Thầy và trò cùng giao lưu, nhảy múa và hát ca trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Trải nghiệm tác phẩm văn học - bồi dưỡng đời sống tinh thần và thể chất cho học sinh” của Trường THCS Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Phương Nguyễn |
Có nhiều lẽ, nhưng xin được bày tỏ những suy nghĩ cá nhân xoay quanh công tác thi cử và cách chấm văn hiện nay.
Trên nhiều phương tiện, qua những đợt hội thảo, chúng ta thường nghe về độ “mở” cho môn văn nhưng thực tế diễn ra ở các trường học không như những phát biểu hùng hồn của các chuyên gia. Có lẽ, các trường chuyên, lớp chọn có khác hơn chăng, đúng như những gì là lý tưởng nhất cho môn học này?
Trước hết xin nói về đề thi và cách giáo viên hướng dẫn làm bài thi. Hai năm nay, chỉ còn một kỳ thi, Bộ GD-ĐT đều phải có “đề minh họa” (đề tham khảo) để học sinh không ngỡ ngàng do “đổi mới thi cử”. Tinh thần đổi mới mà Bộ hướng đến là để các trường học đổi mới cách dạy, học sinh thay đổi cách học. Ủng hộ chủ trương của Bộ, các trường cũng rất tích cực... đổi mới.
Vậy tại sao vẫn còn kiểu học văn cả “mẫu” như đề cập trong bài viết trên?
Mặc dù người viết không được phân công dạy lớp 12 nhưng quan sát lâu nay thì thấy rằng việc giáo viên cho học sinh học văn theo kiểu “gạo” bài xuất phát từ tâm lý giáo viên: để an toàn. Tức là, học thuộc bài và giải quyết xong bài nghị luận văn học trong đề thi (được tính ở thang điểm 5), cộng với câu nghị luận xã hội 2 điểm và phần đọc hiểu 3 điểm, học sinh khó lòng không kiếm nổi điểm 5 trên toàn bài làm.
Trừ những em quá yếu, toàn bài thi nếu có nhận điểm 2 thì cũng không ảnh hưởng đến việc xét công nhận tốt nghiệp, khi đó, không thể khác được thì giáo viên đành nhận kết quả của học sinh mình như đã có.
Ở một chiều hướng khác, số phần trăm từ trung bình (5 điểm) trở lên càng cao chứng tỏ giáo viên dạy có “chất lượng”, có như thế mới không ảnh hưởng đến thi đua, đến xếp hạng (trên thực tế vẫn có trường học xếp hạng giáo viên dạy lớp 12 thông qua tỷ lệ học sinh đạt điểm trung mình trở lên do giáo viên phụ trách).
Kế đến, xin nói về cách chấm văn. Trước đây, khi còn 2 kỳ thi riêng biệt, có vài năm người viết được phân công dạy lớp 12 và được cử chấm thi tốt nghiệp thì mới thấy rằng tâm lý chung của giáo viên dạy lớp 12 vẫn là “đếm ý cho điểm”.
Việc các giám khảo bất đồng ý kiến với nhau khi người thì “đếm ý” người lại nhìn toàn cục để đánh giá bài làm không phải là hiếm. Đến độ có năm thanh tra tỉnh khác đến giám sát việc chấm thi ở tỉnh tôi khi giám sát khâu chấm chung đã góp ý thẳng thắn là cần tránh việc đếm ý cho điểm nhưng tình hình có vẻ không tiến triển mấy.
Đã có lúc giáo viên thắc mắc rồi cũng “chẳng biết hỏi ai” khi nhớ lại lời nguyên bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc sẽ công khai những địa phương có độ “lệch” lớn so với chấm kiểm tra của Bộ nhưng rồi cũng là điều bỏ ngỏ.
Sau này, một số đồng nghiệp đi chấm thi THPT Quốc gia về kể lại chuyện thì nghe ra cũng chẳng khác hơn lâu nay đã làm.
Điểm lại 2 vấn đề nêu ở trên, bản thân người viết nhận thấy rằng trách giáo viên thì cũng tội cho họ, nhất là với giáo viên dạy văn.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn này giáo viên được tập huấn khá nhiều, tinh thần cởi trói trong giảng dạy, đổi mới về phương pháp không phải không được chú trọng mà với lớp cuối cấp thì hơi khó cho nhà giáo. Có thể nói, gốc của vấn đề vẫn là ở thành tích, ở tỷ lệ, điểm số.
Một điều người viết muốn chia sẻ thêm qua bài viết này là các bậc phụ huynh hãy mạnh dạn đồng hành cùng con trong việc giúp con tự học, tự chủ với chính lựa chọn của mình.
Đã có em học sinh kể lại rằng em thấy việc nhà trường buộc học sinh phải vào trường ôn tập dưới sự hướng dẫn của thầy cô sau ngày tổng kết năm học khiến em cảm giác bị bó buộc rất nhiều, từ đó em bàn với cha mẹ lên trường trao đổi với ban giám hiệu cho phép em được tự ôn luyện tại nhà và em đã thành công dù chỉ là học sinh vùng nông thôn.
Hãy đừng để câu chuyện dạy văn, học văn của cả thầy và trò trở thành một dạng ức chế bởi đây là một môn học đặc thù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận