15/04/2018 12:40 GMT+7

Nhụt chí chống tham nhũng, không chỉ 'dẹp một bên' mà phải loại bỏ

LÊ KIÊN - NGỌC HÀ
LÊ KIÊN - NGỌC HÀ

TTO - "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm". Ai nhụt chí, ai không muốn làm? Họ cần "dẹp sang một bên" hay mạnh mẽ hơn: loại bỏ?

Nhụt chí chống tham nhũng, không chỉ dẹp một bên mà phải loại bỏ - Ảnh 1.

Nỗ lực phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã đưa những vụ án kinh tế lớn, nghiêm trọng ra xét xử, nhiều cán bộ lãnh đạo phải ra hầu tòa. Trong ảnh: nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn tại tòa trong vụ án liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước tại PVN - Ảnh: T.LỤA

"Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm" - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy về việc đang có ý kiến cho rằng trong việc chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng "phải làm cẩn thận (kẻo) không (có người) nhụt chí, không ai muốn làm".

Ai nhụt chí, ai không muốn làm? Họ cần "dẹp sang một bên" hay mạnh mẽ hơn: loại bỏ?

* TS PHAN TRUNG CHÍNH (nguyên trưởng ban khoa học lãnh đạo, quản lý Viện Chính trị học):

Nhụt chí thì nên loại ra khỏi đội ngũ

Tệ nạn tham nhũng gây giảm sút lòng tin người dân ghê gớm. Vì vậy, khi Đảng và Nhà nước quyết tâm đẩy lùi tệ nạn này thì niềm tin của nhân dân đang được lấy lại. Những vụ việc xử lý mạnh tay vừa qua đang góp phần chặn đứng nhiều con sâu nhăm nhe tham nhũng khác.

Tuy nhiên, nếu nói ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm vẫn còn nhẹ nhàng. Trong khi lòng tin, sự mong mỏi của dân chúng và quyết tâm của Đảng lên cao mà vẫn có những kẻ nhụt chí, không muốn làm thì không chỉ dẹp họ sang một bên, mà nên loại khỏi hàng ngũ.

Không phải chờ chứng cứ, điều tra, nhiều quan tham thế nào, dân chúng đều biết rất tường tận. Vấn đề là cần có cơ chế để việc chống tham nhũng lan tỏa, hiệu quả rộng khắp hơn, không chỉ phụ thuộc việc kiểm tra từ trên hay vài vụ việc do báo chí khui ra.

Nếu hàng xóm của tôi "có vấn đề" thì tôi tố cáo thế nào, tố cáo với ai? Làm sao để một người tố cáo không phải nơm nớp lo sợ bên trên không xử, mà cuối cùng chính mình lại bị trù dập?

Thực trạng tham nhũng đã rất nhức nhối, xã hội đã phải chịu kìm nén từ lâu, nhân dân muốn "lửa cháy mạnh hơn", nếu không sẽ nguy hại cho đất nước.

Không nên sợ vì đánh vào tham nhũng mà tình hình xấu đi. Bởi thực tế khi công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua được đẩy mạnh thì thấy rõ mọi việc đang tốt lên.

* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG:

Đó là lời cảnh báo!

nguyenngocphuong-qb-3read-only-1523764298792467800147

Dễ thấy rằng công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái đã có bước ngoặt kể từ Đại hội XII của Đảng, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết tâm đẩy mạnh công tác này bằng những chỉ đạo quyết liệt, bài bản, cụ thể; sự hoạt động mạnh mẽ, có hiệu quả của Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Tổng bí thư là "ai còn thấy cản trở, còn nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm". Đó là mệnh lệnh, lời cảnh báo, thúc giục với thái độ kiên quyết.

Những kẻ tham nhũng, suy thoái còn đang ẩn nấp nghe những lời ấy thì nên gột rửa tội lỗi, nếu thấy không xứng đáng thì nên từ chức, tránh sang một bên để người khác làm.

Thế còn để nhận diện một bộ phận cán bộ cần phải dẹp sang một bên cũng không phải dễ. Vì những kẻ tham nhũng, suy thoái, lợi ích nhóm thường xuyên tìm mọi cách ẩn nấp, tránh né, che đậy, câu kết với nhau hòng trục lợi.

Chính vì vậy, ngoài quyết tâm chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì cần tạo động lực, cơ chế để người dân, các tổ chức xã hội vào cuộc chống tham nhũng.

Đặc biệt, tới đây Quốc hội sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng cần có những quy định rõ ràng về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Người dân phải có vai trò, có quyền lớn hơn trong giám sát bộ máy và đội ngũ cán bộ.

* GS ĐINH VĂN TIẾN (nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia):

Càng phải làm mạnh, làm công khai

dinh-van-tien1-3read-only-1523764298791805810140

Vẫn còn đó sự ngại ngùng trong việc phòng chống tham nhũng và đó chính là bước cản.

Công cuộc chống tham nhũng đang tiến hành rất bài bản và ngày càng được lòng dân.

Những vụ việc liên quan đến các cán bộ cấp cao trước đó hay các vụ cụ thể gần đây liên quan đến các vị từng là tướng lĩnh trong ngành công an như ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa hay thương vụ MobiFone "thâu tóm" AVG cho thấy không có vùng cấm, tất cả đều được rõ ràng.

Những người có tội đều phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình.

Thực tế ai cũng thấy công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước - đứng đầu là Tổng bí thư - ngày càng hiệu quả và hợp lòng dân. Nếu không quyết liệt, đất nước không bình yên được. Đừng che giấu nữa, phải công khai và vừa qua việc xử lý đã rất công khai, người dân rất ủng hộ.

Sự nhụt chí, bàn lùi mà Tổng bí thư nhắc tới hoàn toàn không có từ phía nhân dân. Người dân vẫn đang muốn làm quyết liệt và rạch ròi hơn nữa.

Tư tưởng nhụt chí thể hiện ở đâu đó chủ yếu chỉ rơi vào những người đã "nhúng chàm", hoặc họ bị động đến quyền lợi trực tiếp - mà phần đông là quan chức. Còn nếu ai đàng hoàng sẽ đều rất ủng hộ để đội ngũ trong sạch.

Đẩy lùi sự nhụt chí ấy không có đường nào khác là tiếp tục phải làm mạnh, rành rọt, công khai, triệt để dưới sự ủng hộ của nhân dân. Có sức mạnh của dân, sự nghiệp của Đảng và Nhà nước mới thành công. Có sự ủng hộ của nhân dân, không việc gì không làm được.

Những vụ việc tham nhũng "khủng" vừa được lôi ra ánh sáng đều vì quyền lực trong tay những người đó lớn quá, lại vắng cơ chế kiểm soát nên họ tưởng mình muốn làm gì cũng được.

Nhưng nên nhớ quyền lực đó thực sự thuộc về nhân dân, chưa phải thời nay lôi ra xử lý thì đến một thời khác cũng sẽ bị xử lý!

* Đại biểu Quốc hội PHẠM THỊ MINH HIỀN:

Nhụt chí là hèn nhát

pham thi minh hien 3(read-only)

Đại biểu Quốc hội PHẠM THỊ MINH HIỀN

Kết quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được người dân bày tỏ sự ủng hộ, tin tưởng.

Bên cạnh những kết quả đã làm được, tôi đồng tình với nhận xét của Tổng bí thư là vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", chuyển biến không đồng đều ở các cấp, ngành, địa phương.

Cử tri phản ảnh không ít nơi quán triệt, hô hào rất mạnh nhưng sâu bên trong thì một số cán bộ lãnh đạo vẫn mang tư tưởng e dè, ngại va chạm nhưng lại đố kỵ, giỏi giấu giếm sai phạm và trù dập những người dám lên tiếng chống lại sự tha hóa.

Một bộ phận cán bộ thì ngại tranh đấu, ngại phản biện và xem đó không phải việc của mình vì sợ sai phạm, sợ trách nhiệm. Không ít địa phương chỉ muốn dựa dẫm hơn là đề cao giá trị tự thân, ham phụ thuộc để được lợi trước mắt hơn là tập trung cho sức mạnh nội tại, khả năng tự vươn lên phát triển.

Tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề cần lưu ý. Như vậy có khác gì nói mà không làm, là nhụt chí, là hèn nhát?

Chính những biểu hiện này là cơ hội cho các nhóm lợi ích len lỏi và thao túng, làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của không ít cán bộ công chức. Và cũng chính biểu hiện này là cách để nhận diện bộ phận nhụt chí, hèn nhát trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phải loại bỏ.

Tôi cho rằng chủ trương của Đảng trong cuộc đấu tranh này - "không có vùng cấm" - đã thể hiện quyết tâm trong ý chí và quyết liệt trong hành động. Nhưng thực tế hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều "vùng khuất" mà cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm có thể chưa lần ra hết.

"Vùng khuất" này có ở các địa phương trên cả nước và có thể có cả trong từng lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, trong bộ máy hành pháp, tư pháp.

Chẳng phải những sai phạm khuất tất được đưa ra ánh sáng thường có một quá trình ẩn nấp đằng sau nhiều thế lực, được che đậy hết sức tinh vi và được bảo vệ, tiếp tay bởi chính bộ phận những con người nhụt chí, hèn nhát, im lặng không dám đấu tranh hay sao?

Đến lúc này, không thể chủ quan bỏ qua cơ quan, tổ chức nào trong quá trình rà soát, giám sát việc thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao.

LÊ KIÊN - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên