21/10/2018 17:20 GMT+7

Những phụ nữ Nobel, kỳ 3: 'Cuộc chờ đợi' 55 năm của Nobel Vật lý

ĐẮC LUÂN
ĐẮC LUÂN

TTO - Sau 55 năm, giải Nobel Vật lý mới lại xướng tên một phụ nữ - tiến sĩ Donna Strickland. Sự kiện này khiến giải Nobel năm nay được chú ý hơn.

Những phụ nữ Nobel, kỳ 3: Cuộc chờ đợi 55 năm của Nobel Vật lý - Ảnh 1.

Bà Donna Strickland, một trong 3 nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý 2018 - Ảnh: AFP

Cùng chia giải thưởng với bà Donna Strickland là hai ông Arthur Ashkin và Gerard Mourou. Họ được vinh danh vì những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.

Công trình nghiên cứu từ 1985

Kỹ thuật CPA (Chirped Pulse Amplification) do bộ ba này phát minh đã mở đường cho việc tạo ra loại tia laser được sử dụng hiệu quả trong phẫu thuật khúc xạ, cho tới nay đã được ứng dụng trong hàng triệu ca phẫu thuật mắt trên toàn thế giới mỗi năm.

Chia sẻ với Nature, bà Stricland cho biết đã thực hiện công trình nghiên cứu này từ năm 1985, khi đang là nghiên cứu sinh triển khai các thí nghiệm với tia laser nhằm mục tiêu cải thiện cường độ của loại tia này.

"Vẻ đẹp của kỹ thuật này là nó quá đơn giản. Mọi người muốn có tia laser cường độ cao, nhưng cường độ cao lại phá hủy luôn chính bản thân tia laser. Ý tưởng ở đây là tìm giải pháp khắc phục chuyện đó", tiến sĩ Strickland nói với đài BBC.

Việc góp công phát minh ra kỹ thuật giúp tạo được tia laser có cường độ mạnh hơn không chỉ là đóng góp thành tựu nghiên cứu cho khoa học vật lý, mà còn giúp ích cho nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống, trong đó đáng kể và gần gũi nhất là các phẫu thuật chữa mắt bằng tia laser.

Nói một cách giản dị, nếu trước đây các tia laser chỉ hoạt động được ở cấp độ gigawatt, nhờ các nhà khoa học Strickland, Ashkin và Mourou, giờ đây chúng đã có thể hoạt động ở cấp độ petawatt. 

Với loại tia laser được cải thiện cường độ này, phẫu thuật mắt sẽ nhanh hơn, bớt đau hơn và cũng chính xác hơn nhiều cho người bệnh.

Những phụ nữ Nobel, kỳ 3: Cuộc chờ đợi 55 năm của Nobel Vật lý - Ảnh 2.

Nhóm 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2018 - Ảnh: AFP

Nobel chưa có sự hiện diện xứng tầm của nữ giới

Tiến sĩ Strickland là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử đoạt giải Nobel Vật lý kể từ khi có giải này sau các bà Marie Curie năm 1903 và bà Maria Goeppert-Mayer năm 1963. 

Nhìn vào mốc thời gian cũng thật đáng chú ý, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua (chính xác là 55 năm), Nobel Vật lý mới lại trao cho một người phụ nữ.

Sự thiên lệch về giới trong khoa học là thực tế và điều này ảnh hưởng tới phụ nữ ở mọi cấp độ. Báo cáo Khoa học của UNESCO nhận thấy có chưa tới 30% các nhà nghiên cứu là nữ. Cho tới nay phụ nữ chỉ chiếm 3% trong tổng số những người đoạt giải Nobel các lĩnh vực khoa học.

Sau khi bà Donna Strickland được trao giải Nobel Vật lý 2018, nhiều người tìm thông tin của bà trên Wikipedia chỉ thấy đó là một trang sơ sài và rõ ràng vừa mới được bổ sung.

Câu chuyện này đã được phản ánh lại trên tạp chí The Atlantic (Mỹ), tác giả bài viết nói rằng trang thông tin về bà Donna của Bách khoa toàn thư trực tuyến mở Wikipedia đã được viết trong ngày 2-10, cùng ngày với giải Nobel Vật lý được công bố, và rất ít thông tin.

Cũng theo tờ báo này, một trang thông tin về bà Donna cùng các công trình nghiên cứu đáng kể của bà đã được nộp cho Wikipedia hồi tháng 5, song các biên tập viên của trang đã từ chối đăng vì cho rằng bà chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định để được xuất hiện như một mục (entry) trên từ điển mở trực tuyến. 

Một chuyện nhỏ thôi nhưng cũng phần nào cho thấy "thân phận" bé nhỏ và dễ bị lãng quên như thế nào của các nhà khoa học nữ trên toàn thế giới.

Những phụ nữ Nobel, kỳ 3: Cuộc chờ đợi 55 năm của Nobel Vật lý - Ảnh 3.

Tranh vẽ chân dung bà Donna Strickland của báo Canada - Ảnh: CHARLATAN.CA

Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh phụ nữ có tỉ lệ thấp hơn hẳn so với nam giới trong các trường đại học danh giá. Ngay tại đại học Waterloo là nơi công tác của bà Donna, trang web của trường cho biết chức danh của bà là phó giáo sư (associate professor), tức là mới chỉ ở cấp bậc thứ 2 trong ba cấp bậc xếp hạng giáo sư theo truyền thống.

Bà Donna thừa nhận thực tế này trong phần trao đổi với trang web của tạp chí Nature. Bà cho rằng có một tỉ lệ lớn hơn nhiều các nhà khoa học nữ đã và đang đóng góp đáng kể cho khoa học mà chưa được ghi nhận trong tỉ lệ số chủ nhân Nobel qua các năm. 

Câu hỏi về việc có hay không sự phân biệt giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng là một trong những vấn đề bà Donna được hỏi nhiều nhất trong những cuộc tiếp xúc với truyền thông quốc tế sau khi nhận giải Nobel Vật lý năm nay.

Vì thế mà trong bài chúc mừng thành tựu của 3 nhà khoa học, UNESCO dành phần ngợi ca đặc biệt dành cho bà Donna Strickland, bởi theo bà Audrey Azoulay - Tổng giám đốc UNESCO, thành tựu của bà Strickland được coi như tín hiệu khuyến khích rất lớn với mọi phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và thúc đẩy sự đa dạng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Lĩnh vực STEM thiếu vắng các "bóng hồng"

Theo Viện Vật lý Mỹ hiện tại phụ nữ chỉ chiếm khoảng 20% ngườicó bằng cử nhân và 18% người có bằng tiến sĩ Vật lý tại Mỹ. Dù tỉ lệ này chưa lớn,nhưng cũng đã có cải thiện so với các tỉ lệ tương ứng là 10% và 5% của năm1975.

Mặc dù số phụ nữ lấy được bằng tiến sĩ trong các ngành họcSTEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và giành được các vị trí cao trongcác tổ chức/đơn vị ngày càng tăng, song do những định kiến và cả những khó khănriêng về giới, nhiều người trong họ vẫn chưa thể tiến xa hơn trong lĩnh vực nghiêncứu khoa học.

ĐẮC LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên