Phóng to |
Hầm chứa nước sử dụng cho phòng mổ của khoa ngoại 1 Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương mới xây dựng trị giá 56 triệu đồng nhưng không đạt chất lượng, nay phải sử dụng tạm thời bằng bồn chứa inox 1.200 lít (ảnh chụp chiều 16-9-2005) - Ảnh: N.C.T. |
Dù công trình đã hoàn tất hơn tám tháng qua và đã năm lần BS Trần Hồng - giám đốc BV - có lệnh nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng đều bị các BS phản ứng quyết liệt vì sự an toàn tính mạng của người bệnh lẫn thầy thuốc.Những chuyện thật như đùa
Trong tờ trình gửi Ban VHXH-HĐND TP ngày 1-9-2005, BS Lê Nguyên Khôi (khoa ngoại I) đã vạch trần hàng loạt sai phạm: phòng mổ mà bản vẽ không có … nhà vệ sinh cho nhân viên, khi xây xong mới phát hiện và khắc phục bằng cách làm cho hai chỗ đi tiểu chứ không thể đi tiêu; nơi nghỉ của nhân viên, buồng xử lý chất thải và làm vệ sinh phòng mổ - những yêu cầu tối thiểu bắt buộc - trong thiết kế cũng không có; để thông khí phòng mổ, có lắp một hệ thống thổi khí vào nhưng thổi… ngay trên phẫu trường. Khi các BS không đồng ý, giám đốc bảo thôi không sử dụng nữa và quyết định đổi thành máy hút, nhưng cuối cùng cũng không thực hiện.
Về xử lý nước dùng cho phẫu thuật thì cho xây một hồ chứa nước dưới đất nằm giữa … hai hố ga của hai nhà vệ sinh. Khi có ý kiến thắc mắc thì lập tức quyết định không sử dụng hồ chứa này nữa mà thay vào đó là mua một bình chứa 1.200 lít bằng inox (tiền xây hồ 4x4x2m coi như bỏ đi không một chút do dự). Trước khi đưa vào sử dụng cho hoạt động phẫu thuật, nước được xử lý qua một hệ thống tiệt trùng bằng ozone, nhưng cả ba lần khoa vi sinh của BV cấy nước kiểm tra đều thấy vi khuẩn!
Chưa hết, vách phòng mổ được BS Nguyễn Chấn Quốc - phó trưởng phòng hành chính quản trị - khẳng định là loại vách Primaflex (giá thanh toán với phòng tài vụ 360.000 đồng/m2 x 646 m2) nhưng khi các BS vạch trần đây chính là loại vật liệu Eron rẻ tiền, giá 21.000 đồng/m2 thì ngày 19-8-2005, ban giám đốc BV tổ chức cuộc họp và mời công ty xây dựng tới. Công ty thừa nhận đã có lừa dối và đồng ý làm lại toàn bộ vách đúng vật liệu Primaflex trong vòng 3-4 tuần!
Tù mù bốn máy gây mê
Từ tháng 3-2004, BV đưa vào sử dụng bốn máy gây mê kín do Công ty cổ phần Vật tư -thiết bị y tế trung ương 2 (VIMEC) trúng thầu cung cấp với giá 75 triệu đồng/máy. Sau khi gây mê cả ngàn ca, đến tháng 10-2004 khi các chuyên gia Pháp sang làm việc tại BV khẳng định thực chất đó là bốn máy gây mê hở 100%.
Sự việc được trình lên ban giám đốc, sau đó công ty có cử nhân viên đến và lại khẳng định đó là máy gây mê kín của Bỉ chính gốc. Mọi việc lại rơi vào im lặng. Quá bức xúc, CBNV tiếp tục khiếu nại lên Sở Y tế. Thanh tra sở có công văn đề nghị BV lập đoàn thanh tra và báo cáo kết quả về sở. Cuối tháng 5-2005, giám đốc BV lập một đoàn thanh tra gồm các thành viên do ông quyết định. Công việc thanh tra chưa đi đến đâu thì chiều 8-6-2005 Công ty VIMEC cùng BS Quốc (người được giao đi mua máy) đã chở bốn máy gây mê đi khỏi bệnh viện!
Tại buổi làm việc với Ban VHXH-HĐND TP chiều 7-9, sau nhiều lần các đại biểu HĐND yêu cầu phải trả lời thẳng tên các đơn vị thi công, giám sát xây dựng, BS Quốc mới nhớ ra.
Về máy gây mê, giám đốc Trần Hồng giải thích: “BV trả máy vì công ty có văn bản xin ngưng hợp đồng, đem máy về. Nếu cần nâng cấp máy gây mê kín thì công ty sẽ cung cấp 150 triệu đồng/máy, bốn máy 600 triệu nhưng BV không có kinh phí trong năm 2005 nên hủy hợp đồng”. Nhiều người thắc mắc nếu minh bạch thì sao phải vội vã chở máy đi, làm mất vật chứng khi đang thanh tra?
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng phát biểu: “Các đồng chí cũng thông cảm cho anh em không có chuyên môn nên không phát hiện được, đến khi các GS Pháp qua mới phát hiện. Sở dứt khoát không bao che bất cứ chuyện gì sai trái nhưng cũng xử lý đúng mực nếu do thiếu trình độ hay giám sát không kịp thời…” .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận