
Hướng dẫn khách hàng cài app EVNHCMC - Ảnh: EVNHCMC
Nếu sơ suất mất cảnh giác, người dân có thể bị mất tiền và đồng thời bị chiếm quyền kiểm soát tài khoản cá nhân. Từ đó các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản này để tiếp tục đi lừa đảo người khác.
Kiện ra tòa vì không thay đổi tên hợp đồng
Chiều cuối tháng 4, anh Thanh Hiếu, ngụ quận Bình Thạnh, nhận được cuộc gọi từ một số lạ. Người phụ nữ đầu dây bên kia tự xưng mình là nhân viên Công ty Điện lực Gia Định. Người này nói giọng dọa nạt về việc anh Hiếu không chịu đổi tên hợp đồng sử dụng điện dù đã ở tại địa chỉ trên khá lâu.
"Sao anh không chịu đổi tên hợp đồng mua bán điện mà cứ để chúng tôi nhắc hoài vậy. Anh muốn bị phạt tiền thì mới chịu hay sao? Giờ anh cung cấp các thông tin sau đây chúng tôi sẽ hỗ trợ anh thủ tục", người phụ nữ trên nặng giọng.
Sau khi nghe anh Hiếu nói vợ anh đang làm ở Công ty Điện lực Gia Định sao không thấy ai gọi hay nhắc nhở gì. Cảm thấy bị "vạch mặt" và không thể tiếp tục lừa đào, đối tượng này buông câu "tòa án sẽ làm việc với anh" rồi cúp máy.
Anh Trần Minh Quân, quận Bình Thạnh, cho biết mới đây anh cũng nhận được một cuộc gọi từ một số điện thoại di động tự xưng là nhân viên điện lực Gia Định. Nhân viên tự xưng này cho hay trên hệ thống báo anh vẫn còn nợ 1 tháng tiền điện chưa thanh toán và đề nghị phải thanh toán gấp, nếu không sẽ bị cắt điện.
Khi anh Quân thắc mắc hàng tháng đều có thanh toán tiền điện qua hình thức ủy nhiệm chi từ ngân hàng mà anh sử dụng nên không có chuyện nợ tiền điện.
Lúc này người tự xưng nhân viên điện lực lại đề nghị anh Quân kiểm tra lại rồi dọa: "Nếu anh không thiện chí trao đổi để thanh toán tiền điện thì chút xíu nữa, chúng tôi sẽ xuống nhà anh lập biên bản xử phạt và cắt điện…".
Do anh Quân đã theo dõi thông tin trên báo các dạng lừa đảo qua mạng nên cảnh giác và nói cứng lại với nhân viên tự xưng trên rằng đã "đóng tiền điện đầy đủ hàng tháng, không có chuyện nợ. Còn bên điện lực muốn xuống nhà kiểm tra lập biên bản, tôi sẵn sàng chờ…".
Thế là nhân viên điện lực tự xưng tự cúp máy.
Ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TP.HCM nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác. Có trường hợp còn giả danh số điện thoại của tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để trả lời khách hàng và thu cước điện thoại 8.000 đồng/phút.
Không chỉ người dân mà đối tác của ngành điện TP.HCM, Công ty cổ phần PayTech (một đối tác của EVNHCMC với ứng dụng Epoint trên điện thoại giúp khách hàng theo dõi số điện, tiền điện hàng ngày) cũng bị "nhân viên điện lực" giả mạo có ý định lừa đảo.
Ông Ngô Minh Thắng, tổng giám đốc Công ty cổ phần PayTech, cho biết trong vòng chưa đầy ba tháng (từ ngày 10-2024 đến 1-2025), đội chăm sóc khách hàng của PayTech ghi nhận 546 cuộc gọi trực tiếp và liên hệ tới fanpage từ những khách hàng sử dụng điện thanh toán điện.
Doanh nghiệp này cũng liên tục phát đi các khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông để người dân nâng cao cảnh giác.
Ngành điện TP.HCM bảo vệ khách hàng ra sao?
Ông Bùi Trung Kiên cho biết để khách hàng tại TP.HCM dễ phân biệt và cảnh giác với các cuộc gọi giả danh nhân viên EVNHCMC để lừa đảo hoặc khai thác thông tin cá nhân, đơn vị đã phối hợp với các nhà mạng Viettel và MobiFone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi (Voice Brandname) khi liên lạc với khách hàng.
Theo đó, tên định danh hiển thị trên điện thoại di động của khách hàng là "EVNHCMC" sẽ giúp cho khách hàng biết là đang giao dịch với nhân viên của ngành điện TP. Đối với các nhà mạng khác sẽ hiển thị số điện thoại 028.2220.1155.
Khi liên hệ khách hàng qua điện thoại, nhân viên điện lực đều sử dụng cuộc gọi định danh, chủ động giới thiệu họ tên, mã nhân viên và đơn vị công tác (các công ty điện lực quận/huyện).
Căn cứ thông tin khách hàng sẵn có, nhân viên điện lực sẽ hỏi khách hàng về địa chỉ sử dụng điện để xác nhận đúng đối tượng cần liên hệ. Trường hợp không đúng đối tượng liên hệ thì sẽ không tiếp tục cuộc gọi.

Người dân sử dụng ứng dụng EVNHCMC thanh toán tiền điện - Ảnh: Hồng Phương
Để không bị rủi ro đối với các cuộc gọi mạo danh ngành điện, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thanh toán tiền điện đúng hạn qua các kênh thanh toán điện tử tin cậy, an toàn như: ứng dụng EVNHCMC, ứng dụng Epoint, ví điện tử (Payoo, Airpay, ZaloPay, MoMo, ViettelPay, VNpay, VNPTPay, ViMo…), Internet/SMS/Mobile Banking, website/ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).
Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tiếp tại các điểm giao dịch ngân hàng, các điểm thu cửa hàng tiện lợi 24/7 (B’mart, Circle K, Family mart…), siêu thị điện máy (Thế giới di động, Điện máy Chợ Lớn, FPT…), siêu thị Coopmart…
Trong trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh điện lực, EVNHCMC khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng.
"Khách hàng tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cần thông báo ngay cho EVNHCMC qua tổng đài 1900.545454 hoặc cơ quan công an các địa phương để được giải quyết", ông Kiên khuyến cáo.
Các phương thức lừa đảo của nhân viên điện lực giả mạo
Ông Bùi Trung Kiên thống kê có ba cách thức các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng và người dân cần hết sức cảnh giác.
Thứ nhất, đối tượng thông báo khách hàng đang nợ tiền điện với số tiền lớn, yêu cầu thanh toán ngay lập tức để tránh bị cắt điện hoặc thông báo khách hàng ghi sai tên, sai số tài khoản.
Thứ hai, các đối tượng này thông tin hệ thống điện đang gặp sự cố, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác chuyển tiền để khắc phục.
Thứ ba, kẻ mạo danh cũng thông báo, giới thiệu các chương trình khuyến mãi giả mạo, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link lạ hoặc tải ứng dụng độc hại để nhận ưu đãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận