Huy “bút chì” tại công ty Pencil Group - nơi anh theo đuổi những ý tưởng sáng tạo Ảnh: Lê Vân
Tại sao là Huy "bút chì"? Bởi bút chì là cây bút viết mọi ý tưởng mà không sợ sai, trẻ con thích dùng bút chì, Huy cũng thích dùng bút chì là vì vậy. Sau này lấy tên công ty là Pencil cũng vì thế.
Nguyễn Tiến Huy
Sau 15 năm, Huy "bút chì" của hôm nay ra sao với quyết định vốn bị xem là "xốc nổi" một thời?
Bài học đi làm thuê với 8 năm thăng 8 cấp
Năm đại học thứ 3, Nguyễn Tiến Huy, chàng sinh viên ngành điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã có một quyết định táo bạo.
Tôi còn nhớ lần đầu gặp gỡ cách đây 15 năm ở sân trường rợp bóng cây, Huy trầm ngâm nói về quyết định bảo lưu chương trình học để đi làm đã khiến nhiều bạn bè đồng môn ngỡ ngàng và cho đó là quyết định "xốc nổi".
Từ một chàng sinh viên ngồi dưới gốc cây sân trường ĐH và mơ mộng chuyện làm chủ, 15 năm qua Huy có thay đổi nhiều không? Sự thay đổi nào là lớn nhất mang lại cho chàng CEO trẻ hôm nay những góc nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống hiện tại?
Huy chia sẻ bản thân mình đã thay đổi từ mong muốn làm điều gì đó thú vị để chuyển sang mục tiêu làm được điều lớn lao, có bản sắc riêng. Nhiều công ty Huy và cộng sự đã được xây dựng rồi bán đi cho các doanh nghiệp nước ngoài để rồi một ngày biến mất.
Đó cũng là một trong những nuối tiếc của Huy khi những sáng tạo của mình không đi đến nơi đến chốn. Vì vậy, hiện tại Huy đang dồn sức cho Pencil Group - nhóm công ty chuyên cung cấp các dịch vụ sáng tạo trong lĩnh vực marketing. Anh chia sẻ: "Hành trình 15 năm qua mới chỉ là bước đầu, hành trình tiếp theo sẽ rất thú vị, với những người đồng hành thú vị".
Khi Huy quyết định bảo lưu đại học để theo đuổi một công việc toàn thời gian với cơ hội học hỏi lớn, dự định ban đầu của Huy là sẽ làm thuê 3 năm. Nhưng sau đó Huy tiếp tục làm đến 8 năm nhờ những cơ hội học hỏi phát triển cứ tìm đến.
Trong 8 năm đi làm thuê, Huy được thăng tiến ở một tập đoàn liên doanh lớn. "Không nói không với bất kỳ thử thách nào" - đó cũng là tiêu chuẩn để Huy chọn người cộng sự công ty cho đến bây giờ.
Hành trình làm thuê của Huy bắt đầu ở Who Digital, một trong những công ty tiên phong tại Việt Nam về digital marketing, sáng lập bởi hai người Úc với kinh nghiệm từ Úc. Lúc đó, Huy dù bỏ ngang đại học vẫn được chọn nhờ kỹ năng thiết kế và lập trình trải nghiệm tương tác trên nền tảng công nghệ Flash rất thịnh hành bấy giờ.
Công ty này là nơi Huy học hỏi và tận hưởng cảm giác vượt qua những giới hạn của chính mình sau mỗi khó khăn trong công việc. 5 năm làm việc ở Who Digital, Huy luôn nằm trong số những nhân viên xuất sắc nhất của năm.
Sau 5 năm, công ty sáp nhập về với Tập đoàn Ogilvy Việt Nam, Huy cùng hai sếp và đội ngũ Who Digital hòa nhập với tập đoàn cùng cái tên công ty mới. Ba năm làm việc tại Ogilvy Việt Nam, Huy được thăng cấp chief digital officer, chức vụ cao trong tập đoàn lúc bấy giờ. Nhưng chính lúc này, Huy lại quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp và đi học lại.
Huy tâm sự: "Lúc đó tự đánh giá khách quan bản thân thì thấy mình bắt đầu có xu hướng hài lòng mức lương cao và vị trí được nể trọng trong một môi trường có danh tiếng. Tuy đang ở vị thế tốt nhưng lại là dấu hiệu cho thấy mình có thể mất đi tham vọng khi những bước tiến sắp tới sẽ đến dễ dàng. Mình không muốn "chết trẻ" như vậy".
Sau khi nghỉ việc, Huy đăng ký học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh cấp quản lý của Trường RMIT Việt Nam.
Chương trình học cho phép một số trường hợp đặc biệt không có bằng đại học vẫn có thể theo học thạc sĩ nếu trải qua được các vòng thư giới thiệu, hồ sơ có kinh nghiệm quản trị cấp cao trong 5 năm, điểm tiếng Anh cao và vượt qua vòng phỏng vấn cuối cùng.
Khóa đó có hai người được chọn theo hình thức này - Huy và một lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp ôtô. Huy sắp xếp thời gian học xen kẽ việc điều hành công ty mới. Việc học tại đây cũng mang tính thực tế gần gũi và sau 2 năm thì Huy hoàn thành chương trình.
Hiện nay, Huy bắt đầu năm thứ nhất chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành quản trị và marketing của Đại học Tomas Bata, Cộng hòa Czech, đề tài nghiên cứu về Mô hình phát triển marketing tinh gọn dành cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Cùng việc học, Huy sáng lập và điều hành nhiều doanh nghiệp với các cộng sự.
Huy chia sẻ chủ đề sử dụng mạng xã hội cho nghệ sĩ trẻ
Trải nghiệm thất bại để thành công
Sau bảy năm ra làm ăn riêng, Huy đã trải không ít thất bại. Huy chia sẻ: "Mình rất tò mò, cái gì muốn tìm hiểu thì sẽ bỏ ra một ít tiền để làm xem nó ra sao. Mỗi thất bại đi qua, mình đều thấy thú vị về những gì học được.
Giờ đây ngoài hai công ty marketing truyền thông, mình còn tham gia đầu tư và nằm ở hội đồng quản trị một số công ty âm nhạc, điện ảnh, thời trang, công nghệ. Mỗi hành trình lại cho những bài học mới, những người bạn mới và niềm vui mới".
Nhắc nhớ lần "ngã ngựa" ở tiệm bánh Beanie’s, Huy nói tuy sản phẩm ngon, founder tâm huyết, nhưng để thành công với một tiệm bánh thì cần thành phẩm xuất sắc chứ không chỉ ngon.
Với chuỗi cafe The Terminal Coffee, đội ngũ sáng lập có ý tưởng và kinh nghiệm trong ngành ăn uống tốt, thị trường cũng rộng mở. Nhưng bài học từ dự án này khi buôn bán lại không lãi chính là những kinh nghiệm về chọn địa điểm, chọn mô hình kinh doanh tự vận hành hay franchise, chọn quản lý như thế nào để tránh thất thoát...
Trước khi lập Pencil Group, Huy tham gia đội ngũ sáng lập viên Redcat Motion, công ty mang theo ước mơ sáng tạo phim hoạt hình tầm thế giới.
Ở đây, tuy chưa đạt được thành công về sản phẩm phim hoạt hình nhưng công ty đã có được thành công về con người. "Bài học về tầm quan trọng của văn hóa một công ty với thành công của công ty đó là rất quý giá đối với mình" - Huy trầm ngâm nói.
Khi mở Công ty DigiPencil Innovation Agency, nơi Huy tập trung 10 tiếng làm việc mỗi ngày. Công ty đã đạt được thành công rất nhanh trong 3 năm đầu tiên, đạt mức doanh thu và lợi nhuận rất tốt so với thị trường nhưng sau đó chững lại vì sự thay đổi của thị trường.
Huy phải chuyển dịch chiến lược, mở rộng dịch vụ để thích nghi. Lúc này, việc thấu hiểu thị trường và linh hoạt ứng biến lại trở thành cốt lõi.
Từ đó, Huy thành lập Pencil Group, nhóm công ty cung cấp các dịch vụ sáng tạo trong marketing vì môi trường cạnh tranh mới đòi hỏi cần có những kỹ năng và kinh nghiệm phổ quát hơn về xây dựng thương hiệu có nền tảng và dài hạn chứ không chỉ là digital marketing.
Mô hình của Pencil Group là mô hình Huy tâm đắc nhất. Pencil Group là nhóm các công ty phát triển và cung cấp dịch vụ sáng tạo thương hiệu, truyền thông, công nghệ trải nghiệm khách hàng.
Huy chia sẻ: "Chúng mình đang nỗ lực xây dựng đội ngũ lãnh đạo có khả năng phát triển con người, mang khả năng sáng tạo nội dung và công nghệ lại gần với nhau để giải quyết các vấn đề trong truyền thông và kinh doanh".
Để làm được điều đó, Pencil Group phải tuyển và phát triển những con người phù hợp với các giá trị cốt lõi của công ty. Nhờ có những con người hiện tại, công ty Huy tự hào đã chiến thắng nhiều công ty đa quốc gia trong các cuộc đấu thầu dịch vụ sáng tạo.
Luôn tin sẽ có giải pháp
"Thịnh có hơn 5 năm làm việc cùng anh Nguyễn Tiến Huy với nhiều vai trò khác nhau. Anh Huy luôn giữ lạc quan với tinh thần "cứ làm đi" và rất quyết liệt trong những quyết định.
Anh giữ giá trị cốt lõi "không nói không với khách hàng", luôn xem khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Là người rất thích sáng tạo, và tốc độ thực thi của anh Huy rất nhanh được ví như tàu cao tốc chạy 200km/h. Anh Huy ít khi bỏ cuộc, luôn tin sẽ có một giải pháp khác để xử lý vấn đề".
Lê Tấn Thanh Thịnh (CEO công ty Brandbeats).
------------------------------------
Tại sao lại cứ phải cặm cụi làm công ăn lương xứ người, trong khi quê hương mình là vùng trồng nhãn thơm ngon danh tiếng?
Kỳ tới: Chàng trai Đồng Tháp muốn hương nhãn vươn xa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận