31/01/2015 12:19 GMT+7

​Nỗ lực xóa “vết đen”

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Từ trong cái nghèo khó, sai lạc bằng nỗ lực xóa bỏ “vết đen” quá khứ, người đàn ông ấy với sự chia sẻ, động viên của vợ cùng sự trợ giúp của chính quyền đã bước ra khỏi vùng tăm tối.

Rũ bỏ quá khứ, Phong đã sống hạnh phúc bên vợ con - Ảnh: Minh Tâm

Sáng sớm đầu đông những vệt nắng hãy còn rất mỏng, anh Lê Hồng Phong (ngụ phường Long Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã vội vã đi cấy ruộng thuê. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huệ, ở nhà tất bật xin thân chuối xắt ra trộn với cám nấu cho heo ăn, rồi lo chuyện cơm nước.

10g Phong từ ruộng về, tuy nhễ nhại mồ hôi nhưng anh vẫn xắn tay áo giúp vợ vệ sinh chuồng trại. Phong tâm sự: “Ráng làm để tích cóp phòng khi hữu sự lấy ra dùng. Một lần “sẩy chân” tởn tới già...”.

“Sẩy chân”

Vợ chồng Phong đến với nhau bằng đôi bàn tay trắng. Không tiền cất nhà nên họ che căn chòi ở mé kênh. Chồng giăng câu đặt lợp. Vợ gánh ve chai. Tiền kiếm được chỉ gần đủ ăn. Cuộc sống của cặp vợ chồng nghèo cứ bị cuốn trong những khó khăn này tiếp nối những khó khăn khác.

Rồi lần đó con bệnh không tiền thang thuốc, căn chòi rách bươm bị bão quật tơi tả khiến người chồng bước sẩy chân sang hố “bần cùng sinh đạo tặc”. Phong tham gia vào băng trộm đường sông khi lãnh phần lái ghe để đồng bọn lên bờ trộm rồi chở đi tiêu thụ.

Phong tự trấn an mình rằng chỉ một lần cho qua cơn thắt ngặt, song số tiền ăn chia khiến anh mờ mắt mờ tâm. Bàn tay tiếp tục nhúng chàm thêm lần nữa thì Phong bị bắt và bị kết án 2 năm tù.

Khi hay hung tin, chị vừa giận chồng sao lại làm chuyện đáng chê trách như vậy, vừa thương chồng do quá lo cho con nên cạn nghĩ khiến phải vướng vòng lao lý.

Sau ngày chồng bị bắt, gánh nặng mưu sinh dồn vào đôi vai vợ. Mỗi ngày với gánh ve chai, chị đi từ sáng sớm đến tối mịt kiếm vài chục nghìn đồng nuôi mình và con. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn - trưởng ban công tác mặt trận khu vực Tân Lợi 2, phường Long Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - kể thấy Phong siêng năng mầm ăn, ông tìm mọi cách để thử xem Phong có thật sự sửa đổi.

Lần đó Phong cắt cỏ mướn ở miếng ruộng nọ, cạnh sát đó là ruộng cà. Ông đã nhờ người xúi Phong hái trộm vài trái cà mang về. Vừa mở lời, Phong đã thẳng thừng từ chối: “Con xin chú, con đã một lần sai phạm. Đừng xúi con lủi vào con đường đó”.

Ông Sơn đứng núp gần đó nghe Phong nói mà mừng không xiết.

Đã vậy đi đâu cũng nghe người ta xì xầm chuyện chồng mình ở tù. Mệt mỏi thể xác chồng lên nỗi đau tinh thần khiến chị muốn quỵ, nhưng khi vào thăm nuôi chồng chị vẫn ráng vui vẻ, động viên anh cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình...

Nhìn vợ gầy rạc như xác ve, Phong càng day dứt: “Những ngày nằm trong trại giam, hối hận chuyện mình làm để khổ cho vợ con. Còn bia miệng nữa. Tội cho con mình sau này lớn lên tiếng cha ăn trộm ở tù đeo đẳng mãi...”.

Nghĩ đến đó thôi, Phong quyết tâm cải tạo tốt để xóa quá khứ lầm lỡ. Năm 2009, Phong được đặc xá trước thời hạn ba tháng.

Hoàn lương

Ngày ra tù trở về nhà, dù lường trước nhưng Phong vẫn cảm thấy buồn đau, xấu hổ trước cái nhìn kỳ thị, xa lánh của nhiều người nhưng anh không trách ai bởi nghĩ tại mình có ăn trộm mới khiến người ta cư xử như vậy.

Phong tự nhủ dù khó khăn thế nào cũng phải sống trung thực để thay đổi cái nhìn của xã hội về mình. Hai vợ chồng nhất trí: tuyệt không nhắc gì đến chuyện quá khứ lầm lỡ của anh. Đồng thời để tránh cảnh thiếu hụt, cả hai sẽ làm ngày làm đêm. Nếu như ngày trước chỉ làm một thì giờ cố gắng làm gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Theo đó, vợ mua bán ve chai, còn chồng ngày đi cấy thuê, cuốc mướn, đêm giăng câu, đặt lợp... Và bất cứ làm thuê cho ai anh cũng làm hết sức để chủ hài lòng mà thuê mướn vụ sau... Dần dà thấy anh siêng năng lại không tham lam nên người chủ này tin tưởng giới thiệu đến chủ khác.

Nhờ đó Phong có việc làm thường xuyên hơn. Cuộc sống bắt đầu dễ thở khiến giấc ngủ thẳng thớm không còn chập chờn như trước...

Chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện khi xét hỗ trợ cho vợ chồng vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ số tiền này, Phong thuê 3 công đất làm ruộng, rồi nuôi bò, nuôi heo... Phong tính toán: “3 công đất ruộng, sau khi trừ chi phí mỗi năm cũng lời chục triệu. Nuôi bò, heo cũng lời ngần ấy... Số tiền căn cơ này để chi tiêu sống hằng ngày”.

Để tăng thêm thu nhập dành dụm chút vốn, vợ chồng chịu khó xin các chủ đất trồng hoa màu cặp mé hai bên bờ ruộng. Phong còn đi giăng câu, đặt lợp, cắt lúa mướn, xịt thuốc thuê... Tiếng thị phi cười chê theo đó giảm dần bởi ngoài quyết tâm lo làm ăn chân chính, Phong còn tham gia sửa đường, xây cầu. Ai có khó khăn gì nhờ giúp đỡ, nếu trong khả năng của mình Phong đều tận lực...

Cứ vậy, từ trong cái nghèo khó, sai lạc bằng nỗ lực xóa bỏ “vết đen” quá khứ, người đàn ông ấy với sự chia sẻ, động viên của vợ cùng sự trợ giúp của chính quyền địa phương đã bước ra khỏi vùng tăm tối để trở thành người lương thiện, tử tế.

Trong hành trình hoàn lương, vợ chồng đã biến căn chòi rách nát ngày nào thành căn nhà tường lành lặn. Niềm hạnh phúc càng nhân lên khi ở tuổi 36 Phong là một trong những gương sáng hoàn lương được chính quyền địa phương biểu dương, khen ngợi.

Hiện vợ chồng anh có hai đứa con. Con gái lớn đang học lớp 7, đứa út 3 tuổi. Cuộc sống vẫn còn nhiều thử thách phía trước nhưng anh quyết không bao giờ lặp lại sai lầm của quá khứ. Anh tâm sự: “Có như vậy tôi mới ngẩng mặt lên sống và để con cái không xấu hổ, mặc cảm về cha...”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên