21/01/2015 15:55 GMT+7

Những sinh vật mới phát hiện nhờ...tình cờ

PHẠM VĂN THẾ (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
PHẠM VĂN THẾ (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

TTO - Phát hiện trong vườn nhà mình có một cây lan lạ, anh Nguyễn Phong (Hà Nội) liên hệ với các chuyên gia về lan. Thật bất ngờ khi sau đó cây lan này được xác định là một loài mới...

Việc phát hiện loài mới không hề đơn giản vì chúng thường phân bố ở những nơi xa xôi hẻo lánh khó tiếp cận như nơi núi cao, rừng sâu, vực thẳm... Tuy nhiên đôi khi có những loài được phát hiện một cách rất tình cờ như từ một mẩu tin du lịch, tồn tại ngay trước mắt chúng ta như cây trồng trong vườn hoặc được bán đầy chợ. Có loài lại tình cờ được phát hiện... trong bảo tàng khi mẫu vật đã được lưu giữ hơn thế kỷ.

Dưới đây là một số loài được phát hiện theo kiểu tình cờ như thế:

Cá "mù" ẩn

Cá "mù" - Ảnh: Ichthyological Exploration of Freshwaters

Năm 2002, anh Leisher thuộc Ủy ban bảo vệ thiên nhiên ở Mỹ vô tình đọc được một đoạn ngắn đề cập đến một hang động có dòng suối ngầm ở Thái Nguyên (Việt Nam) trong cuốn hướng dẫn du lịch cũ “Lonely Planet Vietnam”. Vốn là người thích lặn và tò mò, Leisher - khi đó đang ở Việt Nam, đã rủ người bạn Jerry Mobbs lên Thái Nguyên khám phá.

Tuy nhiên lần đó anh đã thất vọng vì dòng suối trong hang có mực nước rất nông, không thể lặn được. Hang động này có vẻ như chưa từng có ai đặt chân đến và cũng không mang dấu hiệu của sự sống.

Hai người sau đó quay lại cùng cây vợt bắt côn trùng với ý định kiểm tra xem có sinh vật nào sinh sống dưới dòng suối ngầm trong hang động không. Thật kỳ diệu, họ đã bắt được một con cá mù, hoàn toàn không có mắt và không có sắc tố. Có lẽ môi trường sống không có ánh sáng trong hang động đã tạo ra chúng như vậy.

Mới nhìn qua, họ đoán đây là loài cá hiếm. Tuy nhiên phải mất 10 năm, Leisher mới thu thập đầy đủ tư liệu và công bố đây là loài cá mới với tên khoa học là Schistura mobbsi.

Schistura mobbsi có chiều dài cơ thể chỉ nhỉnh hơn 3cm. Mặc dù là cá "mù", chúng vẫn có thể sinh sống bình thường và trốn tránh kẻ thù nhờ khả năng cảm biến ở mõm và đầu. Đây chính là một bằng chứng cho sự thích nghi, tiến hoá của sự sống ở những môi trường khắc nghiệt.

Lan giáng hương Ninh Thuận

Lan giáng hương Ninh Thuận - Ảnh: Chu Xuân Cảnh

Năm ngoái anh Nguyễn Phong (Hà Nội) phát hiện trong vườn nhà mình có một cây lan lạ đang nở hoa. Một chuyên gia về hoa lan sau đó đã nhận nhầm đây là một loài lan tóc tiên do hình dạng lá của nó rất giống một loài lan trong chi Holcoglossum.

Điều thú vị bất ngờ xảy ra khi ông Leonid Averyanov - chuyên gia người Nga về lan Việt Nam, kết luận rằng nó là một loài mới của chi lan giáng hương, và đặt tên là Aerides phongii. Nó mang đặc điểm lá của chi lan tóc tiên và hoa của chi lan giáng hương.

Theo anh Phong, cây lan này được anh mua lại từ miền Nam và có lẽ nó không mới mẻ gì đối với một số vườn lan tư nhân. Lần tìm theo dấu vết, các nhà khoa học phát hiện ra gốc gác của loài lan này ở Ninh Thuận.

Chuồn chuồn "quên lãng"

Chuồn chuồn Indocypha neglecta - Ảnh: Matti Hämäläinen

Thật khó có thể tưởng tượng được rằng người ta có thể phát hiện ra sinh vật mới khi mà mẫu vật đã bị bỏ quên hơn một thế kỷ.

Matti Hämäläinen - Trung tâm Đa dạng sinh học tự nhiên Hà Lan, đã tìm thấy mẫu vật lưu trữ của một loài chuồn chuồn ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Quốc gia Pháp được thu thập từ năm 1895 tại miền bắc Việt Nam.

Thực tế thì mẫu vật này không còn được nguyên vẹn và khó có thể được chấp nhận công bố loài mới nếu không có bản thảo của René Martin cũng được ghi chép vào thời gian đó.

Khi ấy Martin đã định loại nhầm mẫu vật nói trên thành một loài chuồn chuồn châu Á và có ý định công bố. Tuy nhiên Thế chiến I xảy ra và bản thảo bị thất lạc khi Martin chưa kịp gửi cho nhà xuất bản. Đến năm 2013, vô tình bản thảo đó lại được tìm thấy ở Florida, nó được quét lại và gửi về Bỉ.

Hämäläinen đã may mắn khi có được các tư liệu này, và đặt tên loài chuồn chuồn trên là Indocypha neglecta cũng vì lý do chúng bị lãng quên trong thời gian lâu như vậy.

Cho đến nay người ta vẫn chưa gặp lại chúng ngoài tự nhiên, khu vực phân bố có lẽ là vùng Sông Chảy thuộc tỉnh Lào Cai.

Củ giờ

Cây củ giờ - Ảnh: Lê Tuấn Anh

Có lẽ người dân ở miền Trung không xa lạ với cây củ giờ dùng lấy hoa, lá nấu canh. Vào mùa thu hoạch, chúng được bày bán đầy trong các chợ ở khu vực này.

Đây là loài thực vật thấp, thuộc họ dong riềng, có hoa vào tháng 8, tháng 9 hàng năm với các màu tím, vàng sặc sỡ. Chúng được trồng phổ biến trong vườn nhà dân để lấy lá non hoặc hoa làm rau ăn do có chứa tinh dầu. Ngoài ra, củ của chúng được nghiền thành bột để làm bánh vào những dịp đặc biệt như tết Nguyên đán.

Quen thuộc là vậy, được sử dụng lâu đời là vậy nhưng khoa học vẫn chưa biết chính xác nó là gì. Phải đến năm 2010, ông Lý Ngọc Sâm ở Viện Sinh học nhiệt đới và cộng sự mới mô tả chúng và công bố loài mới cho khoa học với tên Curcuma pambrosima.

Đa số các loài cây trong họ dong riềng đều có thể làm thực phẩm hoặc làm dược liệu. Lý do chúng chưa được mô tả mặc dù được trồng ở rất nhiều nơi có thể là vì chúng hiếm thấy ngoài tự nhiên.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,9 triệu loài sinh vật đã được các nhà khoa học mô tả, trong đó Việt Nam có khoảng gần 19.000 loài động vật và gần 14.000 loài thực vật. Tuy nhiên theo ước tính, vẫn còn khoảng 7,5 triệu loài sinh vậtchưa được con người biết đến.

Năm 2014, có 126 loài mới được phát hiện ở Việt Nam. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay khi mà mỗi năm Trái đất đang mất đi khoảng hơn 10.000 loài, nhiều trong số đó đã vĩnh viễn biến mất trước khi được phân loại.

PHẠM VĂN THẾ (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên