01/02/2023 13:10 GMT+7

Đi cùng ước mơ: Cô gái quyết vượt định kiến của bản làng

Như bao cô gái lớn lên ở bản, Hảng Thị Lỳ đã không ít lần nhỏ to nghe câu xì xầm "con gái học cao làm gì, rồi cuối cùng cũng lấy chồng sinh con, nên học ít thôi".

Đi cùng ước mơ: Cô gái quyết vượt định kiến của bản làng - Ảnh 1.

Hảng Thị Lỳ quyết theo đuổi con đường học hành để vượt định kiến của bản làng "con gái không cần học cao" - Ảnh: BÌNH MINH

Nhà Lỳ ở bản Trống Tông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Gia đình làm nông, xoay quanh với cây ngô, cây lúa. Ý thức rất rõ về gia cảnh vất vả của cả nhà, Lỳ muốn và luôn tìm mọi cách tiếp cận, nắm bắt những cơ hội giáo dục có được.

Nếu không học thì mãi mãi chẳng thay đổi được số phận. Mình muốn bản thân tốt hơn ngày hôm qua và sau này có thể giúp được nhiều người hơn. Và chỉ có con đường học cao hơn mới giúp mình làm được điều đó.

HẢNG THỊ LỲ

1. Lỳ kể dù tất cả học sinh luôn được địa phương tạo điều kiện rất tốt và khuyến khích đến trường nhưng mỗi gia đình lại có điều kiện thực tế khác nhau nên không phải trẻ em nào ở bản nơi cô sống cũng có thể theo đuổi việc học. Là con gái thứ ba trong gia đình có năm anh chị em, bản thân cô cũng từng được khuyên nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ khi vừa hết lớp 9.

Nhưng sâu xa hơn, chuyện con gái ở quê Lỳ không được khích lệ học lên cao vì định kiến đã có từ khá lâu tại các bản làng, rằng nữ giới có học lên cao cũng chẳng để làm gì, cuối cùng rồi cũng kết thúc bằng việc lấy chồng, sinh con. Lỳ nói cô nhớ như in ký ức năm học lớp 6 khi nghe tin một bạn nữ lớn hơn cô 2 tuổi vừa đi lấy chồng.

Xung quanh Lỳ, hầu hết các cô gái đều kết hôn ở độ tuổi 16 - 18, thậm chí còn sớm hơn. "Những suy nghĩ về việc nữ giới nên lập gia đình sớm, rồi không ít bạn nữ học xong lại không tìm được việc làm và cuối cùng họ phải kết hôn, trở thành "mẹ bỉm". Những hình ảnh ấy khiến thế hệ đi sau cảm thấy nản, chồng chất với cả những khó khăn kinh tế vốn đang bủa vây họ", Lỳ giải thích.

2. Nhưng bao hủ tục, định kiến có thể dễ dàng chôn vùi cuộc đời, ước mơ của nhiều cô gái trẻ khác lại không "làm khó" được Lỳ. Khi nghe gia đình nói không đủ điều kiện để cho mình học tiếp cấp III, Lỳ đã nỗ lực hết mức để thi và đỗ vào Trường phổ thông dân tộc nội trú - THPT Miền Tây. Ở đó, việc học và ăn ở của học sinh sẽ được hoàn toàn miễn phí, phần nào giúp bố mẹ không quá lo lắng về tài chính.

Năm học lớp 11, Lỳ được nhận học bổng Odon Vallet dành cho học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn. Năm cuối cấp, trước ngưỡng cửa đại học và biết rằng hành trình phía trước có thể gãy đổ bất cứ lúc nào, Lỳ tìm đến con đường học nghề và bổ sung kỹ năng theo một khóa học miễn phí ba tháng.

18 tuổi, cô gái bước ra khỏi ranh giới bản làng nhỏ quê mình, một mình khăn gói về Hà Nội tìm chỗ thuê trọ, vừa học vừa tìm việc làm thêm, tự xoay xở trang trải các khoản sinh hoạt. Sau mỗi ngày đi học và làm, bạn trở về nhà trọ, tiếp tục tự học ngoại ngữ mỗi tối hai giờ đồng hồ bằng cách xin vào các cộng đồng trên Facebook hoặc tìm tài liệu trên Google rồi học theo.

Những ngày ở Hà Nội, cô gái trẻ biết về học bổng đại học dành cho những bạn trẻ khó khăn nhưng không ngừng ước mơ. Dù không quá tự tin do điều kiện học tập của bản thân cũng hạn chế nhưng Lỳ vẫn quyết tâm và đủ điều kiện tham gia vòng phỏng vấn học bổng với các giáo viên người nước ngoài.

Và hành trình nỗ lực không ngừng ấy, Lỳ vừa nhận được một học bổng toàn phần ngành quản trị du lịch - khách sạn tại một trường đại học quốc tế. Cô gái đặt bước chân đầu tiên đến gần hơn với ước mơ một ngày nào đó được góp phần phát triển du lịch Mù Cang Chải.

3. Giờ đây, cô bạn ấy đang tiếp tục đi xa hơn khi đặt chân đến TP.HCM theo đuổi việc học. Lỳ không giấu mục tiêu tiếp theo của bạn là được bước ra thế giới, được học tập và tìm hiểu về văn hóa tại quốc gia khác.

Dẫu vậy, đích đến cuối cùng của Lỳ phải là quay về Mù Cang Chải, nơi cô đã lớn lên cùng những đồng lúa, nương ngô. Ở đó, có cả giấc mơ mà cô gái người dân tộc Mông ấy đang ấp ủ chính là đưa du lịch nơi đây phát triển hơn, tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là những cô gái để giúp họ dần thoát khỏi vòng xoáy của những định kiến và áp đặt.

"Mình vẫn đang phấn đấu và cố gắng nắm bắt mọi cơ hội, học thêm nhiều điều mới. Mình mong mỗi bạn nữ dù ở những vùng miền với các điều kiện khác nhau, có khó khăn cỡ nào cũng hãy luôn tự tin vào bản thân, vượt thoát định kiến xã hội để vươn lên, không đầu hàng số phận", Lỳ chia sẻ.

Giấc mơ cà phê đặc sản giữa bản làng Điện BiênGiấc mơ cà phê đặc sản giữa bản làng Điện Biên

TTO - Tay cuốc, tay liềm với nụ cười rạng rỡ trên môi, chị Tòng Thị Hoài (bản Na Luông, Ẳng Nưa, Mường Ẳng, Điện Biên) đang là người đứng mũi chịu sào của một thương hiệu cà phê địa phương với quyết tâm đưa hạt cà phê thành đặc sản tầm quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên