08/09/2018 14:30 GMT+7

Nhường 'ghế': khó không?

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)

TTO - Viết một cái đơn xin nghỉ hưu trước tuổi với người đang ở "ghế" lãnh đạo thực sự là dũng khí, không phải ai cũng có. Và những người chủ động dừng đúng lúc, nhường "ghế" cho lớp trẻ luôn được người dân trân trọng.

Nhường ghế: khó không? - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Hậu thời kỳ làm đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - Ảnh: HOÀNG ĐÌNH NAM

Việc ông Trần Hữu Hậu, bí thư Thành ủy Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), vừa qua xin nghỉ hưu ở tuổi 58 được nhiều người quan tâm. 

Kể từ ngày 1-9-2018, ông Trần Hữu Hậu được nghỉ hưu trước tuổi theo nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế.

Không chờ đến khi bị "mời" nghỉ

Ông Hậu từng là "nhân vật" được chú ý cuối năm 2015 khi mở tài khoản và công khai địa chỉ Facebook của mình để tiếp nhận những ý kiến phản ảnh của người dân. 

Theo ông, mạng xã hội chính là một kênh thông tin tốt và chính quyền nên có. Qua đó có thể chuyển tải được những vấn đề chính quyền muốn nói với dân và tiếp thu những vấn đề dân phản ảnh với chính quyền.

Ông Hậu cũng từng được vinh danh giải thưởng CIO/CSO Đông Nam Á. Giải thưởng này đã vinh danh 27 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc của các nước ASEAN. Biết tin ông nghỉ hưu sớm, nhiều người đều tỏ ra luyến tiếc về hình ảnh một cán bộ gần dân.

Trong khi còn nhiều quan chức tìm nhiều cách kéo dài thời gian công tác, ông vẫn còn tuổi, còn sức lực, lẽ ra phải tiếp tục cống hiến, sao lại xin rút sớm như vậy? 

Chia sẻ với báo chí về việc nghỉ hưu sớm của mình, ông Hậu nói: "Mình già rồi, trong khi thành phố đang có những bước chuyển mình, tự nhận thấy không đủ sức khỏe đảm đương công việc, với một phần vì kinh tế gia đình nên phải nghỉ".

Từ câu chuyện này, tôi nghĩ đến chuyện ở Đà Nẵng. Để khuyến khích hơn 300 cán bộ, công chức (tuổi đời từ 55 đối với nam và 50 đối với nữ) tự nguyện nghỉ công tác theo nghị định 108 về tinh giản biên chế, thành phố này đã phải đưa ra chính sách hỗ trợ bằng việc hưởng chế độ trợ cấp. 

Ngoài khoản theo quy định hiện hành, mỗi người sẽ được hỗ trợ thêm 100-200 triệu đồng tùy trường hợp, chức vụ.

Nhưng việc chưa dễ xuôi. Nhiều nơi, cả nước cứ nghe tinh giản hoặc luân chuyển biên chế lại có chuyện "chạy" để ở lại. Tôi nghĩ cán bộ, công chức trung thực, có trách nhiệm đừng chờ đến khi người khác "mời" mình nghỉ thì mới nghỉ. 

Nếu cảm nhận mình đã cống hiến hết khả năng, hết năng lực rồi, bao nhiêu tâm huyết đã dồn hết, thấy không theo kịp xu thế phát triển để có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa thì tự nhường "ghế", giao lại nhiệm vụ cho người khác. 

Đây không phải là việc trút bỏ gánh nặng để nhẹ thân mình, mà trao gánh đó cho một thế hệ những người có trình độ, có năng lực để tiếp tục đi xa hơn, đi dài hơn, còn mình sẽ tiếp tục hành trình để trở thành người hữu ích trên phương diện khác.

Tự trọng: không phải ai cũng có

Nói thì dễ, nhưng để làm được điều này quả thực không dễ chút nào! Rời bỏ quyền lực, danh vọng đòi hỏi người cán bộ, công chức phải có đủ dũng cảm, chiến thắng được bản thân trước những lợi lộc từ chức vụ, quyền hạn mang lại. 

Làm "quan", để được dân tin, dân yêu thì thời nào cũng khó. Bởi vì dân luôn khó tính, dân đòi hỏi rất cao về trình độ, năng lực cũng như phẩm chất đạo đức của quan lại ngày xưa mà nay chúng ta gọi là các cán bộ, công chức.

Nhưng dân cũng rất công bằng. "Ông quan" nào vì dân, quý dân, trọng dân thì dân yêu, dân trọng, dân quý. Nhiều người chỉ khi đã về hưu mới biết tình nghĩa thật mà người dân dành cho mình, từ đó mới thấy lòng dân là một thứ khó có được nhưng lại rất dễ đánh mất.

Từ xưa tới nay, các vị quan thanh liêm luôn được nhân dân kính trọng. Họ đều là những người trung thực, tận tụy, luôn làm việc đúng, việc chính nghĩa, việc ích nước, lợi dân. 

Một cán bộ, công chức liêm khiết sẽ không khuất phục trước mọi cám dỗ của quyền lực, vật chất tầm thường. Nhân dân luôn rất cần những ông quan như thế.

Viết một cái đơn xin nghỉ hưu trước tuổi với người đang ở "ghế" lãnh đạo thực sự là dũng khí, không phải ai cũng có. Và những người chủ động dừng đúng lúc, nhường "ghế" cho lớp trẻ luôn được người dân trân trọng.

Từ chức, xin nghỉ hưu sớm là biểu hiện của lòng tự trọng, văn hóa cao, thuộc phạm trù đạo đức nhiều hơn pháp luật.

Xã hội ghi nhận, đánh giá cao sự tiến bộ trong văn hóa nhường "ghế" của những cán bộ, công chức dám hi sinh những lợi ích cá nhân vì mục đích phát triển đất nước mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Chuyện thầy tôi từ chức Chuyện thầy tôi từ chức

TTO - Tôi là giáo viên cấp III một trường thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tôi vẫn nhớ như in cách đây gần 20 năm câu chuyện về thầy hiệu trưởng trường tôi xin từ chức.

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên