Mọi thứ diễn ra sau đó phải thật nhẹ nhàng, tránh gây tác động đến tâm lý những bệnh nhân xung quanh dù họ đang bất động, có người đang hôn mê. Nhưng vẫn có người còn tỉnh và nhận thức được.
Kỳ 1: Khoa “đầu sóng ngọn gió” Kỳ 2: Bỏ tham quan để cứu mạng người Kỳ 3: Chuyện ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Ca hội chẩn lúc 12g30 trưa 30 tết - Ảnh: My Lăng |
Sự ra đi của bất cứ một ai trong căn phòng này, nếu để họ biết sẽ tác động ghê gớm đến tư tưởng và ảnh hưởng tới sự lạc quan, sức khỏe của người bệnh. Đó là một “nguyên tắc ngầm” của y bác sĩ ở khoa cấp cứu trung tâm (còn gọi là khoa hồi sức cấp cứu) Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM).
Cuộc hội chẩn trưa 30 tết
11g40 ngày 30 tết 2014. Ngay khi băng ca chuyển một chiến sĩ của Vùng 5 hải quân (Phú Quốc) vừa vào đến khoa cấp cứu trung tâm, chỉ trong vài phút các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm những khoa liên quan đến ca cấp cứu này đã có mặt. Trước đó, có người trong số họ còn đang ở nhà với tiêu chuẩn nghỉ tết. Sau khi xem kết quả chụp CT - scan não, gương mặt các bác sĩ thể hiện rõ sự lo lắng, căng thẳng. 12g10. Một vài bác sĩ bóc viên kẹo ngọt ăn... chống đói.
12g30. Cuộc hội chẩn bắt đầu với sự tham gia của năm chuyên khoa do thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn (giám đốc bệnh viện) chủ trì. Bệnh nhân có quá nhiều dấu hiệu cực kỳ xấu cho người bệnh. Khả năng cứu được hầu như không còn. BS Nguyễn Hồng Sơn bóp trán rồi gục đầu xuống bàn. Một hồi lâu, anh ngẩng lên quyết định: bằng mọi giá phải cứu bệnh nhân dù khả năng cứu sống được là bao nhiêu đi nữa. “Dù khả năng cứu được cực kỳ mong manh nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức” - một bác sĩ nói vội sau khi cuộc hội chẩn kết thúc.
Và một cuộc chiến thầm lặng đầy khốc liệt chính thức bắt đầu. Ở đây, trong căn phòng rộng trắng toát lạnh lẽo này, sự yên tĩnh trong không gian toàn những khung cửa kính sáng loáng ngăn chia thành từng phòng nhỏ với mỗi con người đang gần như bất động với máy móc, dây nhợ, có cảm giác dường như không còn khái niệm thời gian, ngày tháng. Thời gian như ngừng trôi ở đây. Những điều dưỡng, những y bác sĩ tất bật làm đủ mọi thao tác kỹ thuật cho bệnh nhân. Nhưng tất cả đều diễn ra trong yên lặng.
Bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đình Tổng cho biết: “Đã vào khoa cấp cứu trung tâm là những bệnh nặng và rất nặng, tỉ lệ tử vong cao. Vào ca trực là kíp trực từ bác sĩ đến điều dưỡng giống như bước vào cuộc chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nhưng có những bệnh nhân nặng quá, hi vọng bị đẩy lùi một cách nghiệt ngã. Chúng tôi vẫn tích cực cấp cứu vì luôn nghĩ rằng còn nước còn tát. Thậm chí đôi khi hết nước vẫn tát. Đó là khi bệnh nhân đã ngưng tim, ngừng hô hấp. Y bác sĩ vẫn cố gắng vớt vát bằng cách ép tim vào lồng ngực, bóp bóng, sốc tim... Mình mong muốn là thế nhưng nhìn thấy họ ra đi, ai cũng nặng lòng dù không nói ra. Điều đó khổ tâm lắm. Có những thời điểm gần như ngày nào cũng có ca tử vong. Tử vong xảy ra bất cứ lúc nào do đặc điểm, tính chất bệnh nặng như thế. Có khi quay đi quay lại bệnh nhân đã tử vong rồi. Đối mặt với sự sống, cái chết như thế, thần kinh, tâm lý phải vững vàng lắm, nếu không thì không trụ nổi. Có bác sĩ mới ra trường vào làm tâm sự với tôi rằng hồi mới về run hết cả người, quên mất không biết làm thế nào”.
Ở đây, 24/24 giờ đều có bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh nhân nặng đòi hỏi phải có hội chẩn tốt, có phác đồ điều trị phù hợp để cứu sống được một con người. Thế nên bất cứ lúc nào, không chỉ ban ngày mà buổi tối, đêm khuya từ 16g hôm nay đến 6g sáng hôm sau, khi cần hội chẩn, đang ở nhà cũng phải có mặt tại bệnh viện trong thời gian sớm nhất. “Chúng tôi có không ít lần hội chẩn lúc nửa đêm. Đã hội chẩn, đã là cấp cứu thì bất kể giờ giấc, đêm hay ngày. Làm ở khoa cấp cứu thì không toan tính, không nói đến chuyện giờ giấc” - bác sĩ Nguyễn Đức Thành (chủ nhiệm khoa hồi sức cấp cứu) cho biết.
“Chúng tôi luôn trăn trở vấn đề này: có những bệnh nhân rất nguy kịch, nhà nghèo nhưng thuốc sử dụng cho những người nằm ở cấp cứu trung tâm rất đắt. Chi trả 5-7 lần là hết tiền. Chúng tôi vận động nhưng rồi đến lúc nguồn vận động cũng hết. Có bệnh nhân rất có hi vọng được sống nhưng gia đình nhất quyết xin về vì không còn khả năng tài chính. Chúng tôi làm đơn xin thuốc và phương tiện chính sách, dùng sang cả phần tiêu chuẩn của bộ đội cho bệnh nhân. Nhưng thuốc của bộ đội không thể sử dụng rộng rãi bên ngoài được. Có lúc trong khi chờ thủ trưởng duyệt thì anh em y bác sĩ đã gom tiền hoặc đi vay thuốc. Nhưng những cái chính sách không có phải bó tay. Có người cứu được. Có người không thể. Đó là trăn trở rất ít người biết. Người nhà bệnh nhân càng không thể biết...” - một bác sĩ cấp cứu tâm sự.
Các bác sĩ lãnh đạo khoa liên quan có mặt ngay khi bệnh nhân vừa được chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu - Ảnh: M.Lăng |
Một ngày gần 100 ca
Đó là ca trực ngày 29 tết mới đây. Kíp trực chỉ có sáu người, trong đó có hai bác sĩ nhưng tiếp nhận 97 ca cấp cứu. Đa số bị tai nạn giao thông, say xỉn, các bệnh về huyết áp, tim mạch... Thượng tá Nguyễn Hoàng Chương, bác sĩ điều trị khoa cấp cứu, một trong những người tham gia trực ngày 29 tết. 10 năm nay, anh bảo hầu như chưa bao giờ nghỉ phép ngày tết. “Ngoài những tai nạn giao thông thì các bệnh nội khoa (tim mạch, hô hấp như bị phù phổi cấp mà người ta gọi là chết đuối trên cạn) phải xử lý nhanh, chính xác vì đe dọa tính mạng bệnh nhân rất nhanh. Áp lực rất lớn. Làm nghề này có khi bệnh vào tới tấp, dồn dập, mình xoay xở bở hơi tai. Có hôm gặp tai nạn giao thông xảy ra hàng loạt 4-5 ca rất nặng, phải gọi thêm người tăng cường” - bác sĩ Chương cho hay.
“Đã làm ở khoa cấp cứu thì phải xác định là nhiều áp lực, căng thẳng - bác sĩ Chương khẳng định - Có những bệnh nhân bị tai nạn giao thông do say xỉn rất khó tiếp xúc. Có người chấn thương, máu me trên đầu be bét. Băng bó trên đầu thì giật ra. Tiêm chích không được. Người nhà 2-3 người đè xuống cũng không giữ nổi. Có người thì mới đo huyết áp thôi nhưng cứ lăn lộn bảo không bị gì cả, văng tục, chửi thề. Mình không thể lấy máu xét nghiệm, băng bó vết thương, truyền dịch... Có người còn hành hung cả y bác sĩ, đang nằm vùng dậy tát tới tấp. Tôi không chỉ chứng kiến một lần mà nhiều lần. Rất bức xúc nhưng phải kìm nén để tập trung xử lý chuyên môn. Có trường hợp bệnh nhân bị mê man. Người nhà thì sốt ruột, mất bình tĩnh, đổ lỗi mình chậm trễ, làm không chu đáo rồi nói những lời rất xúc phạm”.
Nhà xa cách bệnh viện tới 20km (huyện Hóc Môn), có đêm trực vất vả quá, sáng ra anh Chương phải nghỉ lại cơ quan ngủ tạm một giấc chứ không về ngay được. Ở khoa cấp cứu cũng có vài bác sĩ ở xa như thế... Để chu toàn cho công việc, bác sĩ Chương bảo không ít lần thấy ray rứt với vợ con. Đó là khi con sốt, vợ đau bệnh, anh phải nhờ người thân chạy qua giúp. Rồi anh hướng dẫn vợ biết cách tìm ven, chích thuốc để phòng lúc anh đi trực. Mới hai năm trước, con anh đang là học sinh phổ thông phải tự chích thuốc cho mẹ. Có lần thì vợ anh tự chích cho mình.
Kỳ tới: Chuyện chưa bao giờ kể
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận