Phóng to |
Nhà hàng Dìn Ký Cầu Ngang bây giờ (ảnh lớn) và vụ chìm tàu Dìn Ký năm 2011 (ảnh nhỏ) - Ảnh: H.T.VÂN |
Khởi tố 2 bị can vụ chìm tàu Dìn KýGia đình nạn nhân Trung Quốc chưa đồng ý mức bồi thường vụ Dìn KýCưỡng chế tháo dỡ bến tàu Dìn Ký
Chúng tôi trở lại thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) tìm câu trả lời cho điều khó hiểu này. Ở Thuận An, nhà hàng Dìn Ký Cầu Ngang, nơi 16 thực khách xấu số chìm xuống sông Sài Gòn, đã hoạt động trở lại sau vụ chìm tàu ba tháng, được sửa sang to đẹp hơn ngày trước. Còn ở Thủ Dầu Một, Công an và Viện KSND tỉnh Bình Dương đã phải mất 10 ngày lục tìm trong chồng hồ sơ lưu trữ và thống nhất những tài liệu sẽ cung cấp cho báo chí, bởi vụ án đã đình chỉ điều tra từ ngày 30-5-2012.
Hai bị can đang được tự do
Tiệc sinh nhật bi thảm Vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký làm 16 người thiệt mạng ngày 20-5-2011 được cho là vụ chìm tàu bi thảm nhất trên sông Sài Gòn kể từ năm 1966 (sau vụ chìm tàu khách Thuận Phong trong chiến tranh). Đa số thực khách trên tàu đều dự sinh nhật cháu Quách Hồng Đạt (sinh năm 2008), con ông Guo Liang Cai (Quách Lương Tài) và bà Trần Thị Tương. 19g cùng ngày, do gặp cơn dông lớn, tàu bị gió thổi nghiêng. Lái tàu Nguyễn Văn Đức vốn chỉ là nhân viên phục vụ, không có bằng lái tàu đã không điều khiển được tàu về bờ khiến tàu lật nghiêng, chìm nhanh xuống sông Sài Gòn. 16 thực khách (trong đó có cháu Quách Hồng Đạt và mẹ là Trần Thị Tương cùng bảy người thân trong gia đình) đã tử nạn. Sau khi tai nạn xảy ra, nhà hàng Dìn Ký Cầu Ngang đã dành một số tiền lớn lo mai táng và bồi thường cho các nạn nhân. Đồng thời trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 23-5-2011, ông Châu Hoàn Tâm, chủ nhà hàng Dìn Ký Cầu Ngang, đã xin lỗi các nạn nhân và nói: “Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan chức năng có hướng xử lý như thế nào chúng tôi sẽ chấp hành theo quy định của pháp luật”. |
Theo hồ sơ của Viện KSND tỉnh Bình Dương, ngày 21-5-2011 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và điều động hoặc giao cho người không có đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy” và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Đức (lái tàu) và Lao Văn Quang (nhân viên quản lý nhà hàng) để điều tra. Đến ngày 29-5-2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Đức và Lao Văn Quang với tội danh đã nêu và Viện KSND tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn cùng ngày.
Sau đó, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã hai lần ra quyết định gia hạn thời hạn điều tra hình sự của vụ án và lệnh tạm giam với Lao Văn Quang và Nguyễn Văn Đức. Tuy nhiên, những quyết định gia hạn trên vẫn không đủ thời gian để kết thúc điều tra. Đúng một năm sau vụ chìm tàu Dìn Ký, ngày 30-5-2012 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, trả tự do cho Nguyễn Văn Đức và Lao Văn Quang.
Việc trả tự do cho hai bị can Đức và Quang, đại úy Đặng Hoàng Định - đội phó đội 4 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương - cho biết không kèm theo biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo hồ sơ, cả hai hiện đang tạm trú tại khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, Thuận An. Tuy nhiên, đại úy Định thừa nhận không rõ hiện Đức và Quang còn cư trú tại nơi đã khai báo hay không. Khi chúng tôi đặt câu hỏi nếu bị can có thể bỏ trốn và việc đưa vụ án ra xét xử sẽ bị ảnh hưởng, đại úy Định nói: “Khi nào phục hồi điều tra sẽ triệu tập hai bị can trở lại. Nếu bỏ trốn thì bị truy nã”.
Lần theo địa chỉ, chúng tôi không tìm được Đức, còn Quang sau khi được trả tự do đã được Dìn Ký tiếp nhận trở lại và chuyển từ Dìn Ký Cầu Ngang về làm nhân viên quản lý nhà hàng Dìn Ký Thuận An. Tuy nhiên, khi chúng tôi điện thoại đề nghị nói chuyện, Quang từ chối, cho biết đang về quê và không nói khi nào trở lại Bình Dương.
Chậm vì chờ... Trung Quốc!
Đây là lý do được cả Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương và Viện KSND tỉnh Bình Dương lý giải cho việc đã 27 tháng kể từ khi khởi tố vụ án vẫn chưa kết thúc điều tra, đưa ra xét xử.
Đại tá Trần Văn Chính, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, cho biết trong 16 nạn nhân có bốn người Trung Quốc là Jiang Li, Zhuo Ying Hua, Guo De Cai và Guo Dong Hui. Do Dìn Ký chưa thỏa thuận được phần dân sự với cả bốn nạn nhân Trung Quốc nên ngày 26-12-2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã thực hiện các thủ tục ủy thác tư pháp gửi Viện KSND tối cao để gửi đến Viện KSND tối cao Trung Quốc ủy thác tư pháp yêu cầu dân sự trong vụ án hình sự đối với đại diện các bị hại. Tuy nhiên, cho đến khi tạm đình chỉ điều tra, các cơ quan tố tụng của Bình Dương vẫn không nhận được kết quả ủy thác tư pháp.
Mãi đến ngày 27-8-2012, nghĩa là gần ba tháng sau khi vụ án đã tạm đình chỉ điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra mới nhận được bản fax kết quả ủy thác tư pháp của Jiang Li, Zhuo Ying Hua, hai nạn nhân còn lại vẫn chưa có. Nhưng ngay cả hai kết quả ủy thác tư pháp này cũng không có giá trị pháp lý vì phía Trung Quốc không cung cấp bản chính mà chỉ là bản fax, tương tự như bản photocopy. Vụ án vì thế vẫn đi vào ngõ cụt. Vì vậy “đến khi nào có kết quả ủy thác của cả bốn nạn nhân Trung Quốc thì vụ án sẽ được tiếp tục điều tra” - đại tá Trần Văn Chính khẳng định.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao không tách phần dân sự và hình sự của vụ việc thành vụ án khác nhau để dễ dàng điều tra xét xử, còn nếu để như hiện nay thì phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả ủy thác tư pháp từ phía Trung Quốc, đại úy Đặng Hoàng Định - người trực tiếp điều tra vụ án - nói: “Quy trình tố tụng là phải làm tròn trịa, không chỉ phần dân sự mà còn phải xem phía bị hại có kiến nghị gì về phần hình sự. Do đó không tách phần dân sự và hình sự trong vụ việc này”.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Nhiều - phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương - thừa nhận việc tách phần dân sự và hình sự để xét xử là đúng luật. Tuy nhiên, quan điểm của các cơ quan tố tụng là vẫn ráng chờ kết quả ủy thác tư pháp. “Chúng tôi chỉ có thể khẳng định sẽ đưa vụ án ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Còn thời gian đó là bao lâu thì không thể trả lời được” - ông Nhiều nói.
Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (Đoàn luật sư TP.HCM): Có thể tách phần hình sự xét xử riêng Theo điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Như vậy trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự có thể xét xử riêng, không nhất thiết phải vì phần trách nhiệm dân sự mà không xét xử vụ án hình sự. Trong vụ liên quan đến cái chết 16 nạn nhân của vụ chìm tàu, ngoài việc bồi thường về mặt dân sự dù có đạt được thỏa thuận hay không thì phần trách nhiệm hình sự vẫn phải được cơ quan tố tụng tiến hành các bước theo đúng thẩm quyền. Việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho rằng do chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp về mặt dân sự đối với bốn nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc nên chưa phục hồi điều tra là khiên cưỡng. Bởi theo điều khoản của hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết ngày 19-10-1998 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngoài phần tương trợ tư pháp về hình sự còn bao gồm các vấn đề khác về dân sự. Khi nhận được yêu cầu ủy thác Viện KSND tối cao hoặc Bộ Tư pháp của bên yêu cầu ủy thác gửi tới thì bên nhận ủy thác phải gửi kết quả thông tin ủy thác tư pháp bằng bản dịch có công chứng sang ngôn ngữ mà bên yêu cầu ủy thác yêu cầu hoặc bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của vụ án này liên quan đến bốn nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc không gửi được kết quả ủy thác tư pháp thì vẫn phải xét xử phần hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam. Còn khi nào có kết quả ủy thác tư pháp được chuyển từ Trung Quốc sang thì sẽ xét xử phần dân sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận