả (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tự hào rằng họ là những người có thể vẽ được đáy nước ở quần đảo Hoàng Sa. Người dân Gành Cả như được sinh ra để sống ở biển này.

Băngrôn “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” được treo nhiều ở xóm chài Gành Cả - Ảnh: Trần Mai

 Và có lẽ ký ức của một ngôi làng đau thương đã hun đúc cho họ, những ngư dân can trường, ý chí bám giữ Hoàng Sa... 

Nằm khuất nẻo sau đồi dương vi vút gió, xóm chài Gành Cả hiện ra thanh bình dưới những mái ngói đỏ tươi. Con dốc nhỏ xuôi xuống đầu làng chạy thẳng ra mép nước, nơi những ghềnh đá đen chồm ra ngăn những đợt sóng bạc đầu. Những người đàn bà tụ tập bên bãi cát chờ những chiếc thuyền thúng của những người đi lặn đêm trở về.

Thanh niên nào cũng đến Hoàng Sa

Để mua được những mẻ cá, tôm, ốc gai, vú nàng và hải sâm đầu ngày ít ỏi, tốp phụ nữ này phải bốc thăm để được mua rồi chở lên chợ huyện. Những chiếc xe máy vút đi trong các con hẻm nhỏ, những người đàn ông ngái ngủ mang áo quần lặn, những cây chĩa ba cùng bình hơi thong dong về nhà sau một đêm lặn hụp.

Lão ngư Võ Bông, 85 tuổi, tập thể dục ở đầu ghềnh, chỉ tay về đám thợ lặn cười nói: “Đó là những người đã nghỉ hưu với biển hoặc mấy nhóc mới tập sự lặn đêm thôi. Mấy đứa loại thiện chiến đích thực giờ nằm Hoàng Sa hết rồi! Nghe nói gió ngoài ấy mấy ngày nay săn lắm, nhưng đi lặn biển săn thì vú nàng mới nhiều!”.

Ông Bông dẫn chúng tôi đi trên đường đê ngập tràn hoa muống biển nở tim tím đến thẳng quán trà đầu xóm. Ở đó, gần chục lão ngư của làng đã giã từ biển khơi nhường mái chèo và cả sóng gió cho lớp hậu sinh tiếp quản, họ ung dung uống trà và nghe đài mỗi sáng. 

Cầm chiếc đũa vẽ bản đồ ngôi làng dưới nền cát, ông Bông bảo làng của mình như một định mệnh bao đời nay, trai tráng trong xóm Gành Cả này sinh ra, lớn lên là đến với Hoàng Sa. Cả làng có 6 dòng họ lớn là: Bùi, Tiêu, Nguyễn, Trương, Dương, Phạm và dòng họ nào cũng có trai tráng thay nhau đến với Hoàng Sa từ thuở khai sinh lập ấp đến giờ. Ông Bông bảo cha mình đi biển bằng thuyền buồm ra ngoài Bãi Cát Vàng khi ông còn rất nhỏ. Đến đời ông, trên chiếc ghe máy 20 - 30 CV vậy mà ba anh em trong gia đình cùng trai làng ai ai cũng đã đến Hoàng Sa để bắt cá.

“Sau khi chạy giặc, tôi dọn về lại xóm Gành Cả này năm 1965, chỉ có vài chục căn nhà, bây giờ đã vài trăm rồi. Khi đó mái tranh còn lưa thưa lắm. Thuyền máy chút xíu vậy mà cũng đi Hoàng Sa, có năm bão đánh hất tung ba chiếc thuyền máy lên đảo. Chúng tôi tháo máy, sửa thuyền, ba chiếc nhập một gom anh em chạy về bờ, chạy dạt vào tận Bình Định” - ông Bông kể.

Ông Nguyễn Thành Nam, ngư dân kỳ cựu của làng, bây giờ làm liên lạc cho ngư dân xóm chài với tàu thuyền ngoài khơi, kể rằng làng này tự hào nhất là không một thanh niên nào mà chưa đến Hoàng Sa. “Mấy thế hệ rồi. Quăng sách vở là cầm mái chèo. Mà đánh bắt thì ở đây có một hướng duy nhất là Hoàng Sa. Con theo cha, anh theo em, cháu theo chú... cứ thế thành truyền thống” - ông Nam nói.

Chỉ tay vào cái ICOM giữa nhà, ông Nam bảo: “Ngay trong hôm nay cũng có hơn 20 chiếc tàu trong xóm với khoảng 200 thanh niên ngoài đó. Nó vừa ICOM về bảo gió quá, tàu Trung Quốc đuổi cũng dữ, nó vòng vòng mấy hôm đánh cho đủ chi phí rồi vào”. Ông Nam bị tai biến đã gần 20 năm, ba đứa con ông Nguyễn Thành Linh 29 tuổi, Nguyễn Hữu Cơ 27 tuổi và Nguyễn Hữu Sở 24 tuổi nhưng có hơn 10 năm thay cha quần thảo ở Hoàng Sa.

Lão ngư Bùi Thơ lật cuốn sổ ghi chép câu chuyện đau thương của xóm chài Gành Cả - Ảnh: Tấn Vũ

Ngôi làng của hai lần thảm sát

Vẫn là những đặc trưng của các làng chài ven biển nhưng Gành Cả hơn hẳn ở nét sạch sẽ và tinh tươm. Từng ngõ phố, lòng đường rợp bóng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng. Điều khá lạ ở đây là những cổng chào, các bảng biểu đầu xóm đều giống nhau. Thay vì câu chữ: “Tổ đoàn kết số 1”, “Tổ tự quản số 2”...như các ngõ phố thường thấy thì ở Gành Cả chỉ có một câu duy nhất được treo khắp đường làng: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Lão ngư Bùi Thơ, 87 tuổi, chống gậy thư thả ở đầu làng, nói với chúng tôi rằng có lẽ bão tố dập vùi và bom đạn chiến tranh đã hun đúc cho người dân nơi đây một chí khí không khuất phục bao giờ. Bão biển, tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám cho đến tàu cá Trung Quốc đâm chìm, có người trong làng bị thương, người bị bắn chết nhưng chẳng phải như vậy mà họ sợ hãi bỏ lại Hoàng Sa. Rồi ông Thơ kể người dân nơi đây yêu quý từng tấc đất, từng cọng hoa muống biển tim tím ven đê cũng vì nó tắm quá nhiều máu xương, bom đạn.

Ông Thơ dắt chúng tôi ra ghềnh đá trước mặt nhà rồi kể chính nơi đây ngày 13-8-1968, một toán quân Đại Hàn đã bắt 30 người dân trong làng ra xử bắn. Trong số người chết này có cả mẹ ông, vợ và đứa con gái đầu lòng của ông Võ Bông ở đầu xóm.

“Khi đó tôi là du kích, nắm trái lựu đạn nằm trong hầm nhưng không có cách nào chui ra để ném về phía đó. Uất nghẹn đến bây giờ. Rồi chờ đêm tối xuống, dưới ánh trăng mờ mờ, tôi cùng anh em đào 15 cái huyệt chôn xác 30 người thân” - ông Thơ kể. Ông còn bảo trước đó đúng gần một năm, ngày 20-8-1967, cũng một toán quân Đại Hàn đã thả lựu đạn cay và hơi ngạt vào một căn hầm làm hàng loạt người chết ở ngay sau đồi dương. “Số người chết nhiều vô kể. Chúng tôi quay về thì mùi nặng quá rồi nên anh em đành lấp miệng hầm và thắp nhang khấn vái” - ông Thơ kể lại.

Những người già trong làng Gành Cả kể rằng chính vì sự kiên cường của người dân nơi đây nên ngôi làng nhỏ hướng mặt ra khơi xinh đẹp này trở thành tấm bia hứng chịu pháo kích liên tục từ tàu chiến của Mỹ nã vào. Ông Phạm Văn Đài, 58 tuổi, chỉ tay ra phía biển kể ngày trước ở đây gần căn cứ Chu Lai (Quảng Nam) nên khắp mặt vịnh này san sát tàu chiến. Hai hòn đảo nhỏ trước mặt nhô lên có tên là hòn Nhàn và hòn Ao, nơi đây có lần du kích địa phương bắn rụng cả trực thăng Mỹ. Xa xa là đảo Lý Sơn án ngữ trước thềm vịnh. Ông Đài kể những ngày mây dông nhiều, Lý Sơn lại hiện lên rõ mồn một, mắt thường có thể thấy cả những cây thông vươn mình trên đỉnh núi Thới Lới.

Sau ngày giải phóng, người dân Gành Cả đi tứ tán tụ tập trở về. Họ lại sắm sửa những ghe máy và tiếp tục ra khơi , theo cái nghề mà muôn đời nay người dân nơi đây đã mưu sinh.

Và Hoàng Sa - đích đến đầu tiên của những thanh niên, trai tráng trong làng...

 Ông Võ Tấn Miên - trưởng thôn Châu Thuận Biển - cho biết: “Toàn xã Binh Châu có hơn 200 thuyền loại trên 90 CV đánh bắt xa bờ, thuộc diện nhiều nhất tại Quảng Ngãi, riêng xóm Gành Cả này đã có đến hơn 80 chiếc. Đặc biệt, ngày nào cũng có tàu thuyền của xóm túc trực ở Hoàng Sa”.

_______________

Kỳ tới: Sinh ra để lặn đêm

TẤN VŨ – TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên