Bà Nguyễn Thị Bích (phải, quê Đồng Nai) đã mất việc tạp vụ từ giữa tháng 5, cuộc sống rất khó khăn - Ảnh: HOÀNG AN
Hơn lúc nào hết, họ mong chờ được "tiếp sức".
Mỗi người một cảnh khó khăn
"Vợ chồng tôi làm tự do, nghỉ việc hơn tháng nay rồi. Lúc đầu còn ít tiền mua mấy thùng mì, rồi người ta cho gạo, cho rau. Cả tháng nay chỉ ăn mì xào, mì nấu canh ăn với cơm chứ không mua bán gì. Cha mẹ già ở quê gửi cho lần 500.000 đồng, lần 1 triệu đủ đóng tiền phòng thôi" - anh Nguyễn Minh Tuấn (33 tuổi, quê Quảng Trị), đang thuê trọ tại TP.HCM, chia sẻ.
Ngày bình thường vợ chồng anh dành dụm gửi về quê cho cha mẹ, giờ người ở quê lại bòn mót từng đồng gửi vào. "Năm ngoái nghỉ dịch nhưng được đi làm lại. Năm nay ở lại chờ, chờ mãi... - anh Tuấn kể - Tháng này chủ trọ giảm một nửa tiền trọ nhưng hằng ngày đâu chỉ có tiền trọ".
Trong khi đó, chị Trương Thị Thiên Trang - bán chuối chiên ở quận Tân Phú - băn khoăn không biết bán hàng rong có được nhận trợ cấp không. "Tôi có đăng ký tạm trú, mới xin đơn để mong được nhận trợ cấp" - chị Trang chia sẻ.
"Tôi chẳng biết vào mạng, thấy người ta lên mạng đăng ký xin đồ từ thiện, xe chở đồ tới nhưng chỉ phát cho người đã đăng ký, tôi chảy nước mắt" - chị Trang rơm rớm. Giờ chị chỉ trông chờ được sớm nhận hỗ trợ của Nhà nước để trả tiền phòng.
Với cô giáo mầm non tư thục đang ở trọ tại quận Bình Tân Huỳnh Thị Ny mất việc từ đầu tháng 5 đến nay, thậm chí còn chẳng có khoản trợ cấp nào để trông mong. Chồng chị làm công nhân cơ khí thất nghiệp tròn một tháng. Chị Ny cho biết chủ trọ không làm đăng ký tạm trú nên chị không được nhận trợ cấp. "Giờ cũng chẳng mong gì nhiều. Chỉ mong Nhà nước hỗ trợ lương thực, thực phẩm ăn qua ngày. Tiền trọ xin thiếu, qua dịch đi làm trả lại" - chị Ny bày tỏ.
1,7 triệu suất ăn cho phía Nam
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ 1,7 triệu suất ăn cho người yếu thế, gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội nhưng không thuộc diện hưởng chính sách tại 17 tỉnh, TP . Mỗi suất ăn khoảng 30.000 đồng/suất, tương đương 51 tỉ đồng từ nguồn tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch COVID-19..
Người chưa được hỗ trợ còn rất nhiều
Đã có hàng trăm ngàn lao động tự do, ngừng việc, mất việc và hộ kinh doanh được nhận hỗ trợ theo nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ. Hiện vẫn còn rất nhiều người nằm ngoài nhóm được hỗ trợ theo nghị quyết 09.
Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu các quận huyện, TP Thủ Đức bổ sung thêm 10 nhóm lao động tự do ngoài 6 nhóm công việc trước đó đã được thống kê để hỗ trợ từ các nguồn vận động khác. Như người chạy xe ôm công nghệ, giúp việc nhà, thợ hồ... sẽ tiếp tục được bổ sung.
Tại quận Bình Thạnh, theo bà Phạm Thị Bích Loan - trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận, ngoài hơn 28.000 lao động tự do thuộc 6 nhóm công việc kể trên, đến nay quận cũng thống kê thêm khoảng 50.000 lao động tự do thuộc các nhóm ngành nghề khác chưa được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân Vinh - trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận 4 - cho biết quận cũng có khoảng 18.000 lao động tự do nằm ngoài 6 nhóm ngành nghề được thống kê bổ sung.
"Hiện nay bà con đang rất sốt ruột chờ hỗ trợ và chúng tôi vẫn đang chờ có thông tin về nguồn chi hỗ trợ. Trường hợp người dân cần hỗ trợ khẩn cấp, quận thực hiện theo chương trình chung của MTTQ TP và hỗ trợ nhu yếu phẩm ở mức 300.000 đồng" - ông Vinh cho biết.
Bổ sung danh sách hỗ trợ
Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cho biết đang đốc thúc những doanh nghiệp mới tạm ngừng hoạt động gửi danh sách người lao động để nhận hỗ trợ. Các quận huyện cũng thống kê bổ sung người lao động tự do gặp khó khăn.
Bà Dương Thị Huyền Trâm - ủy viên thường vụ, trưởng Ban phong trào MTTQ Việt Nam TP.HCM - cho biết TP có chủ trương thành lập trung tâm điều phối để chăm lo an sinh xã hội chung cho toàn TP. Trong hôm nay 3-8, 20.000 phần nhu yếu phẩm, mỗi phần 300.000 đồng vận động từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP được chuyển xuống các quận huyện hỗ trợ khẩn cấp. MTTQ cũng đang gấp rút chuẩn bị 500.000 phần nhu yếu phẩm để phục vụ công tác cứu trợ người dân trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận