04/11/2016 12:45 GMT+7

Những vụ chìm tàu thảm khốc

THU AN - GIA MINH
THU AN - GIA MINH

TTO - Trong khi hàng trăm người vùng vẫy tuyệt vọng ở khoang tàu chìm xuống dòng nước sâu thì những người còn trên bờ thất thần kêu khóc....

Lực lượng cứu nạn cứu hộ TP.HCM lặn tìm kiếm tàu Dìn Ký - Ảnh: Cảnh sát PCCC TP.HCM cung cấp
Lực lượng cứu nạn cứu hộ TP.HCM lặn tìm kiếm tàu Dìn Ký - Ảnh: Cảnh sát PCCC TP.HCM cung cấp

Lao mình vào các đám cháy để cứu người; lặn sâu xuống dòng nước xiết tối đen, lạnh buốt để mò tìm người bị chìm; đào bới, chạy đua với thời gian để giải cứu người bị vùi dưới các công trình xây dựng sụp đổ; xử lý việc rò rỉ khí độc trong nhà máy; cứu người định tự tử... là những công việc thầm lặng nhưng đầy gian khổ, hi sinh của những người làm công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) TP.HCM.

Đó là một sự kiện buồn vào những năm đầu sau ngày thống nhất. Tin dữ đến vào một buổi chiều tối. Ở bến phà Cát Lái, một tàu kéo được cải sửa thành tàu chở khách hai tầng, dự kiến chở khoảng 600 người chuẩn bị rời bến, đã bị lật ngang và chìm khi chỉ mới khoảng một nửa số hành khách lên tàu.

Cứu cái còn trong cái mất

Cảnh tượng thật kinh hoàng. Trong gần 300 hành khách bị nạn, ngoài một số ít còn trên boong rơi xuống sông bơi được vào bờ, những người đã vào bên trong khoang tàu hầu như không thể thoát ra. 

Lực lượng tham gia cứu nạn đông nhưng số có nghiệp vụ lặn mò tìm người chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các chiến sĩ của “tiểu đội cấp cứu” (lúc đó chỉ hơn 10 người, tiền thân của lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc CS PCCC TP.HCM hiện nay) được huy động khẩn cấp.

Với bộ đồ lặn là... chiếc quần ngắn và những bình thở thô sơ, các anh đã thay nhau ngụp lặn dưới dòng nước lạnh giá mò tìm, vớt từng người chết đưa vào bờ. Đến khi xong nhiệm vụ người nào cũng tái nhợt, lả đi. Hơn 280 thi thể người đã được tìm thấy trong hơn hai ngày hai đêm lặn ngụp buốt người, buốt lòng ấy. Sự kiện quá đau lòng không ai muốn nhớ nhưng không thể quên vì đó là những phận người.

Sau này, sau rất nhiều lần mò tìm những người chìm tàu, chết đuối ở các kênh, rạch, sông, hồ... khi thấy trên bờ người thân của họ vẫn đau đáu đợi chờ trong tâm trạng giằng xé giữa niềm hi vọng mãnh liệt may ra người bị nạn còn sống với nỗi tuyệt vọng tột cùng rằng họ đã chết, anh Huỳnh Văn Tuấn - giờ đã là đại úy, phó trưởng phòng cứu nạn, cứu hộ CSPCCC TP.HCM - bộc bạch: “Dù gian khổ, nguy hiểm mấy cũng phải tìm, mang bằng được người chết lên bờ để an ủi phần nào nỗi đau người thân của họ, thấy được thi thể vẫn hơn không. Chúng tôi hay nói đó là cứu cái còn trong cái mất”.

Thoát trong gang tấc

Vụ chìm tàu Dìn Ký gây chấn động một thời cũng xảy ra vào một chiều mưa lạnh ngày 20-5-2011. Dù không thuộc địa bàn phụ trách nhưng với trách nhiệm cứu người, khi hay tin, lực lượng cứu nạn, cứu hộ TP.HCM đã điều ba xe chuyên dùng chở các chiến sĩ cùng phương tiện chạy tức tốc lên Bình Dương.

Tàu Dìn Ký bị chìm trên sông Sài Gòn, địa phận tỉnh Bình Dương. Trên tàu có 16 người đang tổ chức sinh nhật cho một em bé. Để rà tìm con tàu ở độ sâu 18-20m trong lúc mưa to, gió lớn, dòng chảy xiết khiến tàu liên tục dịch chuyển là điều không đơn giản. Lực lượng tìm kiếm đã dầm mình suốt đêm trong mưa gió, dưới dòng nước lạnh tối đen. Rất mệt nhưng không ai dám vô bờ nghỉ ngơi, vì trên bờ nhiều thân nhân người bị nạn đang kêu khóc, trông chờ... Sẽ phải trả lời họ như thế nào?

Đến gần 5g sáng hôm sau, con tàu chìm được tìm thấy ở phía bờ bên kia sông. Một cuộc tìm kiếm khác căng thẳng hơn lại bắt đầu. Lệnh chỉ huy: khẩn trương điều động hết các chiến sĩ có kinh nghiệm tới ngay hiện trường để lặn tìm người.

Sau nhiều lần trồi lên lặn xuống tìm kiếm, hội ý mới xác định tàu có tầng dưới. Nhưng khó khăn lại chồng chất khi các anh phát hiện hai cửa chính và các cửa sổ thông vào tầng dưới tàu đều bị đóng chặt, không cách nào mở ra. Tàu nghiêng mạn trái xuống đáy sông. Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Chí Thành trong tổ cứu nạn của CSPCCC TP.HCM tìm cách phá cửa sổ ở mạn phải, theo ô cửa chỉ rộng 60cm2 chui vào.

Xác định 16 người bị nạn đều ở đây, các anh mò mẫm trong khoang tàu lạnh buốt, tối đen, chật hẹp để tìm người. Một cảm giác nhói lòng khi các anh cảm nhận tất cả đều đã tử nạn. Lặng lẽ nhưng khẩn trương, các anh đưa từng thi thể ra ngoài.

Đưa được 15 người ra, tìm mãi vẫn không thấy người thứ 16, dù rất mệt nhưng các anh quyết tâm không bỏ cuộc. Lúc này đang bám vào tàu ở tư thế nằm, Tuấn bỗng cảm nhận người mình bị dựng đứng lên. Dòng chảy đã đổi hướng lật ngược con tàu, sắp sửa đè mất lối ra duy nhất. Công ở ngoài giật dây báo tín hiệu khẩn cấp để Tuấn và Thành kịp thời thoát ra trước khi con tàu lật nghiêng che mất lối thoát hiểm. Vì thế, nạn nhân thứ 16 - bé Khánh - bị cuốn sâu vào hầm máy chỉ được đưa lên khi đã trục vớt con tàu.

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn trong vụ cứu nạn tàu Dìn Ký
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn trong vụ cứu nạn tàu Dìn Ký

Lặn trong thiếu thốn

Vụ chìm tàu Hoàng Đạt 36 (ngày 15-5-2007) là một kinh nghiệm khác. Đại úy Huỳnh Văn Tuấn nhớ lại:

“Nhận lệnh, chúng tôi khẩn trương tới hiện trường thì phát hiện đó là vùng nước thuộc tuyến cảng biển. Chúng tôi lại chưa có kinh nghiệm lặn biển. Khu vực này nước lại sâu, chảy rất mạnh nhưng anh em vẫn quyết tâm lặn tìm thi thể các nạn nhân.

Khi đó đồ lặn được trang bị ba bộ, nhưng có tới 12 người thay phiên nhau lặn theo ca nên chỉ ba người được mặc đồ lặn, còn lại anh em phải mặc quần đùi.

Đêm đầu tiên anh em cứ lặn xuống, mò theo khoảng trống lần vô, đưa được thi thể nạn nhân đầu tiên lên. Nhưng sau đó tìm cả đêm không được kết quả gì thêm vì chỉ lần mò theo bản năng chứ không xác định được các khu vực bố trí thế nào.

Hôm sau, lực lượng cứu hộ yêu cầu chủ tàu từ miền Bắc vào vẽ lại sơ đồ con tàu, đánh giá từng khu vực có khả năng nạn nhân bị kẹt mới tìm đưa được thêm hai thi thể ở căngtin và phòng nghỉ lên.

Qua ngày thứ ba, có thêm lực lượng lặn cứu hộ tàu biển chuyên nghiệp từ Vũng Tàu trợ giúp với đầy đủ trang thiết bị hiện đại thì tìm thêm được hai nạn nhân khác, một người được tìm thấy cách hiện trường hơn 2km sau ba ngày trôi dạt.

Nhớ lại vụ lặn tìm này, sau chín năm mà đại úy Tuấn vẫn cảm thấy... sợ. “Lúc đó nước chảy rất mạnh, lại bị xoáy nước khi vào bên trong thân tàu. Nguy hiểm nhất là độ sâu con tàu chìm hơn 22m, mà cứ vài mét lặn sâu phải giảm áp một lần, không có phương tiện kỹ thuật nào hỗ trợ, anh em chỉ bằng kinh nghiệm của người đi trước truyền lại, tự điều áp bằng cơ thể.

Nếu có nguy hiểm, lặn xuống hoặc nổi lên quá nhanh, nhẹ thì sẽ bị tai biến, liệt toàn thân, nặng có thể mất mạng trong tích tắc. May mắn là không có tai nạn và mọi người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lành lặn trở về” - đại úy Tuấn nhớ lại.

Từ “tiểu đội cấp cứu” đến phòng cứu nạn, cứu hộ

Sau năm 1975, khi tiếp quản Sở Cứu hỏa đô thành Sài Gòn, lực lượng CSPCCC TP.HCM đã trưng dụng và đào tạo những chiến sĩ chuyên thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên cơ sở kinh nghiệm lưu dụng từ chế độ cũ. “Cảm tử thời bình”, “Tiểu đội không tên”, “Tiểu đội cấp cứu” là những cái tên đầu tiên được đặt cho lực lượng này.

Tháng 10-2006, CS PCCC TP được thành lập, “Tiểu đội cấp cứu” được kiện toàn thành Đội cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Tháng 11-2010, Bộ Công an quyết định thành lập Phòng Cứu nạn, cứu hộ trực thuộc CS PCCC TP.HCM.

__________________________

Kỳ tới: Cháy kinh hoàng ở ITC

THU AN - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên