07/08/2013 11:35 GMT+7

Sân khấu cũng giật gấu vá vai

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Ghen tị và chạnh lòng là cảm giác mà những người làm sân khấu thiếu nhi VN cảm nhận được khi có dịp "đi một ngày đàng" tham quan sân khấu thiếu nhi của nước người...

Kỳ 1: Nhạc thiếu nhi: nhìn từ giọng hát nhí Kỳ 2: Khi âm nhạc chưa là bạn Kỳ 3: Hết hè thì cũng hết phim

WtoTm3Lg.jpgPhóng to
Đông đảo thiếu nhi và phụ huynh TP.HCM đến xem chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf - một chương trình ca kịch hoành tráng hiếm hoi dành cho thiếu nhi vào mỗi dịp hè hoặc trung thu - Ảnh: Gia Tiến
BrXdG2H2.jpgPhóng to
Chương trình Thiên đường tuổi thơ của Nhà hát Tuổi trẻ dù cố gắng biểu diễn đều đặn vào chủ nhật hằng tuần song không thể đáp ứng được nhu cầu lớn của khán giả nhí ở Hà Nội - Ảnh: NHTT

Ở đó sân khấu thiếu nhi được quan tâm và đầu tư hơn cả sân khấu dành cho người lớn, các nhà hát sáng đèn hằng đêm (dù là ngày đầu tuần) và suốt năm (chứ không chỉ là mùa hè như tại VN). Có lần ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc mua vé vào xem vở kịch nổi tiếng The lion king ở Broadway(Mỹ), xem xong họ cứ ám ảnh mãi cảnh những cô bé, cậu bé nhỏ xíu mà xem kịch say mê rồi múa hát theo không ngừng. Và họ tin chắc rằng những cô bé, cậu bé này khi lớn lên sẽ quay lại với sân khấu như một thói quen trang trọng trong cuộc sống.

Ðạo diễn Hoàng Duẩn cũng chung tâm trạng sau nhiều chuyến đi khảo sát sân khấu thiếu nhi tại Thụy Ðiển và Ấn Ðộ. Anh cho biết ở đó trẻ em được xem kịch miễn phí, sân khấu nằm ngay trong trường học, những câu chuyện trong sách vở đều được sân khấu hóa một cách sống động. Và trẻ con cứ thế mà lớn lên với một tình yêu nghệ thuật được người lớn trang bị cẩn thận từ khi còn nhỏ.

Ði và thấy nóng lòng hơn khi trở về là cảm giác chung của những người làm sân khấu thiếu nhi. Bởi thực tế ở VN chưa có một sự đầu tư đúng mức nào dành cho sân khấu thiếu nhi, dù thỉnh thoảng cũng có nơi này nơi kia hứa hẹn tài trợ, một vài dự án đã lên... giấy, một vài kế hoạch đã được bàn bạc.

Hào hứng nhảy vào, hớt hải chạy ra

Theo đuổi sân khấu thiếu nhi gần 20 năm, Huỳnh Anh Tuấn là người có rất nhiều ý tưởng cho lĩnh vực này. Anh liên tục "nghĩ ra việc" để làm cho sân khấu thiếu nhi: chương trình Ngày xửa ngày xưa, Nhà hát múa rối Nụ Cười, Nhà hát bệnh viện (phối hợp với báo Tuổi Trẻ diễn cho bệnh nhân ung thư), Nhà hát khoa học; mở rộng điểm diễn dành cho thiếu nhi ngoại thành ở quận 2, Thủ Ðức, Gò Vấp, Hóc Môn; dự định sản xuất những con rối nhỏ về các nhân vật cổ tích cung cấp cho những trường mẫu giáo và phụ huynh để giáo dục con em; kết hợp với các công ty du lịch hạ giá vé để nhiều khán giả nhí được xem hơn... Ngoài ra anh còn liên kết xây dựng các sân khấu múa rối, kịch thiếu nhi cho 10 nhà thiếu nhi trong và ngoài TP.HCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung... Tuy nhiên, phần lớn dự án này của anh đều phải tự thân vận động và đôi khi gặp phải trở ngại quan liêu từ phía các cấp, ngành. Như chuyện Idecaf chủ động đào tạo diễn viên và trang bị toàn bộ trang phục, con rối, dụng cụ, kịch bản, đạo diễn cho các nhà thiếu nhi địa phương, nhưng lại vấp phải sự từ chối của cả chục nhà thiếu nhi vì thấy... nhiều việc quá!

Sân khấu thiếu nhi... nuôi sân khấungười lớn

Theo nghĩa đen, đó là điều mà ông bầu Huỳnh Anh Tuấn sẽ đồng ý, vì các vở kịch dành cho thiếu nhi hiện nay của Idecaf đều thắng lớn, đem lại nguồn thu đáng kể để đầu tư vào các vở diễn người lớn. Còn theo nghĩa bóng, đó hẳn là điều mà bất kỳ ai trong ngành sân khấu VN đều phải đồng ý dù muốn hay không. Bởi lẽ điều này đã được chứng minh từ rất nhiều nền sân khấu tiên tiến trên thế giới, rằng ai đó cần phải làm gì đó để gây hứng thú cho những khán giả nhí trong nhà hát bây giờ, nếu không muốn nhìn thấy cảnh trống vắng của nhà hát trong những năm về sau khi những khán giả này lớn lên và không có thói quen đi xem kịch. Chính những thói quen này đã tạo nên nguồn khán giả dồi dào cho những thánh địa sân khấu lớn trên thế giới, nơi mỗi vở diễn ra mắt trong sự chờ đợi và trân trọng thật sự của người diễn lẫn người xem.

Biết rõ là vậy nhưng để thực hiện được điều đó thì lắm gian nan!

Nghệ sĩ Ðức Hải thì thấy xót xa khi nhìn những nhà hát ở Hà Nội bị bỏ không, biến thành quán bia, nơi gửi xe mà ước gì được thuê lại với giá rẻ để thực hiện giấc mơ về một nhà hát nhi đồng đã ấp ủ mười mấy năm nay. Anh so sánh ở Bắc Kinh có bảy nhà hát dành cho thiếu nhi, tại Tokyo cũng vậy, còn ở VN có hàng triệu trẻ em nhưng không có nổi một nhà hát nào dành riêng cho thiếu nhi.

Ðiều này cũng là tâm trạng của những người làm sân khấu ở Sài Gòn khi rạp Măng Non (193 Ðồng Khởi, Q.1) - một rạp hát dành riêng cho thiếu nhi - đã bị đập bỏ để xây trung tâm thương mại vì "lỡ" nằm trên tuyến đường đắt đỏ nhất Sài Gòn. Rạp hát này vốn là "nhà" của Ðoàn Nghệ thuật múa rối TP.HCM trong nhiều năm, là nơi cuối tuần trình diễn những vở kịch rối hấp dẫn cho nhiều thế hệ thiếu nhi Sài Gòn. Sau khi "vô gia cư", đoàn được bố trí về tạm trú ở Q.11, rồi sau đó lại phải dọn đồ đến ở tạm trong một... nhà kho của Bảo tàng Lịch sử VN. Vì thế nên múa rối ngày càng... rối!

Nhưng điều làm các sân khấu đau đầu nhất hiện nay vẫn là kịch bản, vì các câu chuyện cổ tích thần tiên trên thế giới đều được khai thác hết rồi. Theo tác giả chuyên viết cho trẻ em Quang Thảo, anh đã bắt đầu bí đề tài, kịch bản hầu như phải tự nghĩ ra chứ không dựa vào các câu chuyện cổ tích, thần thoại như trước nữa. Bởi vậy, dù thị trường lớn và khán giả đông nhưng đã có nhiều sân khấu "hào hứng nhảy vào" rồi "hớt hải chạy ra" vì lỗ vốn, như trường hợp Nhà hát Trần Hữu Trang sau vở Mụ phù thủy và cây đũa thần, Công ty Giờ Vàng với vở Bầy quỷ và viên ngọc thần, ông bầu trẻ Gia Bảo với vở Vua sư tử... Hoặc như mấy năm trước Ðoàn Nghệ thuật rối TP.HCM từng mạnh tay chi 200 triệu đồng để dựng vở rối que Thạch Sanh chém chằn, nhưng chỉ mới bốn suất diễn đành xếp xó vì phải bàn giao lại rạp hát, số tiền đầu tư coi như không cánh mà bay.

Làm được... bao nhiêu thì làm!

Ðó là câu nói tặc lưỡi của những người mang trăn trở và tâm huyết dành cho sân khấu thiếu nhi. Bởi nếu cứ chờ đợi một sự ủng hộ hay đồng lòng như lời hứa thì... trẻ con sẽ lớn lên mà không kịp xem gì mất! Bởi vậy, nhiều đơn vị sân khấu tư nhân đã tự bỏ tiền ra đầu tư cho sân khấu thiếu nhi, vì nhận thấy khán giả nhí ngày một đông. Nếu như những năm trước chiếc bánh sân khấu thiếu nhi chỉ dành riêng cho "đại gia" Idecaf với chương trình Ngày xửa ngày xưa năm nào cũng sốt vé, thì gần đây đã có sự canh tranh từ các đơn vị khác như: sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu Lê Hay, sân khấu Sen Hồng...

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những người làm nghề vẫn thật sự mong muốn được diễn cho trẻ em. Như sân khấu thiếu nhi Lê Hay với chương trình "Diễn kịch tận nơi", sẵn sàng đem quân đi diễn ở trường học hoặc bất cứ địa điểm nào mà khán giả yêu cầu. Sân khấu Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân đẩy mạnh bán vé tập thể dành cho con em các công ty, đơn vị. Chất lượng các vở diễn cũng được các sân khấu chú trọng nhằm làm vừa lòng khán giả nhí qua các chiêu trò mới, các vở diễn tổng hợp kịch, ca, múa, xiếc, ảo thuật vui nhộn và hấp dẫn. Những tiếng cười dễ dãi, không phù hợp với trẻ nhỏ đã được tiết chế bớt để lồng vào những bài học giáo dục nhẹ nhàng.

Hơn ai hết, những người làm sân khấu thiếu nhi hiểu rõ rằng một đứa trẻ lên 5 sẽ khác với trẻ lên 10, trẻ vào tuổi thiếu niên thì tâm lý lại càng phức tạp hơn. Bởi vậy việc nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ khán giả tương lai của sân khấu là một câu chuyện nghiêm túc và lâu dài, đỏi hỏi sự đầu tư đúng mực và đồng lòng hơn nữa để sân khấu thiếu nhi sẽ thật sự là cội nguồn của sân khấu người lớn, chứ không phải "ngược đời" như bây giờ cái gì không dành cho người lớn thì cho trẻ em.

Một năm gắng được hai mùa

Sân khấu dành cho thiếu nhi ở Hà Nội gần như diễn ra theo mùa. Mùa hạ có ngày 1-6, mùa thu có ngày rằm Trung thu. Mỗi mùa sôi động chừng một tuần, sau đó lặng lẽ dần, các em yêu thích sân khấu sẽ không biết tiếp tục (được) xem chương trình mới, vở mới ở đâu. Vào dịp Ngày quốc tế thiếu nhi hay rằm Trung thu, tất cả các rạp ở Hà Nội như Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Lớn hay rạp Hồng Hà, Tuổi Trẻ, Ðại Nam, Kim Mã, 57b Ðinh Tiên Hoàng, 361 Trường Chinh, 67-69 Trần Nhân Tông... được huy động hết công suất để phục vụ trẻ em với sự phong phú về chương trình của múa rối, xiếc, ảo thuật, tuồng, chèo... Thế nhưng, niềm vui của sân khấu dành cho trẻ em với những rầm rộ và sôi động ấy nhanh chóng tan biến...

Múa rối và xiếc sau "mùa diễn" thật trầm lắng. Những đêm sáng đèn của múa rối Thăng Long hay rạp Xiếc trung ương phần lớn là hợp đồng tour dành cho khách du lịch quốc tế. Với chèo và kịch, mấy năm trước gần như "vắng bóng" ngay sau tuần diễn cho thiếu nhi. Cũng bởi lẽ dựng chương trình cho thiếu nhi không nằm trong kế hoạch năm của các nhà hát mà chỉ là việc "tay trái" của họ, khi có thể thu hoạch được thì diễn còn không thì... thôi.

Bền lâu hơn là sự trở lại của Thiên đường tuổi thơ vào 9g30 sáng chủ nhật hằng tuần. Trở lại, vì cách đây mấy chục năm Nhà hát Tuổi Trẻ từng có chương trình Thiên đường tuổi thơ với các suất diễn đều đặn trong năm. Nói về niềm vui này, NSƯT Chí Trung - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - chia sẻ: "Thiên đường tuổi thơ mới mở trở lại gần hai tháng mà hút khán giả nhí. Buổi vắng cũng lên đến vài trăm vé. Ðiều đó cho thấy các em đâu có "chê" sân khấu mà vì lâu nay sân khấu đã bỏ quên các em". Có một "địa chỉ đỏ" cho sân khấu thiếu nhi, giấc mơ ấy bao giờ thành hiện thực hay mãi chỉ là một tham vọng... rất vô vọng?

ÐỨC TRIẾT

_______________

Kỳ tới: Tặc lưỡi in sách nước ngoài

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />