28/12/2020 08:48 GMT+7

Những việc cần làm ngay khi lập TP Thủ Đức

TIẾN LONG ghi
TIẾN LONG ghi

TTO - Các chuyên gia đóng góp ý kiến về việc tổ chức bộ máy, giải quyết các thủ tục hành chính... trước khi TP.HCM tổ chức lễ công bố nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức vào ngày 31-12.

Những việc cần làm ngay khi lập TP Thủ Đức - Ảnh 1.

Một góc quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của các chuyên gia.

TS Trương Minh Huy Vũ (giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Tạo ra một thành phố đáng sống

Những việc cần làm ngay khi lập TP Thủ Đức - Ảnh 2.

TS Trương Minh Huy Vũ

Quá trình chuyển tiếp từ việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức luôn khó và tạo ra nhiều thách thức. Trong thời gian trước đó, TP.HCM đã vận động và hình thành được cơ sở pháp lý cho các ý tưởng về chính quyền đô thị và TP Thủ Đức.

Việc hiện nay là triển khai những cơ sở pháp lý này vào thực tế. Việc triển khai sẽ đụng vào những thể chế cũ, các chính sách hiện hành và những con người cụ thể ở địa phương.

Từ việc ba bộ máy nhập lại còn một, sắp xếp lại nhân sự dư dôi, giấy tờ phải thay đổi, điều chỉnh; phát triển các chính sách phát triển đặc thù...

Các vấn đề nảy sinh từ thực tế là không tránh khỏi trong quá trình chuyển tiếp và cần được giải quyết một cách thấu tình đạt lý, không "trọng cái mới mà bỏ quên những vấn đề hiện hữu, những việc tồn đọng cũ", như người lãnh đạo cao nhất của TP đã nhấn mạnh.

Khi những vấn đề phát sinh ban đầu được giải quyết, việc xây dựng TP Thủ Đức nên bắt đầu từ những việc sát sườn, thiết thân giải quyết các lợi ích và mong muốn trước hết là người dân, sau đó là cán bộ của ba quận cũ.

Một trong những kỳ vọng khi thành lập TP Thủ Đức là sẽ tạo ra một TP đáng sống. Nền tảng của đô thị là cư dân sống, làm việc và gắn bó lâu dài ở khu vực đó.

Trong tọa đàm về đô thị sáng tạo tổ chức tại Đại học Quốc gia TP.HCM, với đại biểu là thầy cô, chuyên gia đang làm việc ở quận 9, Thủ Đức, các ý kiến đều nhấn mạnh về nhu cầu rất thực tế về an cư lạc nghiệp, cũng như kỳ vọng về TP Thủ Đức tương lai.

Chưa tính các trường đại học khác, 6.000 cán bộ, giảng viên làm việc mỗi ngày, 70.000 sinh viên, trong đó 35.000 sinh viên sinh sống thường xuyên tại TP Thủ Đức của Đại học Quốc gia TP là những cư dân hiện hữu của đô thị này.

Muốn có được đô thị sáng tạo, tương tác cao cần có những con người được tạo điều kiện làm việc, kích thích sáng tạo và có thời gian theo đuổi những đam mê máu lửa của mình.

Người dân ở TP này, trước hết là các thầy cô, giảng viên ở các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia làm ở các khu công nghệ cần có chỗ ở ổn định, môi trường sống an ninh, dịch vụ tiện ích về trường học, bệnh viện đáp ứng, giao thông công cộng kết nối.

Những vấn đề định hướng này phải thành các chính sách, chương trình cụ thể.

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng (tổng giám đốc Công ty tư vấn enCity):

Chọn một số ưu tiên làm trước

Những việc cần làm ngay khi lập TP Thủ Đức - Ảnh 3.

Nguyễn Đỗ Dũng

Quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức định hướng sáng tạo tương tác cao là nền tảng cho việc phát triển của khu vực này tương lai.

Điều quan trọng hiện nay là triển khai nhanh quy hoạch này cả về mặt tổng thể lẫn chọn một số ưu tiên làm trước tạo điểm nhấn. Ba khu vực cần ưu tiên triển khai trước do có sẵn hạ tầng và hệ sinh thái sáng tạo là Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao.

Đối với Thủ Thiêm cần kết hợp với đề án xây dựng trung tâm tài chính để đưa ra chiến lược thống nhất về phát triển khu vực này. Nên ưu tiên phát triển khu vực nằm giữa quảng trường trung tâm và đại lộ Mai Chí Thọ do có vị trí thuận lợi, tiếp giáp các khu vực đã và đang hình thành và kết nối gần nhất với trung tâm quận 1.

Đối với khu Đại học Quốc gia TP, TP cần hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu vực dọc tuyến metro - nơi có tiềm năng phát triển các khu sáng tạo, khu công nghệ dựa trên nền tảng là hệ sinh thái đã có sẵn của các trường trong hệ thống Đại học Quốc gia TP.

Quy hoạch cần tạo điều kiện cho việc phối hợp, tương tác giữa Đại học Quốc gia TP và Khu công nghệ cao về các không gian địa lý, kịp thời đón các cơ hội đầu tư và nhu cầu mới trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ.

PGS.TS Võ Trí Hảo (hiệu trưởng Trường đại học Gia Định):

Ưu tiên trước mắt là đầu tư hạ tầng giao thông

Những việc cần làm ngay khi lập TP Thủ Đức - Ảnh 4.

TS Võ Trí Hảo

Ông bà ta có câu "lộ thông, tài thông". TP Thủ Đức hình thành từ hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị của khu Đông mặc dù đã có những cải tiến nhưng vẫn còn hạn chế và chưa đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, chống ngập và các hạ tầng dịch vụ tiện ích về giáo dục, y tế khác.

Đây là nhiệm vụ trước mắt phải tập trung để người dân cảm nhận được ngay những lợi ích thiết thực từ việc thành lập TP.

Mặt khác, TP Thủ Đức với lợi thế là cửa ngõ kết nối TP.HCM và các hub (điểm kết nối - NV) logistics như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Ngay từ đầu phải chú ý kết nối với các địa phương láng giềng như Đồng Nai, Bình Dương vì thời gian 5-10 năm tới những khu vực này sẽ trở thành "ngoại ô" của TP Thủ Đức sáng tạo.

Không có tầm nhìn và chính sách từ ban đầu, lúc đó các vấn đề về kẹt xe, kết nối giao thông sẽ cản trở lực phát triển của TP Thủ Đức.

Bà Lưu Thị Hương (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9):

Ngăn chặn đầu cơ, tăng giá đất

Tôi vui mừng và ủng hộ chủ trương thành lập TP Thủ Đức nhưng cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn như bộ máy, cơ chế hoạt động chính quyền mới còn khá mập mờ.

Từ ngày 1-1 đến 1-3-2021, ai sẽ là người có quyền đứng ra ký giấy tờ cho người dân? Đi làm giấy tờ thì đi đâu, gặp ai? Rồi giá đất và vật giá liệu sẽ biến động như thế nào? Trước đây gia đình tôi vì kinh tế khó khăn nên chuyển về quận 9 sinh sống.

Nhiều năm qua, hai vợ chồng tôi luôn cố gắng dành dụm tiền để mua nhà nhưng giờ giá đất lại tăng cao. Vì vậy trong giai đoạn xây dựng cơ chế chính sách cần quan tâm ngăn chặn việc đầu cơ, tăng giá đất.

Sắp tới, các quận và phường sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri. Tôi mong muốn lãnh đạo địa phương cũng như TP tích cực lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân để có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, kịp thời thông tin đến người dân.

Tôi tin đây là một đề án mà TP.HCM hết sức tâm huyết nên TP sẽ có phương hướng, giải pháp thỏa đáng, hợp tình hợp lý cho người dân.

THẢO LÊ ghi

Đảm bảo ổn định, không làm ảnh hưởng đến dân

Theo thông cáo báo chí của TP.HCM, sau 60 ngày kể từ ngày nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo TP chỉ đạo các sở ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính...

Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

Dự kiến đặt đơn vị hành chính TP Thủ Đức tại quận 2 Dự kiến đặt đơn vị hành chính TP Thủ Đức tại quận 2

TTO - Sáng 26-12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác TP với Quận ủy quận 9 về các vấn đề liên quan đến việc thành lập TP Thủ Đức .

TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên