20/11/2015 07:55 GMT+7

Những tượng đài 
im lặng giữa non cao...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Trên hành trình miệt mài hi sinh lặng thầm giữa núi rừng hẻo lánh để thắp lên ánh sáng, không ít thầy cô giáo đã trả giá bằng chính mạng sống 
của mình.

Sau giờ lên lớp (ảnh 1), thầy Văn lại lên nương làm rẫy nuôi học trò (ảnh 2) - Ảnh: L.Đ.Dục

Vừa tròn một năm kể từ ngày thầy giáo Hà Công Văn ra đi vì một tai nạn bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi thầy Lê Phước Long, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, vừa ra dự đám giỗ thầy Văn (Quảng Bình) cho biết khi ghé thắp nhang, thầy nhìn thấy mộ phần của thầy Văn chỉ là nấm đất đơn sơ. 

Và với gia cảnh thầy Văn, xây cho thầy một ngôi mộ tử tế chắc là chuyện không dễ! Bởi thế, với tư cách là chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị, thầy Lê Phước Long đã đứng ra vận động Hội Cựu giáo chức, các đồng nghiệp của thầy Văn của ít lòng nhiều để xây cho thầy Văn một nấm mộ.

Một người thầy cả đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi. Suốt 37 năm trời, từ khi là một cậu giáo sinh mới ra trường cho đến khi ngã xuống, thầy vẫn bám trụ gieo chữ cho những bản làng của huyện Đakrông.

Thầy Hà Công Văn được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Tấm lòng của thầy với học trò vùng cao, tình yêu thương của thầy với dân bản vẫn được lưu truyền như một huyền thoại... Thế mà giờ đây, một nấm mộ tử tế cho thầy cũng chưa có. Có gì đó như xót xa.

Những ngày cùng các nhà giáo trong Hội Cựu giáo chức lên với miền tây Quảng Trị, gặp lại những đồng nghiệp của thầy Văn, bao nhiêu kỷ niệm lại thức dậy trong tôi.

Sự hi sinh của các thầy cô nơi rẻo cao này quá lớn lao, bởi không chỉ là cuộc đời, tuổi xuân họ dâng hiến cho rẻo cao mà còn có rất nhiều thầy cô đã mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng, chết vì sốt rét, vì lũ cuốn.

Tôi nhớ cũng dịp 20-11, năm 2003, chỉ trong vòng một tháng, ở huyện miền núi Hướng Hóa đã có ba cô giáo chết vì sốt rét (bài “Hoa và nước mắt trong ngày 20-11” trên báo Tuổi Trẻ năm ấy vẫn còn lưu trên Internet).

Đó chỉ là những cái chết quá gần nhau diễn ra trong tháng 11, tháng của Ngày nhà giáo. Còn tính từ những năm sau khi đất nước thống nhất, cả đại ngàn Trường Sơn là chốn rừng thiêng nước độc, không ít thầy cô giáo cắm bản đã chết vì sốt quá nặng, vì phương tiện thuốc men thiếu thốn, vì đường sá hiểm trở.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy Văn cùng các giáo viên ở Tà Long khiêng một cô giáo ở trường bị sốt rét, vừa khiêng vừa chạy mấy chục cây số xuyên rừng từ bản lên tới Bệnh viện huyện Hướng Hóa. Và ngay thầy Văn cũng không đếm hết bao nhiêu trận sốt rét hành hạ đến rụng hết tóc.

Mà đâu chỉ riêng Quảng Trị, cả một dặm dài biên ải phía Bắc, dằng dặc dải Trường Sơn biên giới phía Tây... Đã có ai thống kê trong ngần ấy năm qua, bao nhiêu thầy cô giáo đã nằm lại với rừng già vì sự nghiệp khai mở văn hóa cho những đồng bào dân tộc?

Sự gian nan của những thầy cô giáo cắm bản đâu chỉ là chuyện sốt rét ngã bệnh? Mấy năm nay, mỗi mùa mưa lũ, lại nghe thấy nơi này nơi kia những giáo viên bị lũ ống cuốn trôi trên đường đi dạy.

Chưa nói đâu xa, năm ngoái khi chúng tôi lên Sam Lang và đưa câu chuyện các cô giáo chui túi nilông qua suối, nhiều người còn không thể tin đó là chuyện có thật.

Trên hành trình miệt mài hi sinh lặng thầm giữa núi rừng hẻo lánh để thắp lên ánh sáng đó, không ít thầy cô giáo đã trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Ngày 20-11 hằng năm, rất nhiều hoa, quà và những lời chúc tụng trên báo chí, trên tivi, trên trang mạng xã hội, hoa ngập trước nhiều cổng trường chốn thành thị, miền xuôi... Tôi lại chạnh lòng nghĩ tới ngôi mộ “sè sè nấm đất” của thầy Hà Công Văn, nghĩ tới những bàn thờ nghi ngút khói hương của ba cô giáo chết vì sốt rét năm nào giữa núi rừng miền tây Quảng Trị...

Đó chính là những tượng đài im lặng giữa non cao.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên