Kỳ 1: Lao vào bão biển cứu ngư dân Kỳ 2: Những tình huống không có trong sách vở
Phóng to |
Các thợ lặn đã dùng phương pháp thủ công và tìm được chiếc xe khách bị lũ cuốn tại Hà Tĩnh - Ảnh: Viễn Sự |
Nhưng chỉ hai ngày sau, một tàu cá ngư dân thông qua đài duyên hải báo một tin bất ngờ: bắt gặp tàu cá PY-91234 đang trôi dạt cách Côn Đảo 60 hải lý, trong đống lưới có một thi thể người.
Kinh nghiệm dân gian
Ngay lập tức Vũng Tàu MRCC cho tàu cứu nạn ra tiếp cận. Tuy nhiên, tình huống rất nan giải là gió mùa đông bắc thổi quá mạnh, chỉ mới hai ngày mà tàu cá PY-91234 đã trôi xa hơn 250 hải lý. Khi tàu cứu nạn ra đến nơi mất thêm một ngày nữa, nếu suy luận với tốc độ dòng chảy như vậy thì chỉ vài ngày nữa, tàu bị nạn có thể trôi sang tận vùng biển Indonesia. Tuy nhiên Vũng Tàu MRCC yêu cầu tàu cứu nạn vẫn chạy đến tọa độ được báo đã phát hiện tàu cá và việc đầu tiên là tìm ngay các tàu cá lân cận để hỏi thông tin.
Khi tiếp cận tàu cá đầu tiên, một lão ngư trên tàu đã nói chắc nịch: “Mấy anh đợi tui thu xong mẻ lưới, tui nhổ neo đi kiếm giùm cho”. Quả nhiên, chỉ sau một giờ đi theo tàu cá ngư dân, tàu cứu nạn đã tìm thấy tàu PY-91234 vẫn còn nằm ngay trên vùng biển Côn Đảo, cách vị trí phát hiện một ngày trước chỉ vài hải lý. Sau này, khi đã đưa được tàu bị nạn về bờ, tìm các ngư dân hỏi kinh nghiệm mới hay họ đều biết trên vùng biển Côn Đảo có dòng hải lưu chảy vòng. Nên dù tàu cá gặp nạn trôi rất nhanh từ vùng biển Khánh Hòa về Côn Đảo, nhưng họ biết chắc chắn sẽ bị quẩn lại chứ không thể trôi xa.
Tương tự, kinh nghiệm của các ngư dân đã góp phần kết thúc nhanh công việc tìm kiếm chín thi thể nạn nhân trong vụ chìm canô H29 BP trên biển Cần Giờ vào tháng 8-2013. Ông Lương Trường Phi - phó giám đốc Vũng Tàu MRCC - nhớ lại: khi canô H29 BP chìm, lãnh đạo Cục Hàng hải chỉ đạo phải mở rộng phạm vi tìm kiếm, huy động tối đa phương tiện để tìm được nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Bởi cứ thêm một ngày thì bán kính tìm kiếm lại phải mở rộng hơn, trên một vùng biển cả trăm cây số vuông, việc tìm sẽ khó khăn gấp bội.
Cùng với việc mở rộng phạm vi tìm kiếm, Vũng Tàu MRCC cũng rất chú ý đến tư vấn của ngư dân trên các ghe đáy đang đánh bắt trên vịnh Gành Rái. Họ phán đoán thi thể nạn nhân khó trôi ra theo hướng biển mà bị gió mùa tây nam đưa vào sát cửa sông Soài Rạp hoặc phía Cần Giờ. Và quả đúng như vậy, chỉ sau hơn 48 giờ tìm kiếm, Vũng Tàu MRCC đã tìm được tám nạn nhân, biên phòng Vũng Tàu tìm được nạn nhân còn lại ngay trong vùng biển mà các ngư dân ghe đáy đã tư vấn. Và dù không trực tiếp đưa nạn nhân lên bờ, nhưng các ngư dân này đã đóng góp không nhỏ khi tự tìm và phát hiện được bốn nạn nhân theo cách tìm kiếm riêng của mình.
Trục với chiếc xe bị lũ cuốn năm 2010 tại Hà Tĩnh - Ảnh: Viễn Sự |
Học ở ngư dân
Những ngư dân ở các xóm chài quanh TP Vũng Tàu thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những người mặc trang phục của ngành hàng hải. Họ gửi xe máy trên bờ để xuống các ghe lưới uống trà, uống rượu với các chủ ghe. Ông Lương Trường Phi cho biết những cuộc trà, rượu đó chính là những buổi tích lũy kinh nghiệm quý giá để thực nghiệm trong những lần cứu nạn mà không phương tiện nào có thể thay thế được. Ông Phi khẳng định làm công tác cứu nạn hàng hải, nhất là trong bối cảnh phương tiện còn thiếu thốn như ở Việt Nam thì kinh nghiệm của ngư dân là điều rất quý giá mà bất cứ ai trong ngành cũng cần phải tích lũy.
Ông Nguyễn Nhật - cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, người đã chỉ huy vụ cứu nạn canô H29 BP trên biển Cần Giờ - khi bước lên tàu SAR 413 và SAR 272 để khen thưởng thủy thủ đoàn cũng yêu cầu phải thưởng ngay cho các ngư dân đã giúp đỡ lực lượng cứu nạn tìm kiếm được nạn nhân. Ông Nhật khẳng định: “Không có ngư dân thì việc tìm kiếm đã có thể kéo dài hơn. Cứu nạn trên sông nước, dựa vào ngư dân là điều anh em phải luôn nhớ”. Nói điều này bởi ba năm trước, khi còn là phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nhật cũng chính là người đã chỉ huy cứu nạn vụ chìm xe khách 48K-5868 trên sông Lam làm 19 người chết. Ông Nhật vẫn còn nhớ để tìm được chiếc xe khách cùng 19 nạn nhân đã có sự góp sức rất lớn của dân chài ven sông Lam.
Từng có mặt tại hiện trường tìm kiếm cứu nạn bên sông Lam những ngày ấy, phóng viên Tuổi Trẻ vẫn còn nhớ: sau ba ngày đưa tất cả các phương tiện hiện đại xuống sông Lam để tìm kiếm nhưng không có kết quả, thấy vậy bảy doanh nghiệp tại Nghệ An đã tự điều phương tiện và huy động nhóm thợ lặn tình nguyện vào cuộc. Họ đã tìm thấy vị trí chiếc xe chỉ bằng một phương pháp: dùng tàu công suất lớn kéo lưới quét giăng ngang sông Lam và cho thợ lặn xuống định vị khi phát hiện chướng ngại vật. Cách làm có vẻ thủ công này đã nhanh chóng tìm ra vị trí xe khách bị lũ cuốn. Trong khi trước đó, công binh Quân khu 4 dùng máy rà mìn để phát hiện kim loại dưới đáy sông nhưng không tìm được. Lý do sau này được phát hiện là máy rà chỉ bắt được tín hiệu của kim loại trong phạm vi 5m, nhưng nước sông Lam mùa lũ sâu đến... 15m.
Thuyền nan thắng thuyền máy Trở lại vùng lũ Vũ Quang (Hà Tĩnh) trong cơn lũ lớn tháng 10-2013, có một điều khác với những mùa lũ trước là các canô, thuyền máy đi cứu nạn, cấp lương thực cho người dân đều kéo theo một hai chiếc thuyền đan bằng nan tre. Những chiếc thuyền nan này là phương tiện trung chuyển, dễ dàng tiếp cận từng mái nhà, ngọn cây nơi người dân đang tránh lũ. Còn nhớ sau cơn lũ lịch sử tháng 10-2010, báo chí đã phản ánh sự bất cập trong công tác cứu nạn khi tất cả canô và xuồng cao tốc đều không thể tiếp cận sát nhà dân để cấp lương thực, nước uống vì nước chảy xiết và không thể luồn lách trong lũ. Trong khi đó, thuyền nan của dân tuy chậm nhưng lại rất cơ động. Và những chiếc chuyền nan bám đuôi sau canô, xuồng máy trong các chuyến cứu trợ ở Hà Tĩnh vào các mùa lũ gần đây là nhờ học được kinh nghiệm thực tiễn ấy từ người dân. |
___________
Kỳ tới: Tàu SAR cũng cần được... cứu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận