09/08/2013 05:46 GMT+7

Nỗi buồn về bức tranh không sáng sủa

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Chúng ta giăng mắc khắp nơi những khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”, “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, “Trẻ em là tương lai đất nước” nhưng trên thực tế, chúng ta chưa hướng tới, chưa đầu tư đúng tầm.

A0csnumD.jpgPhóng to
Các khán giả nhí tham gia trò chơi trên sân khấu chương trình Tuổi thần tiên hồi tháng 7 - Ảnh: Gia Tiến
KKe6v8f0.jpg

Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Võ Văn Thành

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên nhi đồng (VHGDTTNNĐ) của Quốc hội Lê Như Tiến khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện cởi mở với Tuổi Trẻ. Ông Tiến chia sẻ: “Với tư cách phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTNNĐ Quốc hội - cơ quan giám sát các hoạt động bảo vệ chăm sóc thanh thiếu niên nhi đồng của Chính phủ, tôi có theo dõi loạt bài “Còn ai chơi với trẻ em” trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 4-8. Đây cũng chính là vấn đề tôi quan tâm lâu nay. Tuổi Trẻ đã đi đúng và trúng. Lâu nay chúng tôi cũng vẫn có những nỗi buồn về bức tranh không sáng sủa của sân chơi, đồ chơi và các loại hình văn hóa cho trẻ em”.

Đồ chơi đã thiếu, sân chơi càng thiếu hơn

* Ông có thể cho biết đánh giá cụ thể hơn của ông về số lượng và chất lượng của những sản phẩm văn hóa dành cho thiếu nhi được sản xuất, in ấn, phát hành hằng năm?

- Chúng ta có Luật bảo vệ và chăm sóc thanh thiếu niên nhi đồng rồi, các cơ quan chăm sóc trẻ em từ trung ương đến địa phương cũng đã có rồi, nhưng các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa, các sản phẩm văn hóa lại chưa có được bao nhiêu. Phải nói thẳng là vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Cụ thể dễ thấy nhất là đồ chơi trẻ em, theo thống kê thì trên thị trường có tới 80% đồ chơi trẻ em có xuất xứ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc, 20% đồ chơi VN thì vừa đơn điệu về mẫu mã vừa nghèo nàn về số lượng. Đồ chơi Trung Quốc hấp dẫn sinh động nhưng phần lớn là sản phẩm bạo lực: gươm đao, súng ống, chiến binh... Ngoài ra còn có yếu tố hóa chất độc hại.

Nếu không cẩn thận, ta sẽ có một thế hệ thiếu nhi “mất tuổi thơ”, một thế hệ thiếu nhi bị già hóa

Đồ chơi đã thiếu, sân chơi, khu vui chơi càng thiếu hơn. Ủy ban VHDGTTNNĐ đã yêu cầu Chính phủ giải trình về tình trạng có quá nhiều khu dân cư, khu đô thị mới mọc lên nhưng tỉ lệ đất dành cho bất động sản, nhà hàng, khách sạn là quá lớn so với khu vui chơi thiếu nhi, nhà hát, câu lạc bộ, rạp chiếu phim.

Suốt mấy chục năm qua, hầu như số nhà hát xây mới không đáng kể, nói gì nhà hát dành riêng cho thiếu nhi. Không có rạp thì các chương trình ca nhạc, sân khấu thiếu nhi cũng không thể có đất diễn thường xuyên nên không thể dàn dựng liên tục chương trình được, nghệ sĩ chuyên biểu diễn cho thiếu nhi vì thế cũng sẽ thưa vắng dần. Rạp chiếu phim cũng ít, phim thiếu nhi phần nhiều là phim ngoại. Nói chung, tư duy xã hội đang bị nghiêng về “lực hấp dẫn” của kinh tế mà các thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi không đủ sức mạnh để cân bằng nổi.

* Dân số VN là dân số trẻ, tỉ lệ thiếu niên, nhi đồng dưới 15 tuổi hiện chiếm gần 40% dân số, vậy mà chúng ta mới chỉ có một NXB Kim Đồng và không đến năm đầu báo dành riêng cho lứa tuổi này (tỉ lệ tác phẩm cho thiếu nhi của NXB Trẻ và Nhà hát Tuổi Trẻ luôn dưới 50% so với tổng số sản phẩm văn hóa in ấn và biểu diễn). Ủy ban VHGDTTNNĐ đã bao giờ chất vấn các cơ quan hữu quan về vấn đề này chưa và có ý định đưa ra bàn tại Quốc hội không?

- Chúng ta tự hào với tỉ lệ dân số vàng - dân số trẻ, lực lượng lao động kế cận dồi dào - điều kiện để phát triển kinh tế xã hội tốt hơn hẳn các nước có dân số già, nhưng những sản phẩm tinh thần chúng ta dành cho lực lượng chủ nhân tương lai đó lại quá ít ỏi.

Một thị trường văn hóa tưởng như dễ dàng hơn cho thiếu nhi là sách báo đúng là cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mấy chục triệu thiếu niên nhi đồng mà chỉ có một NXB dành riêng cho các em là NXB Kim đồng. NXB lại cũng đang chật vật chống chọi với thị trường và vẫn phải in truyện tranh nước ngoài để gánh cho những ấn phẩm có tính giáo dục cao như cổ tích, khoa học, thơ... Báo chí cho lứa tuổi này cũng không đếm hết số ngón tay trên bàn tay. Các ấn phẩm cho thiếu nhi của nhiều đơn vị xuất bản khác chủ yếu là truyện tranh nước ngoài, nhiều yếu tố lai căng, bạo lực. Các tác phẩm thổi vào tâm hồn trẻ thơ những tình cảm trong sáng và đủ sức hấp dẫn các em ngày càng thưa thớt. Các cuộc thi sáng tác dành cho trẻ em cũng ít dần, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ tham gia viết vẽ cho các em cũng không còn mấy người mặn mà tâm huyết.

Cá nhân tôi cũng như nhiều thành viên của Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội đã nhiều lần chất vấn sau các cuộc giám sát và đã kiến nghị Chính phủ lưu ý ba vấn đề quan trọng: tăng cường sáng tác cả ba loại hình sân khấu, điện ảnh, văn học cho trẻ em; tăng cường xây dựng khu vui chơi, điểm vui chơi trẻ em; tăng cường trường học, lớp học mầm non... để đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em: quyền được chăm sóc, quyền được học hành và quyền được vui chơi.

Sắp tới, một số đại biểu Quốc hội là thành viên của ủy ban sẽ chất vấn các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ về vấn đề này.

Người lớn đang chiếm giữ màn ảnh

* Cả nước hiện có tới hơn 200 kênh truyền hình nhưng tỉ lệ chương trình cho thiếu nhi thì thời lượng ít, hình thức nghèo nàn. Ủy ban đã bao giờ có ý kiến với ngành truyền hình cũng như đã có một góp ý giải pháp nào cho kênh quảng bá rất quan trọng này?

- Đúng là hiện tại, số lượng kênh truyền hình quá nhiều nhưng dành cho trẻ em quá ít cả về thời lượng và chất lượng. Người lớn đang chiếm giữ màn ảnh tivi và trẻ em bị bắt buộc phải nghe - nhìn những sản phẩm tinh thần không hợp lứa tuổi. Nếu có kênh dành riêng cho mình thì hầu hết là hoạt hình nước ngoài, những chương trình giải trí đơn thuần, kích thích trí tò mò, đôi khi có cả bạo lực. Không có chương trình hay cho mình thì các em buộc phải tìm đến băng đĩa, mà chất lượng băng đĩa còn nhốn nháo khôn lường hơn. Một số lớn các em tìm đến game online và những loại hình nghe nhìn phản cảm khác.

Các chương trình truyền hình thiếu nhi, như báo chí phản ánh và cá nhân tôi cũng nhận thấy, hầu hết đều áp đặt tư duy của người lớn, không nói bằng ngôn ngữ của các em, nặng về dạy bảo. Nếu có tổ chức sân chơi thì lại để các em ăn mặc hóa trang già dặn, thi đấu tranh giành hơn thua, những cái đó về lâu về dài sẽ tác động tiêu cực đến tâm hồn mong manh nhạy cảm của trẻ thơ. Nếu không cẩn thận, với độ phủ sóng rộng của những cuộc thi thố có nhiều quảng cáo tài trợ này, chúng ta sẽ có một thế hệ thiếu nhi “mất tuổi thơ”, một thế hệ thiếu nhi bị già hóa.

Dự kiến sẽ có những cuộc giám sát chuyên đề về phát triển sản phẩm văn hóa cho trẻ em bằng các loại hình khác nhau: đọc, hội họa, nghe - nhìn... và cũng sẽ có những cuộc giám sát với báo chí - truyền hình. Ủy ban sẽ đặt vấn đề này với Đài truyền hình VN - một cơ quan của Chính phủ. Hệ thống truyền hình phần lớn vẫn hoạt động bằng ngân sách nhà nước và không thể “thả nổi”, coi nhẹ trách nhiệm với khán giả nhỏ tuổi của mình.

* Văn hóa phẩm cho thiếu nhi không phải là sinh lợi trước mắt mà là cái lợi lâu dài, cho toàn xã hội. Ủy ban có định kiến nghị gì với Quốc hội và Chính phủ để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia lĩnh vực này?

- Trước hết, chúng ta cần xem xét lại hệ thống các cơ quan liên quan và chịu trách nhiệm về chăm sóc thiếu nhi cả vật chất và tinh thần trong hệ thống hành pháp. Trước kia, chúng ta có một ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em (cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ) nhưng hiện nay đối tượng trẻ em được chia nhỏ trách nhiệm cho nhiều cơ quan: vui chơi giải trí do Cục Văn hóa cơ sở Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm, chăm sóc do Bộ LĐ-TB&XH, sách báo do Bộ Thông tin - truyền thông, học hành do Bộ Giáo dục - đào tạo, chống bạo hành xâm hại do Bộ Công an, hoạt động đoàn thể có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... Ai cũng có một phần trách nhiệm nhưng thiếu một cơ quan đầu mối, thiếu một nhạc trưởng trong lĩnh vực này. Các bộ ngành thiếu một sự liên kết, hỗ trợ với nhau trong mối quan tâm chung: vì trẻ em. Phải có sự liên kết thì mới có chính sách thống nhất và lâu dài được.

Đầu tư cho những sản phẩm văn hóa thiếu nhi không sinh lời trước mắt, không có lợi nhuận đong đếm được từ những cuốn sách, bộ phim thiếu nhi về những tâm hồn cao thượng, từ những bài hát ca ngợi vẻ đẹp đồng lúa cánh rừng quê hương, từ những vở kịch đồng dao ngộ nghĩnh khiến các em yêu thú vật cây cỏ... Vì thế, chúng tôi dự định sẽ tập hợp đủ các dữ liệu để tiến tới trong tương lai gần có thể kiến nghị Chính phủ. Thứ nhất: chủ động đầu tư bằng nguồn ngân sách cho các sản phẩm văn hóa lành mạnh phục vụ thiếu nhi, không quá trông chờ vào các nguồn xã hội hóa. Thứ hai: giảm đến mức thấp nhất thuế thu nhập doanh nghiệp cho những cá nhân, tổ chức nào sản xuất quảng bá sản phẩm văn hóa cho thiếu nhi.

Một xã hội biết đầu tư cho trẻ em hôm nay, chính là một xã hội phát triển bền vững lành mạnh trong tương lai.

Trẻ em thiệt thòi, xã hội lãnh đủ

Ông Lê Như Tiến: “Các nhà hoạch định chính sách phải thấy được đầu tư cho thiếu nhi là đầu tư cho tương lai, là đầu tư cho phát triển, là đầu tư bền vững. Và trong chính sách chiến lược đầu tư cho trẻ em nói chung thì đầu tư cho đời sống văn hóa tinh thần của các em chính là đầu tư có chiều sâu nhất, hiệu quả lâu bền nhất vì văn hóa là điểm tựa nâng đỡ tâm hồn trẻ thơ và quyết định hành vi khi các em trưởng thành.

Nếu chúng ta chỉ biết đầu tư vào những gì sinh lợi trước mắt, sau này hành vi của những chủ nhân tương lai phát triển với một tâm hồn què quặt thì xã hội sẽ lãnh đủ”.

___________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Nhạc thiếu nhi: nhìn từ giọng hát nhí Kỳ 2: Khi âm nhạc chưa là bạn Kỳ 3: Hết hè thì cũng hết phim Kỳ 4: Sân khấu cũng giật gấu vá vai Kỳ 5: Quá ít tác phẩm cho thiếu nhi, tặc lưỡi in sách nước ngoài

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên