Nhóm nông dân Bình Quý và sản phẩm gạo hữu cơ của họ - Ảnh: LÊ TRUNG
Nỗ lực của nhóm nông dân Bình Quý là đáng trân trọng. Tôi vẫn sử dụng sản phẩm gạo của họ thường xuyên, rất tốt, dẻo, có nhiều dinh dưỡng. Và tôi nghĩ họ đã đi đúng hướng
TS NGUYỄN THỊ HỒNG MINH (chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam)
Ròng rã mười năm trời với sự cần mẫn, trì chí của họ, quả ngọt đã bắt đầu thu lại trên cánh đồng lúa hữu cơ Bình Quý.
Đi học "trồng lúa"
Chúng tôi rẽ vào con đường dọc kênh chính Phú Ninh ở Bình Quý, hai bên là ruộng lúa hữu cơ xanh tốt. Đó là một "kỳ tích" mà suốt mười năm qua nhóm nông dân ở đây đã miệt mài chăm sóc.
Ông Nguyễn Trường Sơn (52 tuổi), giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Bình Quý, ngừng tay ủ phân hữu cơ bón ruộng, nói: "Mình thấy cái chi tốt thì làm thôi".
Một ngày năm 2007, cánh đồng Bình Quý đang vào vụ mới, khi trà nước với một người bạn cùng quê đang làm ở Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, ông Sơn nghe bạn kể về nông nghiệp hữu cơ trồng lúa không phun thuốc, không phân hóa học và giới thiệu đến Công ty Hưng Trung Việt tại TP Tam Kỳ chuyên làm thực phẩm hữu cơ.
Tò mò, ông Sơn cùng ba nông dân nữa kéo nhau đến đó để "đi học". "Hồi đó hiếu kỳ mới thử đi để tìm hiểu cách trồng lúa kiểu mới này thế nào. Nghe trồng mà không phun thuốc hóa học, đỡ ảnh hưởng sức khỏe là khoái rồi" - ông Sơn nói.
Lần đầu tiên Công ty Hưng Trung Việt tiếp chuyện những ông nông dân tìm đến mình với quyết tâm làm nông sản sạch.
Trước đó chỉ có vài doanh nghiệp đến chứ nông dân thì không. Đơn vị tư vấn của công ty này thấy rõ sự quyết tâm của họ nên đã tận tình chỉ bảo kỹ thuật, cấp giống, phân miễn phí cho trồng.
Thế là những tháng sau đó trên cánh đồng Bình Quý, những diện tích lúa đầu tiên "nói không với thuốc, phân hóa học" ươm mầm.
"Vụ đầu tiên quá cực, trồng cây lúa lên một thì cỏ lên mười. Cả ngày phải đi mò cỏ, rồi lại canh chừng cây lúa vì sợ bệnh. Vợ tui với vợ ba ông kia la ó cả ngày vì làm lúa kiểu này cực quá" - ông Sơn nhớ lại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc HTX Bình Quý, kể rằng lúc đầu có sáu người trồng thử nghiệm thì tất cả đều lắc đầu vì cực trăm bề. Trồng hữu cơ bắt buộc phải theo một quy trình khác xa với cách cũ.
Cày ải phải tốn công nhiều hơn để đất tơi xốp. Điều bất di bất dịch là ruộng chỉ được phép phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh. Cày xong, cả nhà mấy ngày liền xăn quần lội ruộng mò nhổ cỏ vì không dùng thuốc diệt cỏ.
"Cực nhưng ai cũng quyết tâm làm bằng được. Mới đầu chỉ nghĩ trồng để nhà mình ăn trước. Vì làm lúa hữu cơ chưa biết năng suất, chất lượng bằng lúa kiểu cũ hay không. Nếu chúng tôi không quyết tâm thì có lẽ đã bỏ cuộc lâu rồi" - ông Tuấn bộc bạch.
Chớp mắt đã qua mười năm nặng nợ với lúa hữu cơ, từ nhóm chỉ sáu nông dân tiên phong trồng vài sào lúa, giờ cánh đồng Bình Quý đã có 10ha lúa hữu cơ.
Cái thời học việc không còn nữa, giờ họ làm thực thụ và như chuyên gia nông nghiệp sạch. Phân, thuốc hữu cơ, trị bệnh, diệt cỏ, kiểm soát tăng trưởng... họ đều rành rọt.
HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Quý thành lập những ngày đầu năm 2018 là minh chứng cho sự cần mẫn theo đuổi giấc mơ lúa hữu cơ của một nhóm nông dân tâm huyết ở Bình Quý. Những bỡ ngỡ ngày nào đã trôi tuột về quá khứ như cách họ từ bỏ kiểu trồng lúa dựa dẫm vào các loại thuốc hóa học.
"Giờ bọn tui trồng là đạt lắm, gạo đen, gạo trắng, gạo đỏ làm trúng hơn cả cách trồng cũ. Bọn tui bán lúa gạo giá cao nhưng nói thiệt, giá đó vẫn còn rẻ so với mười năm kiên định để từ bỏ cách canh tác cũ" - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Tấn Chiến, thành viên HTX, nhẩm tính bình quân mỗi vụ HTX làm ra khoảng 32 tấn lúa hữu cơ. Trừ đi chi phí, mỗi năm một hộ trồng ít kiếm lãi 30-40 triệu đồng, người nhiều thì bỏ túi 70-80 triệu.
"So với lúa thường, lúa hữu cơ cho lãi gần như gấp đôi. Quý nhất là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng được trong lành" - ông Chiến tâm sự.
Ông Nguyễn Trường Sơn - giám đốc HTX Bình Quý - bên cánh đồng lúa hữu cơ - Ảnh: LÊ TRUNG
"Thực phẩm sạch minh bạch"
HTX Bình Quý hiện giờ có 12 nông dân tham gia trồng lúa sạch. Khi mọi cách chăm trồng đã vào quy trình và trở nên đơn giản thì rất nhiều người xin vào làm chung. Ông Sơn bảo vui lắm nhưng phải từ chối vì một lẽ: họ đã mất 10 năm đằng đẵng để có chỗ đứng, đó là chuyện không dễ.
Bước đầu tiên lập HTX, phải quản lý chặt chẽ quy trình trồng lúa hữu cơ rộng 10ha. Khi ổn định rồi mới tính chuyện tăng thêm diện tích, hộ trồng và nhất là quản lý được khâu trồng.
"Giờ mà nhận vào loạn xạ, lỡ mấy ổng làm ăn gian dối là chúng tôi mất mặt và ảnh hưởng thương hiệu lúa hữu cơ Bình Quý" - ông Sơn bày tỏ.
Ông Sơn nói sản phẩm gạo hữu cơ của nhóm giờ đã có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm gạo tẻ đen của HTX được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm nghiệm tiêu chuẩn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, HTX của ông cũng gia nhập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam.
Ông Phạm Chương, thành viên HTX, chỉ quanh cánh đồng lúa hữu cơ Bình Quý bảo: "Ngày xưa mỗi khi đến vụ lúa là người ta phun thuốc diệt cỏ vàng khè cả đồng, đầy rẫy vỏ thuốc, chừ không còn nữa. Đó là điều bọn tui vui nhất".
Rất nhiều cuộc hội thảo nông sản sạch, hữu cơ có sự góp mặt của nhóm nông dân Bình Quý mà ông Sơn nhẩm tính không dưới 20 lần.
Ông kể năm 2017 tại một hội thảo về nông nghiệp hữu cơ ở TP.HCM, có gian hàng của "Nhóm nông dân Bình Quý" đã trưng bày các sản phẩm hữu cơ do họ làm ra. Ông Sơn trực tiếp giới thiệu gạo hữu cơ, mang đi bao nhiêu thì bán hết sạch.
"Ở đó chỉ có bọn tui là nông dân, còn lại là doanh nghiệp, ai cũng trắng trẻo còn mình đen thui" - ông Sơn cười khà khà.
Khó có thể hiểu hết được gian khó và quyết tâm từ những người nông dân Bình Quý, nhưng người ta có thể thấy được sự kiên định và cả tự hào của họ khi cùng nhau chống lại thực phẩm bẩn. Danh phận cho nông sản sạch Việt Nam sẽ được trả lại từ chính những người nông dân bình dị một nắng hai sương ấy.
Thổi luồng gió mới
Ông Võ Văn Nghi - giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Sản phẩm của HTX Bình Quý được các chuyên gia, trung tâm kiểm nghiệm phân tích, các chỉ số về protein, sắt vượt trội, gạo đậm đà hơn so với những loại gạo khác.
Theo dõi xuyên suốt quá trình mười năm nhóm này làm nông nghiệp hữu cơ, tôi thấy họ là những người trì chí, bền bỉ và có quyết tâm cực kỳ lớn.
Họ cơ bản biết làm hữu cơ một cách tình nguyện và có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và bảo vệ chính họ.
Có thể nói nhóm nông dân này đã tiên phong thổi một luồng gió mới khuyến khích nông dân ở tỉnh Quảng Nam trồng trọt theo hướng hữu cơ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận