04/02/2023 10:16 GMT+7

Những nhà giáo - bà mẹ 'không ngồi yên'

Họ là 4 nhà giáo, 4 bà mẹ với cuộc sống và công việc bộn bề trách nhiệm ở các nước khác nhau, nhưng trong họ có chung một trách nhiệm xã hội…

Những nhà giáo - bà mẹ không ngồi yên - Ảnh 1.

GS.TS Bùi Thị Minh Hồng (thứ 2 từ trái) trong lần làm việc với đồng nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học của ĐH Bath, Anh năm 2021 - Ảnh: NVCC

Là phụ nữ, với công việc ổn định và vị thế xã hội đang có, có thể chỉ cần chọn cuộc sống vun vén cho mái ấm riêng, nhưng các chị: TS Dương Thị Anh (Sở Giáo dục, bang New South Wales, Úc), GS.TS Bùi Thị Minh Hồng (ĐH thành phố Birmingham, Anh), TS Lại Thị Thanh Vân (ĐH Deakin, Úc), TS Nguyễn Thị Bích Diệp (ĐH Deakin, Úc) điều hành dự án ETUF thành công trong khi đang sống và làm việc tại Anh và Úc muốn góp phần tạo nên khác biệt.

Dù khác biệt đó chỉ nhỏ như việc "thắp thêm một que diêm" - đó là cơ duyên để họ cho ra đời một dự án giáo dục nhiều ý nghĩa kéo dài một năm (từ tháng 5-2022 đến tháng 4-2023) tại TP.HCM có tên "Nâng cao năng lực giáo viên thời đại mới" (tên tiếng Anh là "Empowering Teachers for an Uncertain Future" - ETUF).

Hành động thay vì chê trách

Với nền tảng đào tạo ban đầu từ trong nước và đã có thâm niên công tác cả chục năm trong ngành giáo dục, có lẽ hơn ai hết, bốn chị đều hiểu thấu những vấn đề của nó.

Nếu chị Dương Thị Anh băn khoăn khi chúng ta đã dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để cải cách giáo dục nhưng thiếu ổn định trong chính sách giáo dục về lâu dài, thì chị Diệp trăn trở khi thấy gánh nặng thi cử vẫn luôn đè nặng lên học sinh, nhà trường, phụ huynh và xã hội.

Quan niệm "tương lai không phải một ván cờ đã sắp sẵn", là nghiên cứu viên tại ĐH Deakin (Úc), chị Diệp cho rằng việc chuẩn bị cho học sinh, sinh viên và cả giáo viên những kỹ năng cần thiết để thích ứng với những biến động toàn cầu là điều vô cùng cần thiết.

GS Bùi Thị Minh Hồng chia sẻ về một điều chị đã học được trong cuộc sống, đó là cố gắng kiềm chế kêu ca, phàn nàn nếu mình chưa nghĩ ra được giải pháp, mỗi người hãy làm tốt nhất phần việc mình có thể để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo quan sát của chị Hồng, trong 5 năm qua, chị đã thấy không ít tín hiệu tích cực trong cộng đồng giáo dục Việt Nam khi nhiều chuyên gia tập trung nghiên cứu giáo dục một cách nghiêm túc và bài bản.

Những nhà giáo - bà mẹ không ngồi yên - Ảnh 2.

TS Dương Thị Anh (Sở Giáo dục, bang NSW Úc) (thứ nhất từ trái qua) với hai cựu sinh khác từ Trường ĐH Sydney trong lần gặp gỡ cựu sinh Úc tại TP.HCM năm 2020 - Ảnh: NVCC

Mình nhận ra sức mạnh lớn nhất để đóng góp hiệu quả cho nền giáo dục nước nhà là các nhà khoa học, giáo dục học có thể làm việc nhóm cùng nhau, tận dụng kiến thức chuyên môn cùng các mối quan hệ học thuật trong nước và quốc tế để mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho giáo viên và học sinh.
Chị Dương thị Anh

Món quà dành tặng TP.HCM

Dự án của các chị đã ra đời như một điều tất yếu từ những nhà giáo dục với trách nhiệm công dân cao.

Theo chia sẻ của chị Hồng, trong hai năm 2020-2021, trong dịch COVID-19, do cơ duyên nào đó mà Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có những hoạt động tương tác khá sâu sắc với TP.HCM.

"Nhìn thấy các anh chị em trí thức nước ngoài trong nhóm chuyên gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 (Covid Taskforce) của AVSE Global ngày đêm làm việc với chính quyền TP.HCM, rồi từ những cuộc phỏng vấn, nghiên cứu của nhóm mình về giáo dục, về nguồn nhân lực của TP, khi đó chúng mình rất muốn có một hành động biểu tượng khác ngoài Covid Taskforce dành tặng cho TP với mong ước TP.HCM trong "chuyến tàu cuối" của cuộc hành trình trở thành thành phố năng động bậc nhất Đông Nam Á.

Bởi nếu chậm, TP.HCM có thể trở thành một thành phố già khi thế mạnh nguồn nhân lực trẻ bị bỏ lỡ", chị Hồng chia sẻ.

Là người nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực trong hơn một thập niên qua, chị Hồng cho rằng Việt Nam đang chưa tận dụng tối ưu lợi thế của nguồn lực dân số trẻ. Nhưng muốn nguồn lực đó phát huy hiệu quả lớn thì phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. Và muốn thế thì không ở đâu khác ngoài giáo dục.

Thông báo của Chính phủ Úc thông qua Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Úc (AAGF) thuộc chương trình "Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực" (Aus4Skills) đã xuất hiện thật đúng thời điểm, dù họ chỉ tài trợ các dự án nhỏ, rất nhỏ.

Các anh chị em trong Mạng lưới Giáo dục của AVSE Global muốn thông qua ETUF để phát triển những ý tưởng họ đã và đang mong muốn thực hiện với cộng đồng giáo viên, giáo sinh và phụ huynh sau cuốn e-book dành tặng cộng đồng Giáo dục Việt Nam: chuyển biến và sáng tạo xuất bản năm 2021.

"Nếu ý tưởng dự án hay, có ý nghĩa và tác động lớn thì có thể Bộ Giáo dục hay tổ chức nào đó có thể nhân rộng những thứ chúng mình làm với ETUF", chị Hồng chia sẻ thêm.

Tham gia dự án, chị Dương Thị Anh đặt mục tiêu cho bản thân sẽ giới thiệu với các thầy cô giáo phổ thông những cách tiếp cận khác nhau từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Những nhà giáo - bà mẹ không ngồi yên - Ảnh 4.

TS Nguyễn Thị Bích Diệp (ĐH Deakin, Úc) - Ảnh: NVCC

Giúp học sinh nâng cao nhận thức về giá trị bản thân

Luôn trăn trở với căn bệnh thành tích, TS Lại Thị Thanh Vân đã nghĩ nếu được góp phần thay đổi, chị sẽ bắt đầu bằng việc giúp học sinh nâng cao nhận thức về giá trị bản thân và ý nghĩa đích thực của việc học tập.

Chị rất tin tưởng để xây dựng đất nước, chúng ta cần những con người có chuyên môn sâu hoặc tay nghề cao trong một hoặc một vài lĩnh vực nhất định, chứ không phải những con người "giỏi" đều ở tất cả các lĩnh vực.

Tham gia ETUF là cách để chị dù ở xa Tổ quốc vẫn có thể góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển giáo dục trong nước.

Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ", chị Vân cho rằng nhóm thực hiện đã quyết định đúng khi chọn đối tượng tác động là giáo viên trong khuôn khổ hạn chế về cả thời gian và tài chính của ETUF.

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn giáo viên là đối tượng tác động và tận dụng các nền tảng trực tuyến để có thể dễ dàng kết nối các thầy cô giáo Việt Nam với các chuyên gia giáo dục uy tín trên thế giới, giúp các thầy cô có thể tiếp cận với các ý tưởng, công nghệ giáo dục mới mẻ, tân tiến", chị nói.

Chị Dương Thị Anh chia sẻ thêm: "Mình cảm ơn các thầy cô giáo đã đồng hành cùng với dự án, nhiệt tình tham gia các hoạt động, liên tục chia sẻ cảm nghĩ, kiến thức, kinh nghiệm của các thầy cô. Có một số thầy cô còn chia sẻ rất nhiệt tình về các hoạt động kiểm tra đánh giá mà các thầy cô đã tích lũy được trong quá trình giảng dạy…".

Những nhà giáo - bà mẹ không ngồi yên - Ảnh 5.

TS Lại Thị Thanh Vân (ĐH Deakin, Úc) - Ảnh: NVCC

Chú trọng gì khi dạy con?

Chị Dương Thị Anh: "Mình luôn chú trọng hướng cho con tính tự lập, tự chủ và tự trải nghiệm trong cuộc sống, tự tư duy để xử lý các vấn đề phát sinh".

Chị Vân: "Tôi luôn chú trọng dạy con tính trung thực và sự kiên cường, không sợ thất bại trong cuộc sống".

Chị Hồng: "Kỷ luật và sự biết ơn".

Chị Diệp: "Mình luôn chú trọng phát triển tính độc lập, sự mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương cho các con".

ETUF đã làm được những gì?

*5 chuyên đề hội thảo trực tiếp gồm: Giáo dục thời đại số - TS Andy Nguyễn (Đại học Oulu, Phần Lan); Nâng cao sức khỏe tinh thần cho giáo viên phổ thông - TS Nguyễn Thụy Phương (ĐH Paris);

Các xu hướng mới về kiểm tra đánh giá năng lực người học thích ứng với khủng hoảng - TS Phạm Thị Hương (ĐH Sư phạm TP HCM);

Người thầy và tầm ảnh hưởng xã hội - GS.TS Bùi Thị Minh Hồng; Hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới - cô Tô Thụy Diễm Quyên (nhà sáng lập InnEdu).

*2 khóa học trực tuyến: Giáo dục quyền công dân số - TS Lê Thị Thanh Tịnh (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) và Ứng dụng tư duy phản biện và tư duy sáng tạo vào dạy và học - cô Tô Thụy Diễm Quyên.

Đã có tổng cộng 164 lượt giáo viên tham gia 5 buổi hội thảo chuyên đề và 584 lượt giáo viên tham gia trực tuyến các khóa học trực tuyến và hội thảo chuyên đề. Tổng cộng 1.282 lượt giáo viên quan tâm và tham gia dự án.

Đi cùng ước mơ: Cô gái quyết vượt định kiến của bản làngĐi cùng ước mơ: Cô gái quyết vượt định kiến của bản làng

Như bao cô gái lớn lên ở bản, Hảng Thị Lỳ đã không ít lần nhỏ to nghe câu xì xầm "con gái học cao làm gì, rồi cuối cùng cũng lấy chồng sinh con, nên học ít thôi".


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên