11/12/2016 10:30 GMT+7

​Nỗi buồn văn hóa xếp hàng

TRƯƠNG KHẮC TRÀ
TRƯƠNG KHẮC TRÀ

TTO - Văn hóa xếp hàng vốn là câu chuyện không mới, ở nước ta chỉ cần bước ra đường, đi vào chợ hoặc đến sân bay, ga tàu, bến xe sẽ tha hồ mục sở thị cảnh chen lấn, xô đẩy...

Đoàn người hâm mộ xếp hàng tại đường sách chờ sở hữu chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh: LAM ĐIỀN

Tôi nhớ có lần đang xếp hàng làm thủ tục hàng không ở sân bay, bỗng xuất hiện nhóm nam thanh nữ tú tay xách nách mang luồn lách qua hàng người rồng rắn, trong chốc lát họ đã chiếm hết những vị trí đầu tiên!

Bên cạnh hàng, những vị khách Tây tròn xoe mắt, nhún vai tỏ vẻ bất lực. Buồn cười thay, khi đến cửa ra máy bay tất cả cũng phải đợi đến giờ bay chứ chẳng có chuyện chen lấn để được đi nhanh về trước.

Văn hóa xếp hàng từng được dạy khá bài bản nhưng tại sao đến nay dường như đã trở về số không? Có lẽ đây là câu hỏi thú vị đối với các nhà nghiên cứu văn hóa và là chủ đề tranh luận hấp dẫn cho tất cả chúng ta. Có phải vì mất niềm tin về sự công bằng nên ai cũng phải lao lên giành giật?"
ThS Trương Khắc Trà

Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến được đưa ra phân tích mổ xẻ, có người quy trách nhiệm cho ngành văn hóa, giáo dục, có ý kiến cho rằng do tâm lý đám đông…; cũng có lập luận chỉ trích không thương tiếc ý thức nơi công cộng của người Việt… Ai đúng, ai sai, đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chúng ta thường nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… như là hệ quy chiếu để so sánh những thói hư tật xấu của người Việt, tuy nhiên sẽ không công bằng khi đổ hết lỗi cho ngành văn hóa, giáo dục bởi trước đây và cho đến nay văn hóa xếp hàng vẫn được đưa vào chương trình học ở mẫu giáo đến đại học.

Ai đã từng trải qua cấp I trường làng chắc chắn sẽ không bao giờ quên quy định trước khi vào lớp học tiết đầu tiên phải xếp hàng. Hồi đó lớp được chia làm 4 hoặc 5 tổ theo số thứ tự, thành viên của tổ nào đứng theo hàng của tổ ấy, lớp trưởng “đọc lệnh” cho từng tổ lần lượt đi vào.

Và có hình phạt rất hay là tổ nào đứng lộn xộn, gây mất trật tự hay các thành viên đứng “nhầm” hàng thì bị phạt vào sau so với các tổ khác, mặc dù việc vào lớp là điều hiển nhiên nhưng lũ trẻ  “cay cú” lẫn nhau hễ hàng nào vào trước là hàng còn lại “nóng mặt”, có khi còn ngáng chân thằng bạn hàng bên cạnh.

Cứ như vậy, thói quen xếp hàng dường như đã được “lập trình” sẵn, hễ nghe tiếng trống là cả lớp không ai bảo ai xếp ngay ngắn trước cửa vào lớp đợi lệnh xuất phát của lớp trưởng. Tuy nhiên, việc xếp hàng sẽ lộn xộn nếu không có giáo viên chủ nhiệm.

Lên các cấp học cao hơn tuy không còn xếp hàng khi vào lớp nhưng mỗi khi học môn thể dục, học sinh, sinh viên vẫn phải đứng theo hàng lối ngay ngắn, ai không tuân thủ quy định này sẽ bị thầy phạt chạy quanh sân hoặc chống đẩy.

Đấy! Văn hóa xếp hàng rõ ràng đã được đưa vào rèn luyện từ rất sớm nhưng lên cấp học càng cao quy định này càng nhạt dần và khi con người trưởng thành đi ra xã hội, không mấy ai còn thiết tha đếm xỉa đến thói quen này.

Vì sao khó thực hiện?

Bản thân người viết bài này đã trải qua nhiều cấp học, bậc học và đã từng “kinh” qua quy định xếp hàng trước khi vào lớp, xếp hàng trước khi đi ăn cơm, xếp hàng khi tập thể dục, xếp hàng khi check in tại sân bay… và khẳng định rằng ngành văn hóa, giáo dục không hề bỏ lơ vấn đề này, nhưng thiếu sót ở chỗ chúng ta chỉ dạy cách xếp hàng mà không dạy ý nghĩa của việc xếp hàng để làm gì? Bản thân việc xếp hàng mang lại hiệu quả gì cho cộng đồng xã hội?

Hay nói cách khác, chúng ta chỉ biết “ép” học sinh phải xếp hàng mà không rèn cho học sinh thói quen tự nguyện xếp hàng như một quyền lợi, nghĩa vụ cần có và đáng có. Tôi còn nhớ lúc học cấp I, cấp II, mỗi lần có thầy cô giáo thì việc xếp hàng mới được đôn đốc thực hiện, hễ vắng thầy cô là lộn xộn ngay.

Cách giáo dục khiên cưỡng khiến chúng ta chỉ thực hiện để đối phó là chủ yếu, vậy nên khi đến nơi công cộng cần sự tự giác thì hầu hết không thể thực hiện được, gây ra tình trạng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy.

Tâm lý đám đông là một nguyên nhân không nhỏ gây nên tình trạng này, có lẽ loại tâm lý này xuất phát từ việc thiếu độc lập trong suy nghĩ và hành động, thấy người khác làm mình cũng làm theo mà bất chấp hậu quả. Giá như mỗi cá nhân dừng chân lại một chút, đứng yên một chút thì sẽ không có hình ảnh xấu xí xảy ra.

Có lẽ chúng ta đã từng nghe câu nói “Trong tất cả những người khỏa thân, người mặc áo là kẻ khêu gợi nhất”. Cũng như vậy, có hàng trăm người chen lấn xung quanh mình nếu mình không chen lấn lại thì sẽ thua thiệt.

Câu chuyện xếp hàng tuy không lớn nhưng lại đặt ra những câu hỏi lớn về việc dạy và học, học và hành như thế nào cho hiệu quả. Trong trường hợp này học không đi đôi với hành, đây là vấn đề lớn của ngành giáo dục.

Thật sự không chỉ riêng bài học xếp hàng, hiện nay đào tạo một đằng làm một nẻo hoặc học xong không đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc đang là nguyên nhân hàng đầu khiến hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Trong đời, bạn có bao giờ bị người khác chen ngang khi xếp hàng chờ đến lượt mình? Cần phải làm gì để trị tận gốc căn bệnh tùy tiện này ở nơi công cộng? Bạn có những kinh nghiệm, câu chuyện hay nào liên quan đến văn hóa xếp hàng?

Mời bạn chia sẻ ở ô BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi về email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn.

          

TRƯƠNG KHẮC TRÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên