11/03/2014 06:49 GMT+7

Nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-3 về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng các quy định hiện hành “vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa khuyến khích được bà con kiều bào cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN”.

Đề xuất táo bạo cho người nước ngoài mua nhà
Người nước ngoài mua nhà tại Việt nam: Dỡ bỏ rào cản thủ tục
Tiếp tục cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Phóng to
Theo dự luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đối tượng người nước ngoài được mua nhà tại VN sẽ được mở rộng hơn. Trong ảnh: dự án Hoàng Anh Thanh Bình (Q.7, TP.HCM) mở bán block B - Ảnh: Quang Định

Ngoài ra, theo ông Dũng, luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng trên thực tế đã “không đạt được mục đích tạo nơi giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường bất động sản, chưa kể còn hạn chế quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Không hạn chế số lượng

Liên quan đến việc mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà tại VN, ông Trịnh Đình Dũng cho biết dự án Luật nhà ở (sửa đổi) “cho phép các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào VN, nếu có nhu cầu, đều có quyền mua và sở hữu nhà ở”; “người VN định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch nếu được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép nhập cảnh vào VN có quyền sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu”.

5 năm chỉ 126 người nước ngoài mua nhà

Sau năm năm thực hiện thí điểm cho người nước ngoài mua nhà theo nghị quyết của Quốc hội, theo báo cáo của Chính phủ thì tính đến hết quý 2-2013 trong phạm vi cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà tại VN. Lý do chính là quy định điều kiện được mua nhà đối với người nước ngoài quá ngặt nghèo như: Tại một thời điểm cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở; không được sở hữu nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề); không được cho thuê nhà ở hoặc sử dụng nhà ở vào các mục đích khác hoặc góp vốn bằng nhà ở; chỉ được bán lại nhà ở sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở; thời gian sở hữu nhà ở là có thời hạn...

Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Hiến pháp đã khẳng định người VN định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc VN. Nếu chúng ta đưa ra quy định khác tức là chúng ta phân biệt”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng với những người nước ngoài có quyền nhập cảnh, chỉ nên cho phép người có quyền thường trú tại VN được mua nhà và sở hữu nhà ở, còn với những người tạm trú (hiện nay tạm trú dài nhất là năm năm) cần phải có điều kiện, ví dụ các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì có quyền sở hữu nhà ở tại VN” - ông Khoa nói.

Đối với đề nghị hỗ trợ bằng tiền để các cán bộ tự lo chỗ ở trong thời gian đảm nhận công tác, không nên tạo quỹ nhà công vụ, ông Dũng cho rằng: “Việc quy định loại nhà ở này trong dự thảo là cần thiết và trên thực tế đang được triển khai thực hiện. Việc tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển, cán bộ làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuê là nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ này yên tâm công tác. Riêng ý kiến đề nghị hỗ trợ bằng tiền để các cán bộ tự lo chỗ ở là không bảo đảm tính khả thi vì quỹ tiền lương hiện nay rất khó khăn”.

Giao dịch bất động sản không cần qua sàn?

Theo ông Dũng, quy định buộc giao dịch qua sàn bất động sản đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, thêm chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo... “Việc bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn là chưa phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. Mặt khác, theo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản, mà chủ yếu thực hiện thông qua các nhà môi giới, luật sư, các tổ chức môi giới bất động sản” - ông Dũng nói.

Trong khi đó, ông Phan Trung Lý - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng việc quy định sàn giao dịch bất động sản trước đây xuất phát từ thực tế tình trạng giao dịch ngầm, không kiểm soát được đã khiến thị trường bất động sản méo mó. “Buộc phải giao dịch qua sàn là để cho hoạt động này công khai, minh bạch. Bây giờ muốn bỏ quy định này đi lại biện luận như vậy, tôi đề nghị phải giải thích cho thuyết phục hơn” - ông Lý nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: “Chỉ có qua sàn thì hoạt động giao dịch bất động sản mới công khai, minh bạch, các sản phẩm qua sàn giao dịch sẽ được thẩm định giá trị, chất lượng. Sàn là nơi đảm bảo rằng người đưa hàng lên bán phải đảm bảo tư cách và hàng đưa lên sàn phải đảm bảo chất lượng, chứ không phải sàn là nơi kinh doanh môi giới”.

Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách, cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng thực trạng vừa qua cho thấy có không ít dự án có tương lai mờ mịt, thậm chí người dân bỏ tiền ra góp vốn nhưng sau đó không biết đòi tiền ở đâu. “Nếu bây giờ chúng ta mở ra quá rộng, cho phép thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai nữa thì sẽ tạo thị trường ảo, dễ xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn để kinh doanh” - ông Hiển nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên