30/07/2021 10:29 GMT+7

Nỗi khổ của những 'siêu người hùng'

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Olympic không chỉ là nơi tôn vinh những kỳ tích, đó còn là nơi thể thao thế giới nhìn vào và rút tỉa ra những vấn đề. Câu chuyện của "nữ hoàng thể dục dụng cụ" Simone Biles là một ví dụ.

Nỗi khổ của những siêu người hùng - Ảnh 1.

Biles đưa ra quyết định gây sốc trước thềm một loạt trận chung kết quan trọng của cô - Ảnh: AFP

Biles đến Olympic Tokyo 2020 với kỳ vọng sẽ tái hiện kỳ tích đoạt 4 HCV ở Olympic 2016. Nhưng khi các nội dung thi đấu đang diễn ra, cô xin rút lui khỏi giải vì lý do "sức khỏe tinh thần".

Rút lui trước "cổng thiên đường"

Sự cố bắt đầu ở phần thi chung kết đồng đội nữ thể dục dụng cụ (TDDC) ngày 27-7. Biles thất bại trong phần thi nhảy ngựa khi chỉ xoay được 1,5 vòng trên không (thay vì 2,5 vòng như dự kiến) và suýt ngã khi tiếp đất. 

Cú nhảy quá tệ đó khiến tuyển Mỹ bị tụt điểm so với các đối thủ. Ngay sau đó, Biles xin rút lui khỏi phần thi và tuyển Mỹ chỉ giành HCB. Đó cũng là tất cả những gì Biles đạt được ở Olympic Tokyo 2020, bởi qua hôm sau, cô thông báo rút lui khỏi giải vì "sức khỏe tinh thần". Một cú sốc rất lớn bởi TDDC được xem là "kho huy chương" của đoàn Mỹ.

Cho đến tận trận chung kết đồng đội nữ, không ai nhìn thấy vấn đề gì xảy ra với Biles. Cô là VĐV duy nhất lọt vào chung kết của cả 5 nội dung cá nhân, trong đó nội dung toàn năng và nhảy chống Biles vẫn dẫn đầu ở vòng loại. Ít nhất 3 HCV nằm trong tầm tay của nữ VĐV 24 tuổi này. Việc Biles rút khỏi Olympic Tokyo 2020 khiến vị thế số 1 của Mỹ lung lay không chỉ trong TDDC.

Điều gì đã xảy ra với "nữ hoàng TDDC" của nước Mỹ?

Hai ngày sau quyết định gây sốc đó, Biles đã thổ lộ một ít về vấn đề của mình. "Kỳ Olympic này thực sự quá căng thẳng, không có khán giả và không có rất nhiều thứ khác. Đã có một quá trình rất dài trên đường đến đây, một năm ròng rã kể từ khi Olympic Tokyo bị hoãn. Rất nhiều thay đổi và chúng tôi hơi cảm thấy căng thẳng. Chúng tôi đến đây để tìm kiếm niềm vui, nhưng có lẽ mọi thứ không được như mong đợi", Biles nói.

Nhưng khó người khó ta, hầu hết VĐV đều phải trải qua tình cảnh của Biles. Nhưng sức ép Biles phải chịu cũng khác so với phần đông các VĐV tham dự Olympic. Đặc biệt, TDDC vốn luôn được xem là môn thể thao khắc nghiệt, đòi hỏi rất nhiều hy sinh về thể xác lẫn tinh thần trong quá trình tập luyện. Ngay khi tuyển Mỹ gặp một số khó khăn ở vòng loại, Biles viết lên Instagram: "Như thể phải gánh sức nặng của cả thế giới trên vai mình".

Trước khi vấn đề này xảy ra, Biles được xem là hình mẫu VĐV hiện đại của nước Mỹ. Cô không chỉ tài năng mà còn quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội. Cô nổi tiếng với việc đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc cùng việc lạm dụng tình dục trong cộng đồng TDDC.

Chuyện của Biles khiến người ta nhớ đến Naomi Osaka (Osaka lấy quốc tịch Nhật nhưng cô sinh trưởng hoàn toàn ở Mỹ). 2 tháng trước, Osaka gây sốc khi rút lui khỏi Giải quần vợt Pháp mở rộng sau khi tuyên bố không trả lời phỏng vấn trước truyền thông. "Tôi cảm thấy mọi người không quan tâm đến sức khỏe tinh thần của VĐV. Báo chí chỉ khiến chúng tôi mệt mỏi", Osaka nói.

Cũng như Biles, Osaka là một VĐV đấu tranh không ngừng cho nạn phân biệt chủng tộc. Là những VĐV mạnh mẽ thể hiện chính kiến với các vấn đề của xã hội, điều đó càng khiến những cô gái da màu này thu hút nhiều sự chú ý hơn và nhận sức ép nhiều hơn. Người ta không chỉ chờ đợi huy chương mà còn trông ngóng từng phát biểu, từng hành động của Biles.

Thế giới vẫn luôn ở bên các VĐV

"Chúng tôi cần phải tập trung hơn vào bản thân vì cuối cùng chúng tôi cũng chỉ là con người. Chúng tôi phải bảo vệ tâm trí và cơ thể của mình hơn là cứ đi ra ngoài kia và làm những thứ thế giới muốn chúng tôi làm. Hãy lo cho sức khỏe tinh thần vì nếu không có nó, bạn sẽ không yêu thích môn thể thao của mình. Đôi khi cần đặt bản thân ngoài các cuộc thi để nhận ra sức mạnh của mình, thay vì chỉ lao vào đó chiến đấu", Biles chia sẻ.

Điều an ủi lớn cho Biles là những người xung quanh đều ủng hộ cô. Sunisa Lee - đồng đội của Biles - đăng lên Twitter: "Chúng tôi sẽ bước lên khi chúng tôi cần và làm điều đó vì chúng tôi. Chúng tôi không nợ ai một HCV nào, chúng tôi là những người chiến thắng trong trái tim của mình".

Michael Phelps, Usain Bolt, Mo Farah trong quá khứ, và Caeleb Dressel, Katie Ledecky, Simone Biles của hiện tại, đều là những "cỗ máy giành huy chương" đều đặn đến mức người ta chỉ nhớ đến việc họ ra sân rồi đứng trên bục vinh quang. Cú sốc mang tên Simone Biles là một lời nhắc nhở với làng thể thao thế giới: người giỏi nhất cuối cùng vẫn chỉ là một con người bình thường.

Đánh mất niềm đam mê

Bác sĩ Leela Magavi - người từng làm việc với nhiều VĐV - cho biết sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ và truyền thông khiến nhiều VĐV cảm thấy "mỗi bước đi của mình đều bị soi mói". Đây là áp lực nghiêm trọng khiến họ không thể tập trung vào mọi hoạt động trong đời sống.

"Những VĐV đỉnh cao thường được xem là biểu tượng quốc gia. Với lối suy nghĩ đó, họ dần đánh mất niềm đam mê - lý do cơ bản giúp họ đến với thể thao", bác sĩ Magavi nói.

Bị ngã trong phòng tắm, ngôi sao NBA Aron Baynes chia tay Olympic Tokyo Bị ngã trong phòng tắm, ngôi sao NBA Aron Baynes chia tay Olympic Tokyo

TTO - Tuyển thủ bóng rổ Úc Aron Baynes phải nghẹn ngào nói lời chia tay sớm với Olympic Tokyo dù đội bóng của anh đang đứng đầu bảng B bóng rổ nam vì… ngã trong phòng tắm.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên