10/10/2021 05:30 GMT+7

Những thiên thần áo trắng trong ký ức F0

ĐOÀN ANH
ĐOÀN ANH

TTO - Những người áo trắng ấy, nhiều bệnh nhân còn chưa kịp biết tên, chưa kịp gửi lời cảm ơn. Nhưng sự ân cần, tận tụy của họ còn mãi trong lòng những F0. Đây chỉ là hai trong ngàn vạn câu chuyện về y bác sĩ chi viện cho TP.HCM.

Những thiên thần áo trắng trong ký ức F0 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện K (Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà của chúng tôi, nếu không có họ, không biết có được hồi phục nhanh và khỏe sớm như vậy không. Sài Gòn sẽ mãi khắc ghi những đóng góp của các bạn trong lúc chúng tôi khó khăn nhất. Mãi mãi các bạn là những thiên thần áo trắng trong mắt những bệnh nhân F0 chúng tôi!

Chị Nguyễn Thụy Ngọc Phượng (Bình Thạnh, TP.HCM)

"Bác sĩ đến tận nhà khám cho mẹ chồng tôi". Chị H. ở phường 2, Bình Thạnh xúc động bắt đầu câu chuyện. Nhà 5 người, 4 người thành F0. Cô em chồng nhất định không chịu test COVID, đã qua đời vào ngày 19-9, chồng chị đi cách ly, mẹ chồng 84 tuổi nên được ở nhà và chị chăm.

Bác sĩ đã cõng mẹ tôi

Lo hậu sự cho cô em chồng xong, bệnh tình của mẹ chị đã trở nặng. 12 giờ đêm chị alô đường dây nóng của trạm y tế lưu động phường 2, Q.Bình Thạnh nhờ trợ giúp. Đầu dây bên kia có người tiếp nhận cuộc gọi, giọng của một thanh niên miền Bắc hỏi chị cần giúp gì, họ xin số nhà và vội vã lên đường ngay. 5 phút sau đã có vài người mặc đồ bảo hộ đứng trước nhà.

"Cho chúng em vào nhà xem tình trạng của bà, chị nhé!" - vẫn giọng nói anh thanh niên lúc nãy. Bác sĩ khẩn trương đo nhiệt độ, đo SpO2, thăm khám và hỏi người nhà triệu chứng của bệnh nhân rồi không chần chừ, anh đã gọi cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

Khi mọi người loay hoay dìu bà xuống giường để ra xe cấp cứu vì bà chân yếu, đi lại khó khăn, anh đã ngồi xuống đất, nói mọi người đỡ bà lên lưng anh cõng ra xe...

Hình ảnh ấy và giọng nói nhẹ nhàng của người miền Bắc trong lúc gia đình chị đang rối bời vẫn hằn sâu trong trí nhớ của chị, cho dù mẹ chồng chị không qua khỏi và chị vẫn áy náy vì không hỏi tên vị bác sĩ ấy. Mãi đến khi nhận hũ tro cốt của bà, chị mới hỏi thăm và biết anh tên Lê Quốc Đạt, thuộc tổ y tế quân y hỗ trợ công tác phòng dịch tại phường 2, Bình Thạnh. 

Qua câu chuyện kể này, chị rất cảm ơn những người đã có mặt kịp thời trong lúc các gia đình suy sụp về tinh thần, cạn kiệt về sức khỏe, họ như những chiếc phao cứu sống kịp thời bao sinh mạng, chí ít cũng để cho người bệnh được đến bệnh viện, "để còn nước còn tát"... như cách người Việt mình luôn cố gắng trong cảnh thập tử nhất sinh.

Alô, bác sĩ có mặt ngay

Nhà 15 người, 6 F0, 3 F0 điều trị tại nhà, đó là tình cảnh gia đình chị Nguyễn Thụy Ngọc Phượng ở sát bờ sông (hẻm 146/14/...) đường Vũ Tùng, phường 2, Bình Thạnh. Ba người được đi cách ly tập trung. 

Bà nội chồng chị 82 tuổi, vợ chồng chị cùng là F0 cách ly tại nhà. Ai cũng được phát 2 gói thuốc A và B, loại 1 viên và loại 2 viên, trên gói thuốc còn in số điện thoại hotline cấp cứu khi có dấu hiệu nặng. Khi chị gọi, y bác sĩ đến khám tận nhà, cho bà nội chồng chị mượn bình oxy, dặn dò kỹ lưỡng. 

Chị tụt huyết áp, bác sĩ bảo: "Do chị thiếu dinh dưỡng, ăn nhiều sẽ có sức khỏe trở lại". Ông ngoại chị đã 92 tuổi, không mắc COVID nhưng vẫn được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.

Chị Phượng kể về sự chăm sóc tận nhà của bác sĩ cho bệnh nhân F0 quanh chị. Một trường hợp F0 đã điều trị hết, nhưng đến tối gọi bác sĩ vẫn đến khám do bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp và Parkinson.

"Trẻ, năng động, hy sinh, nhiệt tình và gần gũi. Hỏi thăm mới biết họ tận Hải Dương vào chi viện cho Sài Gòn, đa phần bác sĩ đều còn trẻ, chỉ ngoài 30, là bác sĩ của Bệnh viện 7 - Quân khu 3! Thương lắm! Nghe nói có bác sĩ khi rút từ đây về nơi khác đã có một người bị lây nhiễm...".

Tri ân chẳng nói hết bằng lời

ttd_3451a 4(read-only)

Người dân chụp ảnh lưu niệm với y bác sĩ Học viện Quân y (công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.11) khi tham quan Bưu điện TP.HCM sáng 9-10 - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM chia tay gần 30.000 chiến sĩ, nhân viên y tế từ khắp mọi miền đất nước vào hỗ trợ chống dịch COVID-19. Trong đoàn quân ấy, ngoài thành phần "chủ lực" là các y bác sĩ, bộ đội, thanh niên còn có cả những nhà sư, hoa hậu, ca sĩ, sinh viên...

Từng có mặt trong các khu cách ly tập trung, tôi hết sức cảm kích hình ảnh tu sĩ mặc trang phục bảo hộ y tế bên ngoài bộ quần áo tu hành. Khi đất nước cần bất cứ ai cũng sẵn sàng làm chiến sĩ.

Trận chiến "không tiếng súng", nhiều chiến binh đã trở thành F0, một số người chỉ còn lại di ảnh. Họ đã không chờ được đến ngày "Sài Gòn khỏe lại".

Tri ân họ chẳng thể nói hết bằng lời, song vẫn xin được ngả mũ kính phục và biết ơn!

THANH BÌNH

Sài Gòn xin cảm ơn!

Được bình an và trở về nhà sau những ngày sinh tử ở tháp điều trị COVID-19 cho những bệnh nhân nặng, với nhiều người dân TP.HCM là nhờ sự cứu chữa, chăm sóc tận tình của những y bác sĩ, tình nguyện viên chi viện chống dịch khắp mọi miền đất nước. Những người đã sát cánh với đội ngũ hàng trăm ngàn y bác sĩ, tình nguyện viên TP.HCM.

13 ngày tại Bệnh viện dã chiến số 12 với anh Quốc Dũng (35 tuổi) là những thời khắc sinh tử mà anh không bao giờ có thể quên được. Đây là bệnh viện có sự tham gia của một đội ngũ y bác sĩ từ rất nhiều tỉnh thành: Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang...

Trở về nhà với vợ con, quay trở lại cuộc sống bình thường, anh Dũng tự nhận xét điều đã cứu anh là sự nỗ lực, sự lạc quan của bản thân và đặc biệt là sự điều trị tận tình của các y bác sĩ.

Vào bệnh viện dã chiến và tiếp đó là vào phòng cấp cứu dành cho bệnh nhân nặng, anh đã trải qua rất nhiều ngày với máy trợ thở, những lúc chỉ cần “đi từ giường bệnh đến phòng vệ sinh” mà phải liên tục ngồi xuống để thở.

Mỗi ngày chiến đấu với dịch bệnh của anh luôn có bóng dáng, sự chăm sóc, hỗ trợ của các y bác sĩ ở Quảng Ninh, Bắc Giang… Anh vẫn còn nhớ như in chất giọng miền Bắc của người bác sĩ điều trị kiên nhẫn nói lại khi người bệnh không quen nghe và hỏi lại liên tục.

Anh Dũng nhớ lại: “Lúc còn ở phòng thường và đột nhiên khó thở tôi đã rất sợ. Sợ mình không về được với vợ con. Ngay khi tôi báo khó thở, bác sĩ có mặt ngay đo SpO2 và chuyển xuống phòng cấp cứu. Xuống tới giường cấp cứu, 5 bác sĩ bao vây, người đeo mặt nạ thở oxy, người đo SpO2, nhiệt độ, huyết áp, chích thuốc, uống thuốc, tôi bình tâm hẳn. Đêm đầu tiên ở phòng cấp cứu tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ xuống đến đây là sống rồi vì bác sĩ thăm khám, đo chỉ số liên tục.

Rất khó ngủ vì tiếng bình oxy kéo ken két, tiếng bác sĩ, điều dưỡng ra vào liên tục cộng thêm việc phải yêu cầu nằm sấp và nằm nghiêng, không được nằm ngửa”. Nếu không từng là bệnh nhân, trải nghiệm mà anh Dũng kể lại nghe sẽ khó tin: “Ở phòng cấp cứu sướng lắm, đồ ăn cũng nhiều hơn. Vì viêm phổi nặng nên sáng và chiều có bác sĩ vỗ lưng để thông phổi và đường hô hấp, được ngắm mảng cây xanh phía ngoài”.

Đã có rất nhiều bệnh nhân như anh Dũng vượt qua cửa tử nhờ vào đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Theo ghi nhận của Sở Y tế TP.HCM, tổng số nhân lực của các bộ, ngành trung ương huy động hỗ trợ từ các tỉnh, thành là 28.989 người. Trong đó lực lượng tăng cường từ các bệnh viện thuộc các bộ, ngành trung ương và đoàn nhân viên y tế các tỉnh, thành là 6.244 người.

Lực lượng tăng cường từ Bộ Quốc phòng là 16.637 người, lực lượng từ Bộ Công an là 1.749 chiến sĩ, lực lượng tăng cường từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y là 4.031 người.

Những ngày này, sau 3 tháng dài đằng đẵng chống dịch, các y bác sĩ, chiến sĩ, sinh viên của Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam... sẽ về lại quê nhà, về với công việc, học tập thường ngày. Sài Gòn tháng 7, tháng 8 đón họ giữa cơn đau oằn mình, với phố phường vắng lặng vì giãn cách, với những khu cách ly, bệnh viện dã chiến đầy kín bệnh nhân. Họ rời đi khi một Sài Gòn đã quay lại một phần cuộc sống thường nhật, bệnh viện dã chiến đã thưa thớt bệnh nhân.

Chia tay nhau, những ân tình vẫn còn lại trong sự hồi sinh từng góc phố, mỗi cuộc đời sau dịch bệnh ở thành phố này. Sài Gòn mong sẽ được đón lại tất cả - các y bác sĩ, các chiến sĩ, các bạn sinh viên - vào một ngày không xa, một ngày Sài Gòn thật sự khỏe lại với 100% sức lực. Sài Gòn xin cảm ơn!

VŨ THỦY

Thiên thần áo xanh trong khu cách ly, phong tỏa Thiên thần áo xanh trong khu cách ly, phong tỏa

TTO - Những ngày đầu tháng 5, lần thứ ba dịch COVID-19 quay trở lại TP Đà Nẵng, các ca bệnh được phát hiện liên tiếp và những khu cách ly tập trung F1, F2 nhanh chóng được thành lập. Số lượng người vào ngày một đông.

ĐOÀN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên