13/02/2015 14:14 GMT+7

Những phát biểu thẳng thắn của ông Nguyễn Bá Thanh

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Trưa 13-2, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương đã trút hơi thở sau cùng. Hàng nghìn người dân Đà Nẵng đã túc trực trước cổng nhà để đón ông.

Ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Là người dám nghĩ, dám làm, được nhiều người dân - nhất là người dân Đà Nẵng yêu thương, ông Nguyễn Bá Thanh còn nổi tiếng là vị lãnh đạo với những phát biểu thẳng thắn, không ngại đụng chạm.

Tháng 8-2014, thông tin về việc ông Nguyễn Bá Thanh bệnh nặng, phải đi Mỹ để chữa trị chính thức được gia đình ông xác nhận.

Ngày 9-1-2015, chuyên cơ y tế đã đưa ông từ Mỹ quay về Đà Nẵng để tiếp tục chữa trị căn bệnh nan y - theo chuẩn đoán của bác sĩ, ông mắc bệnh rối loạn sinh tủy.

Tối 9-1, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đã chờ đón chuyên cơ chở ông Nguyễn Bá Thanh. Nhiều người cầu mong cho sức khỏe của ông hồi phục nhưng mặc dù đã được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, trưa nay 13-2, ông đã trút hơi thở sau cùng.

Cùng Tuổi Trẻ điểm lại những phát biểu ấn tượng của ông.

Bớt xén của người bất hạnh là không thể tha thứ được!

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) chiều 25-4-2013, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước nạn công chức “ăn cắp” giờ công, nhũng nhiễu, ông Thanh phát biểu:

"Tình trạng công chức lơ là công việc vẫn xảy ra ở một vài địa phương và đang ra sức chấn chỉnh. Còn vấn đề cử tri hỏi tại sao công chức “rên” lương thấp mà vẫn mua được nhà, sắm được ôtô thì tôi xin trả lời là hiện nay vẫn phải thừa nhận một vài nơi có tình trạng cán bộ hưởng lương ít, nhưng khi làm người này người khác cũng dúi cho phong bì, nên cũng khá lắm!”.

Rồi ông tiếp: "Nhưng cũng nói thật nghe, phải coi chừng đó, chứ một ông chủ tịch UBND tỉnh trong miền Nam có xôn xao léng phéng với một cô gái, Bộ Chính trị vừa có ý kiến cho nghỉ luôn đó, không đùa đâu”.

Tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng đầu tháng 4-2013, ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra một vụ việc "chạy" chung cư mà công an quận Sơn Trà bắt quả tang, một đồng chí phó giám đốc Công an TP nói “nhờ phát hiện bắt quả tang nên người dân chưa mất tiền, số tiền không lớn”.

Ông nói: "Cuộc họp có giám đốc Công an TP ở đây, tôi yêu cầu về nói lại với vị phó giám đốc công an rằng vụ này cần phải xử lý nghiêm”.

Ông rắn giọng: "Với các đồng chí thì 10 triệu là không lớn, nhưng với dân nghèo thì đó là cơ nghiệp của người ta... Còn các cán bộ Văn phòng UBND TP tuồn danh sách ra cho đám “cò” nhẹ nhất cũng phải kỷ luật Đảng, xử lý cho chuyển công tác, đáng ra là buộc phải sa thải”.

Nói lời chia tay với người dân Đà Nẵng trên sóng truyền hình trực tiếp của kỳ họp, ông nói: "Tôi tin có nhiều đồng chí giám đốc các sở nghe tôi đi cũng buồn. Nhưng cũng có nhiều đồng chí giám đốc sở rất mừng vì từ nay hết lo bị tôi truy vấn, bóc tách khuyết điểm"

"Thật lòng không muốn kỷ luật ai nhưng công việc mà người dân tin tưởng giao phó, đặt trách nhiệm cho anh mà anh không làm được thì phải xử lý” - ông Thanh tâm sự.

Chiều 14-1-2013, làm việc với cán bộ của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã lưu ý cán bộ ngành này: “Những đối tượng các đồng chí đang quản lý có khuyết tật, nghèo, bất hạnh, chính sách... nên phải để mắt đến các hoạt động, quản lý tiền bạc chắc chắn, đúng. Nếu cắt xén tiền bạc là không thể tha thứ được”.

Báo cáo láo quen rồi!

Phát biểu ấn tượng này của ông là tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Đà Nẵng tổ chức ngày 20-3-2013.

Nói về tình hình nợ xấu, Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng còn nhiều vấn đề phải bàn, với cách làm như hiện nay số nợ xấu chỉ là tương đối, còn một số ngân hàng giấu, đối phó chứ chưa nói ra hết.

Theo ông Thanh, trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực thì ngân hàng là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm. Muốn có nền kinh tế vĩ mô hoạt động tốt, Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt, buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành đúng quy định.

Ông nhấn mạnh: “Chấp hành, làm là phải tự giác. Chứ nhà người ta trị giá 10 tỉ mà ông nhân viên tín dụng định giá lên đến 50-70 tỉ, rồi lãnh đạo ngồi ở nhà không nắm được giá trị thật cứ gật gù ký, đến lúc phát hiện đổ vỡ thì lấy cái gì, hắn đưa cái mạng cùi ra đó mình cũng chịu... Ở các nước được kiểm soát chặt chẽ. Báo cáo láo, sai là trừng phạt liền, còn mình lâu nay báo cáo láo quen rồi”.

Tại buổi nói chuyện với gần 800 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) sáng 19-9-2012, lúc đó đang còn giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thắn: "Ở Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, mua quan bán chức".

"Hàng từ phó giám đốc sở trở lên tôi quản lý được hết. Có người nói họ chạy qua vợ con, thư ký của ông thì sao? Tôi khẳng định vụ nớ tôi kiểm soát được. Tôi đi vắng, bà xã ở nhà không dám nhận bất cứ thứ gì. Việc nhận hay không thì phải có tôi ở nhà” - ông Thanh nói.

Còn nhiều những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của ông khiến người dân Đà Nẵng nhớ mãi: cảnh sát giao thông nhận chung chi là phải về vườn, không phải cứ hễ chung chi là được lên chức, đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần...

 “Đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần"

Ngày 24-9-2013, ông Nguyễn Bá Thanh cùng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng tiếp xúc cử tri tại huyện Hòa Vang.

Tại buổi tiếp xúc ở hội trường Huyện ủy Hòa Vang, đông đảo cử tri cho rằng việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội lẫn HĐND như thời gian qua là không thực chất, chưa có sự chuyển biến. Cử tri thắc mắc vì sao các cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp chưa thấy có động tĩnh xử lý gì.

Ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Việc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên làm, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng có mặt được, nhưng có nhiều điểm chưa làm người dân hài lòng. Như bỏ phiếu ở HĐND vừa qua, các thành viên ban của HĐND không đụng chạm đến ai, không mất lòng nên phiếu tín nhiệm cao. Còn bên cơ quan hành pháp thì ông đi phạt người này, xử lý người kia đôi khi bị va chạm nên cũng khó”.

Trước đó, trả lời cử tri quận Sơn Trà, ông Thanh cho rằng: “Đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần. Bỏ phiếu tín nhiệm cũng có cái chính xác một phần, nhưng có cái ông làm, ông va chạm kiểu này kiểu kia mất lòng phiếu thấp, có cái ông làm mà làm chưa ngon lắm nhưng ông quan hệ tốt, có khi ông lại được phiếu cao cũng chưa biết chừng".

Ông Thanh nói: "Đời cũng có mặt được và mặt chưa được, chứ đừng nhấn mạnh tuyệt đối hóa cho đó như một chiếc đũa thần. Vừa rồi đưa ra bỏ phiếu bên Chính phủ tương đối thấp còn bên Quốc hội cao. Bên Quốc hội thì anh giám sát thôi chứ anh đâu có làm. Vì vậy có người cũng tâm tư. Cách làm như vừa rồi cũng chưa tốt lắm nhưng nói thật tôi cũng chưa nghĩ ra cách làm tốt hơn. Cái này Quốc hội cũng còn phải bàn”.

"Họp nhiều nó mụ người đi"

Tại buổi làm việc với hơn 100 cán bộ, công chức ngành văn hóa - thể thao và du lịch TP Đà Nẵng chiều 11-1- 2013, ông Thanh tái khẳng định: những vấn đề liên quan đến chuyện du khách bị “chặt chém” thì trách nhiệm đầu tiên là của ngành du lịch chứ không đổ cho ngành khác.

Khi nghe đại diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm kiến nghị về việc cấp vốn để xây dựng nhà vệ sinh phục vụ du khách, cũng như cấp kinh phí để hạn chế tình trạng “chặt chém” du khách..., ông Thanh nói rằng ông kỳ vọng các đơn vị hiến kế, kiến nghị những giải pháp cho sự phát triển nhưng các nơi chỉ kiến nghị về ngân sách.

Ông Thanh cho rằng ngành du lịch là một mũi nhọn phát triển của TP nhưng hiện còn quá nhiều vấn đề. Ông nói: “Có cứu hộ biển mà để xảy ra nạn chết đuối thì không ai dám đến Đà Nẵng để tắm biển nữa đâu. Mấy anh cứu hộ mệt quá thì cho nghỉ, tuyển anh khác, có quy chế, kỷ luật, phải có người chịu trách nhiệm. Rồi các nơi tắm nước ngọt, mùa hè lại không có chỗ tắm, thiếu nước thì du khách chán ngán ngay. Vì thế, muốn tạo một thương hiệu du lịch Đà Nẵng phải chú ý từng chuyện nhỏ, từ cứu hộ, tắm nước ngọt, giữ xe không chặt chém, tờ hướng dẫn, người tiếp nhận đường dây điện thoại phải giỏi ngoại ngữ...”.

Ông kể ở các nước Malaysia, Thái Lan... khách du lịch phản ảnh chuyện gì thì 5 phút sau cảnh sát có mặt kịp thời. “Còn ở đây, đánh giày, taxi chém như trên trời nhưng khách chẳng biết kêu ai. Là TP du lịch nên các khách sạn phải có đường dây nóng cho du khách để có gì họ phản ảnh. UBND TP chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Suốt ngày họp với giao ban, họp gì mà họp miết thế? Họp nhiều nó mụ mị đi. Tôi làm 16 năm nay có họp ban đêm đâu nhưng mà việc vẫn chạy đấy” - ông hỏi lại cán bộ ngành.

"Muốn an dân phải làm cho dân an"

Phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 18-12-2004, Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xác định mục tiêu năm 2005 là thực hiện tốt chủ trương “an dân”, trọng tâm là công tác bố trí tái định cư, giải quyết việc làm cho đối tượng này.

Ông Thanh lưu ý: năm 2005 được TP Đà Nẵng chọn làm năm “an dân”, mà muốn an dân thì phải làm cho dân an tâm, do vậy phải tập trung cho công tác di dời tái định cư, xóa nhà tạm, xóa hộ nghèo theo chuẩn mới của TP; tập trung kiềm chế tai nạn giao thông; giải quyết ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội.

“Anh nào không làm được thì tôi đề nghị xin chuyển”

Tối 24-7-2003, tại nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng, nói chuyện với hơn 1.000 cán bộ công chức các sở, ban, ngành về tác phong làm việc của các cán bộ ở một số ban ngành, Bí thư Thanh nhắc nhở: “Tất cả chúng ta phải gồng lên và xốc tay vào. Anh nào không làm được thì tôi đề nghị xin chuyển. Đừng để tình trạng cán bộ làm việc mà lúc nào cũng lừ đừ như say thuốc lào. Cái mà chúng ta cần là những người biết làm và làm được việc. Hãy làm chứ đừng nói suông và dài miệng chê bai. Tôi đề nghị các cơ quan có liên quan đến tài chính như thuế, kho bạc, quản lý thị trường... phải rà soát và chỉnh đốn lại các cán bộ dưới quyền, chấm dứt tình trạng làm khó dân”.

“Không đình chỉ nhà máy ô nhiễm thì đình chỉ giám đốc sở”

Trước những phàn nàn của người dân về tình trạng gây ô nhiễm bụi và tiếng ồn của hai nhà máy thép DaNa Ý và Thái Bình Dương tại Khu công nghiệp Thanh Vinh, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường phải có giải pháp chấn chỉnh ngay.

Ông Thanh quyết liệt: “Nếu phát hiện các nhà máy vi phạm phải đình chỉ ngay, còn nếu anh Ðiểu (ông Nguyễn Ðiểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) không đình chỉ các nhà máy này thì tôi đành phải đình chỉ chức vụ giám đốc của anh Ðiểu vậy. Nếu không anh Ðiểu thử dọn nhà lên đó ở một tuần xem có chịu nổi không mà bắt dân phải chịu”.

Ông Nguyễn Bá Thanh sinh ngày 8-4-1953, tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ông về làm cán bộ nông nghiệp, rồi làm chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Sau đó, làm giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng (xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1980 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách và ông Thanh tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch TP Đà Nẵng cho đến năm 2002.

Năm 2003, ông được bầu vào chức vụ bí thư Thành ủy Đà Nẵng (thay người tiền nhiệm là ông Nguyễn Đức Hạt). Ngay sau đó, ông Thanh cũng được bầu vào vị trí  chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.

Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa IX, XI và XII.

Ngày 28 -12 - 2012, ông được Bộ Chính trị điều động ra Hà Nội giữ chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương, đồng thời kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau khi ông Thanh ra Hà Nội, ông Trần Thọ - phó bí Thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy.

Trong những năm làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại rất nhiều dấu ấn trong công tác điều hành. Nổi bật là quy hoạch, xây dựng thành phố; đền bù giải tỏa; sử dụng và đào tạo thế hệ trẻ, nhân tài; xây dựng TP Đà Nẵng thành thành phố “5 không”, trở thành một thành phố đầu tàu trong khu vực.

Xe của bệnh viện và các nhân viên y tế đưa ông về nhà cùng ống thở - Ảnh: Tấn Vũ

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên