Thu Trang cùng nhóm bạn đi tặng dê cho một gia đình nghèo ở một tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh NV cung cấp |
“Tôi đã làm báo giống như cách con tằm se tơ, hồn nhiên rút đến cả những sợi tơ cuối cùng từ gan ruột mình |
THU TRANG |
Mẹ tôi không quan tâm đến lời đe dọa ấy. Bà lật đật đi tìm mọi ngóc ngách của tòa nhà, cứ như là con gái tôi đang trốn tìm đâu đó.
“Cô thỏa mãn chưa?”
Tôi vẫn nhớ mãi khoảnh khắc ấy. Qua hai dòng nước mắt, tiếng mẹ nói âm u, nhòa đi như không rõ: “Con đã mang cái gì về gia đình này?”.
Chiếc quan tài nhảy múa trước mắt tôi, giọng người đàn ông gằn lên bên tai tôi... “Mỗi người một chiếc, mỗi người một chiếc, mỗi người một chiếc...”.
Tôi muốn gào thét nhưng hai hàm răng cứ cắn chặt vào nhau. Chồng tôi, trong cơn lo lắng không tiếc lời trách cứ tôi, anh ấy đay nghiến: “Cô thỏa mãn chưa? Chính cô đã đem họa đến cho cả gia đình này?”.
Vợ chồng tôi lao đi tìm con trong đêm. Tôi hình dung cuộc sống của mình sẽ kết thúc nếu như lời đe dọa trở thành hiện thực với con gái tôi.
Cho đến thời điểm này, tôi mới thấm thía nghề báo thật sự quá nguy hiểm và rủi ro. Tôi hình dung đứa con gái 16 tuổi bé bỏng đang gặp nguy hiểm ở một nơi nào đó mà không có tôi bên cạnh.
Vợ chồng tôi chia nhau ra, mỗi người đi một ngả. Tất cả người quen, bạn học của con đều bị chúng tôi gõ cửa hỏi han.
Gần 12g đêm, nơi cuối cùng chúng tôi sục sạo là nhà cô bé H. - (một bạn thân học cùng cấp II của con tôi). Một ngôi nhà đơn sơ, nằm gần nghĩa địa cũ của làng.
Dưới ánh đèn leo lét, tôi thấy con gái đang cùng bạn cặm cụi học bài. Tôi muốn quỳ xuống tạ ơn trời phật. Tôi cũng không hiểu tại sao lần đầu tiên con tôi đi học thêm buổi tối mà xe đạp hết điện. Lần đầu tiên nó phải dắt xe đi bộ mấy cây số trong đêm?
Mệt quá, nó tạt vào nhà cô bạn thân, vừa sạc xe vừa làm bài tập. Nó đã cố gắng gọi điện cho tôi để xin phép nhưng máy của tôi cũng hết pin. Khi tôi vừa sạc lên, cuộc điện thoại đầu tiên là của.. người đàn ông đó. Con gái tôi không hề biết gia đình đã xảy ra chuyện gì.
Nhận diện
Chồng tôi bỏ thuốc lá từ lâu, nhưng từ đêm đó anh hút trở lại. Nhiều đêm sau đó anh thức trắng, ngồi im như pho tượng trên ghế. Chúng tôi không nói gì với nhau, ai cũng nghĩ suy về tương lai mờ mịt đang chờ mình.
Tôi hình dung hạnh phúc đã mỉm cười với tôi ngày hôm qua nay sắp tan biến. Chồng tôi, người đàn ông thứ hai trong cuộc đời tôi. Người rất tốt với tôi, yêu thương tôi và con riêng của tôi...
Nhưng nếu cứ mãi cùng tôi sống hụt hơi qua những ngày đen tối như thế này, thì làm sao có thể dám chắc cùng nhau đi đến cuối cuộc đời? Nếu tôi cứ tiếp tục là một nữ nhà báo điều tra, điều gì sẽ chờ đợi tôi và những người thân yêu trong gia đình mình?
Chúng tôi làm đơn kêu cứu và đếm từng giây, chờ đợi cơ quan công an tìm ra kẻ đe dọa. Đúng ba ngày sau, kẻ đó buộc phải lộ diện. Tôi sững sờ khi nhận ra anh ta là nhân vật trung tá quân đội, người khiến tôi phải suy nghĩ nhiều đêm để cân nhắc nên để tên thật hay giấu tên? Nên để ảnh thật hay xóa mờ gương mặt?
Trong quán cà phê, anh ta mặc nguyên bộ sắc phục, đeo lon trung tá, thản nhiên tiếp tôi để ra giá cho một cuộc “thi đấu” vào viên chức ngành mầm non của thành phố. Anh ta không ngần ngại hối thúc tôi giao 250 triệu đồng để mua biên chế.
Khi biết mình bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng vì bài báo của tôi, anh ta đã ra tay “khủng bố” làm cuộc sống của tôi xáo trộn. Sau khi lộ diện hành vi “đe dọa giết người”, viên trung tá vô cùng sợ hãi.
Anh ta được tư vấn đến gặp tôi, xin gia đình tôi tha thứ và bỏ qua. Nếu tôi kiên quyết không giúp, rất có thể anh ta sẽ bị đi tù về tội “đe dọa giết người”.
Anh ta thề không thật lòng muốn giết gia đình tôi mà chỉ... dọa cho tôi sợ. Anh ta xin tôi hiểu trong cơn cùng cực, anh ta không nghĩ đến sai lầm của mình mà chỉ oán tôi đã vạch ra cái sai lầm ấy...
Tạm thời gia đình tôi đã được cởi trói khỏi một vụ “đe dọa giết người”. Vụ việc và đối tượng được Công an Hà Nội chuyển sang bên Cục Điều tra của Bộ Quốc phòng vì viên trung tá kia là sĩ quan quân đội.
Tôi chưa biết họ sẽ xử lý anh ta ra sao! Nhưng với tôi, kết quả đó chẳng còn quá quan trọng nữa. Con tôi không phải chết vì hệ lụy nghề nghiệp của tôi đã là mãn nguyện lắm rồi.
Thu Trang đưa một phụ nữ bị bán qua Trung Quốc về lại VN - Ảnh NV cung cấp |
Cảm xúc thật
Cách đây sáu năm, tôi đã hạnh phúc vô cùng khi cứu thành công bé Hồng Anh thoát khỏi cảnh bạo hành dã man của người bố hờ nghiện ngập (loạt bài tám kỳ mang tên “Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian” năm 2010).
Khi ấy tôi ngoài 30 tuổi. Cái tuổi đầy nhiệt huyết với nghề, tâm hồn tôi ngập tràn niềm tin yêu cuộc sống.
Chỉ cần nhận được một cuộc điện thoại báo tin, tôi sẵn sàng rẽ màn đêm lao đến nơi cần mình. Tôi không dành thời gian phân tích thiệt hơn cho một đề tài có liên quan đến sự an nguy của một đứa trẻ.
Loạt bài ấy khiến gã bố hờ bị bắt tạm giam về hành vi “cố ý gây thương tích”. Hồng Anh được đưa đi giám định, tỉ lệ thương tật trên cơ thể của bé là 21%. Tôi hãnh diện khi mình vừa làm được một việc tốt, cứu được một cô bé 4 tuổi bị kẻ nghiện ngập hành hạ mỗi khi ngáo đá.
Ôm bé Hồng Anh trong tay, chở che cho cháu như một người mẹ, tôi quên hết xung quanh. Gã bố hờ bị khóa tay chặt trên chiếc ghế băng dài tại trụ sở công an. Vợ gã bụng mang dạ chửa chạy theo tôi vừa van xin, vừa dúi phong bì dày cộp vào tay tôi.
Chị ta nói: “Trăm sự nhờ nhà báo nói với công an đừng xử tù chồng em”. Tôi nói: “Tôi không nhận tiền của nhà chị, càng không nói được với công an. Chồng chị làm việc ác thì phải trả giá thôi”.
Chị ta cố van nài: “Em sắp sinh con, kinh tế khó khăn khiến chồng em ức chế thần kinh mới ra nông nổi ấy”.
Sau này cái hình ảnh không muốn nhớ ấy cứ thỉnh thoảng lại hiện về, neo vào ký ức của tôi: một người đàn bà chửa, một đứa bé sắp ra đời mà người bố, người chồng lại phải vào tù. Số phận của nó có khác gì Hồng Anh đâu? Tôi cứu Hồng Anh nhưng lại đẩy cha một đứa bé khác vào vòng tù tội!
Cái hình ảnh ấy càng làm tôi nhớ đến một vị thẩm phán ở tòa án Bắc Ninh, sau loạt bài điều tra của tôi: “Thẩm phán vòi tiền đương sự, không có tiền liền dìm án...” đã phải vào tù.
Vào thời điểm đó tôi vui lắm. Tôi tự hào vì mình vạch ra cái sai của người ta một cách chính xác. Tôi đã triệt tiêu được một mầm mống xấu xa cho xã hội.
Nhưng, như một phản ứng phụ đang ngày càng chui sâu vào ký ức tôi, đó là hình ảnh gia đình tan nát của ông ấy, một người vợ mất đi một người chồng chức cao vọng trọng, những đứa trẻ mất đi niềm tự hào với một người bố, một gia đình mang nỗi nhục có người đi tù... Nó khiến tôi luôn hỏi mình đúng hay sai?
Những giải thưởng của Thu Trang * Năm 2005: giải nhì cuộc thi viết về đề tài gia đình do Ban TT Văn hóa T.Ư tổ chức với loạt bài: “Những nẻo đường phạm tội của trẻ vị thành niên”. * Năm 2006: giải nhất cuộc thi viết về đề tài chăm sóc, giáo dục trẻ em với loạt bài điều tra về cái chết của hai đứa trẻ Mông ở Hà Giang. * Năm 2010-2011: giải nhất cuộc thi viết về đề tài gia đình với loạt bài: “Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian”. * Năm 2012: giải nhì thể loại báo chí điều tra Hội Nhà báo TP.HCM với loạt bài: “Thâm nhập sòng bạc 5 sao của người Việt”. * Năm 2013: giải nhì thể loại báo chí điều tra loạt bài: “Thâm nhập đường dây làm giả bệnh án tâm thần ở Hải Dương”. * Năm 2014: giải nhì thể loại báo chí điều tra loạt bài “Thâm nhập băng nhóm giang hồ phía tây Hà Nội”. * Năm 2015: giải nhất cuộc thi phòng chống bạo lực trẻ em với loạt bài: “Điều tra về đường dây buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề”. * Năm 2016: giải nhì thể loại phóng sự - Hội Nhà báo TP.HCM với loạt bài “Cò công chức lộng hành thủ đô”. |
________________
Kỳ tới: Tiền và nghề
Các kỳ trước: Kỳ 1: Nữ nhà báo điều tra: Nỗi ám ảnh mang tên “chùa Bồ Đề” |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận