Nhường đường trở thành thứ xa xỉ trong giao thông ở Việt Nam |
Sáng nào đi làm tôi cũng chạy xe trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) để đến cơ quan. Và sáng nào cũng vậy, tầm 7-8g, đường này đoạn từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư Mạc Đĩnh Chi gần như ùn tắc, rất khó khăn để di chuyển qua đây bởi có trường mẫu giáo, chắc là cũng thuộc dạng “có tiếng”.
Không khó để nhận ra điều này khi đường có hai làn xe thì các bậc phụ huynh đưa con đến trường bằng ôtô riêng đã đậu xe thành một hàng dài, chiếm trọn làn xe lẽ ra dành cho xe máy và gần như chẳng ai đi ngay.
Đáng nói hơn, hàng xe ôtô từ trong đường Cây Điệp cứ nối đuôi nhau ùn ùn đi ra đường Nguyễn Đình Chiểu càng làm ùn tắc nơi đây. Những người đi xe máy gần như bất lực, đành phải vi phạm Luật giao thông, lách qua làn ôtô còn lại để đi.
Sự việc có lẽ sẽ không có gì đáng bàn nếu những người cầm lái ôtô đi từ đường Cây Điệp ra biết nhường đường cho luồng xe đi thẳng trên đường Nguyễn Đình Chiểu và các bậc phụ huynh đưa con đến trường nhanh chóng di chuyển đi chứ không đậu xe lâu thật lâu dưới lòng đường.
Trên thực tế, Luật giao thông đường bộ Việt Nam có quy định về đậu xe, các trường hợp nhường đường khi tham gia giao thông.
Thế nhưng, sự thiếu vắng các quy định chế tài cụ thể, lúng túng trong xử phạt vi phạm, thói quen tham gia giao thông kém ý thức, cộng với việc thiếu nhường nhịn, kiên nhẫn của số đông, và cả tình trạng cơ sở vật chất nghèo nàn của đường sá đã khiến các quy định này gần như không phát huy tác dụng ở nhiều đoạn đường tại thành phố. Nhường đường do đó trở thành thứ xa xỉ trong giao thông ở Việt Nam hiện nay chứ đừng nói là “văn hóa nhường đường”.
Vậy nên, rất nhiều lần tôi cảm thấy hết sức khó chịu khi thay vì nhường cho xe khác qua hay nhường cho người đi bộ băng qua, xe máy, ôtô lẫn xe buýt cứ thay nhau lấn tới, cố mà qua, rồi thì tranh thủ vượt luôn đèn đỏ, làm cho tình trạng hỗn loạn của giao thông thêm phần rối rắm.
Bao giờ thì nhường đường mới trở thành văn hóa trong giao thông tại Việt Nam? Câu hỏi này có lẽ cần được trả lời bằng những giải pháp triệt để và dài lâu, đồng thời phải thực hiện ngay.
Quy định các biện pháp chế tài cụ thể, rà soát lại quy định nhường đường trong Luật giao thông đường bộ, tăng cường giáo dục nhận thức (nhất là với các bác tài, những người học thi lấy bằng lái, ở các cấp học phổ thông) đi kèm với các chiến dịch truyền thông rộng khắp... có lẽ là một số trong các giải pháp phải làm ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận