05/01/2015 09:47 GMT+7

​Niềm vui cuối năm

NHƯ BÌNH - ĐỖ QUYÊN
NHƯ BÌNH - ĐỖ QUYÊN

TT - Hai bạn đọc nữ chọn Tuổi Trẻ gửi gắm câu chuyện của mình và người thân để rồi khi báo đăng lên, họ đã có được niềm vui.

Bà Bích Thủy - Ảnh: G.Tiến
Bà Bích Thủy - Ảnh: G.Tiến

Đó là người thân của một người đòi được công bằng, còn câu chuyện của người thứ hai được cả ngàn người chia sẻ.

Và cuối năm dương lịch, họ có thêm niềm vui nhỏ: nhận giải thưởng Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 11-2014.

Những bất ngờ từ cuốn sổ tiết kiệm

Câu chuyện “Tiền tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm” (Tuổi Trẻ ngày 6-11) của bà Lê Thị Bích Thủy chia sẻ đã trở thành chủ đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm trong tháng 11-2014.

Bà Thủy gửi 270 đồng năm 1983, một khoản tiền không nhỏ vào thời điểm đó và chưa nhận đồng lãi nào, nhưng khi tất toán sổ vào năm 2014 thì được trả lời chỉ còn 0 đồng.

Từ câu chuyện này, đường dây nóng của Tuổi Trẻ liên tục nhận được phản ảnh của rất nhiều người “đồng cảnh ngộ” với bà Thủy cùng yêu cầu Tuổi Trẻ cần làm rõ cách tính của ngân hàng.

Tuổi Trẻ đã đi vào chủ đề này với loạt 11 tin bài, thu hút 1.105 bình luận của bạn đọc, nằm trong top 10 chủ đề được bình luận nhiều nhất trong năm 2014 trên báo Tuổi Trẻ.

Kể lại câu chuyện quyết định đem đi tất toán cuốn sổ tiết kiệm của mình với kỳ vọng có chút tiền để trả học phí cho cháu nội, bà Thủy nói: “Do thời gian quá lâu, sau khi đem sổ đến kho bạc, người này chỉ tới, người kia chỉ lui mà cuốn sổ của tôi vẫn không được ai giải quyết.

Cuối cùng tôi được chỉ đến một ngân hàng và khi đến đây tôi bất ngờ khi được cô giao dịch viên tính toán sơ sài và trả lời sổ của tôi tất toán còn 0 đồng, chỉ còn giá trị làm kỷ niệm. Tôi đã gửi thắc mắc đến báo Tuổi Trẻ nhờ báo giải quyết.

Đây không phải lần đầu tiên tôi tìm đến Tuổi Trẻ khi gặp vướng mắc trong cuộc sống, bởi tôi thấy các vấn đề đời sống dân sinh đều được báo Tuổi Trẻ phản ánh chính xác và được cơ quan liên quan giải quyết nhanh chóng”.

Bà Thủy cũng chia sẻ từ khi câu chuyện cuốn sổ tiết kiệm của bà lên báo, bà lại thấy bất ngờ khi nhận được rất nhiều chia sẻ của bạn đọc, đi đâu cũng có người nhận ra bà và hỏi han về kết quả lĩnh tiền.

Đặc biệt, khi ngân hàng tất toán cả gốc lẫn lãi cho cuốn sổ tiết kiệm hơn 30 năm chỉ có 4.385 đồng, nhiều người ngỏ ý muốn mua lại với giá trị gấp cả 1.000 lần so với số tiền trên. “Quả thật tôi không ngờ được chia sẻ như vậy!”, bà Thủy thốt lên.

Và nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 11-2014 với bà Thủy cũng là một bất ngờ nữa.

“Tôi xem đây như là niềm vui cuối năm của mình. Tôi đã hiến tặng cuốn sổ tiết kiệm vào bảo tàng vì nếu lĩnh ra cũng không bao nhiêu, trong khi vào bảo tàng sổ sẽ được lưu giữ, con cháu mình có thể vào xem. Bảo tàng cũng đã đề nghị tôi viết lại câu chuyện liên quan đến cuốn sổ để có thêm phần bút tích của chủ nhân” - bà Thủy chia sẻ.

Bà Trần Thị Sinh - Ảnh: G.T.
Bà Trần Thị Sinh - Ảnh: G.T.

“Lấy lại công bằng”

Bà Trần Thị Sinh (quận 9, TP.HCM) đã bày tỏ như vậy khi kể lại câu chuyện cung cấp đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ về chính trường hợp em họ mình.

Bà cho biết: “Em họ bên chồng tôi nghe lời giới thiệu đã từ Bắc Giang vào làm việc cho một cây xăng ở tỉnh Đồng Nai với mức lương 30 triệu đồng/năm.

Thế nhưng suốt ba năm tám tháng ở nơi này, em ấy (tức Trần Văn Tuân) liên tục bị vợ chồng người quản lý cây xăng hành hạ. Gia đình đã phải mấy lượt đưa em về nhưng do em lo sợ bị trả thù, quỵt lương nên không dám thừa nhận với công an.

Đến lần thứ tư, đỉnh điểm, gia đình mới đưa bố em Tuân từ Bắc Giang vào và thuê xe bảy chỗ xuống giải cứu em về nhà.

Nhìn em tay chân lở loét, nhiều vết sẹo, có vết cắt, tôi không cầm lòng được nhưng không biết giúp em cách nào. May sao, nhờ có chị bạn quen gần nhà tôi mới có danh thiếp của Tuổi Trẻ và ngay lập tức gọi điện cầu cứu đến báo”.

“Bài viết “Làm thuê cho cây xăng, bị hành hạ đến tiều tụy” (Tuổi Trẻ ngày 18-11) đã có tác động rất lớn đến em tôi” - bà Sinh chia sẻ. Bà cho biết nhờ bài báo đó mà Công an huyện Thống Nhất đã vào cuộc, em Tuân của bà đã được đưa đi bệnh viện khám chữa bệnh.

Vợ chồng người quản lý cây xăng cũng bồi thường một ít tiền cho Tuân. Tuân đã dùng tiền này trả bớt nợ cho cha mẹ ở quê và dành dụm được ít tiền gửi tiết kiệm.

“Em tôi, chàng trai 20 tuổi, 39kg lúc được giải cứu, hiện nay đã mập mạp hẳn ra và có một công việc nhẹ nhàng ở một nhà hàng karaoke. Gia đình em Tuân rất biết ơn Tuổi Trẻ vì nhờ đó em mới được lấy lại công bằng và có cuộc sống đúng nghĩa hơn trước, mở ra cho em niềm tin yêu cuộc sống. Năm nay cả nhà Tuân sẽ ăn tết vui vẻ hơn vì không còn đau đáu nỗi lo con em mình đang bị ngược đãi mà không biết làm sao giải cứu” - bà Sinh bày tỏ.

NHƯ BÌNH - ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên