09/10/2012 06:46 GMT+7

Những người cần đọc sách nhất cũng ít đọc

THU HÀ
THU HÀ

TT - “Tôi chứng kiến sự ra đời của hàng trăm cuốn sách mỗi tuần, hình thức cực đẹp, nội dung vô cùng sâu sắc! Thế nhưng người dân vẫn cứ mỗi ngày đọc một ít đi. Ai cũng xông ra viết nhưng chẳng ai muốn đọc”.

Pun82Bfc.jpgPhóng to

Dù nhiều người mua sách tại Hội chợ sách (tại TP.HCM năm 2012), số người thật sự đọc sách ở VN vẫn vô cùng ít - Ảnh: Minh Đức

Trong hội thảo “Văn hóa đọc và ngày đọc sách ở VN” được Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo trung ương, Hội Xuất bản VN tổ chức vào chiều 8-10-2012, câu chuyện về việc độc giả quay lưng lại với sách, văn hóa đọc xuống cấp... đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đáng quan tâm hơn là các diễn giả, nhà nghiên cứu, nhà làm sách nói thẳng vào một thực trạng còn nhức nhối hơn: những người được mặc định cần đọc sách nhất trong xã hội cũng ít đọc sách PGS Phan Trọng Thưởng không né tránh một thực tế trong giới mình: “Trong giới sáng tác, lý luận phê bình văn học, ở một số hội nghị, hội thảo gần đây đã có người lên tiếng về hiện tượng chỉ viết cho người khác đọc mà không chịu đọc của người khác, kết quả là không ai đọc của ai, hoặc có đọc cũng là vì lý do này lý do khác chứ không phải là một hoạt động tự giác”.

TS Lê Hồng Lý - Viện Nghiên cứu văn hóa - đưa ra một con số về số lượt các nghiên cứu viên mượn tài liệu ở thư viện của viện mình giảm dần đều: “năm 2008: 278 lượt, 2009: 233 lượt, 2010: 175 lượt, 2011: 120 lượt và chín tháng đầu năm 2012 chỉ còn 56 lượt. Vậy mà mỗi năm viện tuyển tới 30 học viên cao học và tám nghiên cứu sinh tiến sĩ”. Cao học học hai năm và tiến sĩ bốn năm. Như vậy nếu chia lượt ra, năm năm trước học viên mượn tài liệu đọc không quá ba lượt/người/năm. Còn năm 2012 mỗi người chưa được một lượt (!?).

Biên tập viên Nguyễn Hoài Nam của ban văn nghệ Đài truyền hình VN thì chỉ đích danh một bộ phận không nhỏ khác lẽ ra phải đọc rất nhiều cũng đang rơi vào tình trạng “sợ đọc”: công chức văn hóa. Anh tỏ ý tiếc vì không thể tự mình làm điều tra xã hội học về tình hình mua và đọc sách của công chức làm trong lĩnh vực văn hóa, nhưng bằng vào trải nghiệm cá nhân và qua công việc hằng ngày anh khẳng định: “Ngay ở một cơ quan báo chí cỡ bự trực thuộc trung ương, bàn chuyện văn hóa đọc là bàn tới một cái gì đó khá... xa xỉ. Có lẽ đa số (tôi không dám nói là tất cả) các nhà báo ở đây phải làm việc quần quật cả ngày nên tối về họ mệt đến mức không lật nổi một trang sách. Câu hỏi đặt ra với các nhà báo đó không nên là: “Một tháng các anh/chị đọc được bao nhiêu cuốn sách?”, mà phải là “Trong một năm liệu các anh/chị có đọc được trọn vẹn một cuốn sách hay không?”.

Bởi vậy, tuy có rất nhiều giải pháp được các diễn giả nêu ra trong hội thảo: tăng cường hệ thống thư viện nhà trường và tủ sách dòng họ; lập các câu lạc bộ đọc sách cho trẻ em; đào tạo bổ sung đội ngũ biên tập viên lành nghề; thành lập phố sách ở Hà Nội và TP.HCM, tổ chức ngày đọc sách ở VN... thì câu hỏi của biên tập viên Nguyễn Hoài Nam - một nhà phê bình trẻ hơn 10 năm kiên trì với việc “tranh thủ” giới thiệu sách trên truyền hình bất cứ lúc nào có cơ hội và giờ đây đã tỏ rõ sự bất lực - tự nó đã là một câu trả lời: “Khi mà những công chức văn hóa - những người lẽ ra phải đọc sách một cách ráo riết nhất - không hoặc lười đọc sách, thì việc văn hóa đọc của toàn xã hội xuống cấp có đáng để chúng ta phải xem như một việc quá đỗi nghiêm trọng và bất bình không?”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên