22/02/2014 16:15 GMT+7

Những người bỏ "sở tây" đi bán "chợ phiên đô thị"

H.GIANG
H.GIANG

TTO - Chiếc rương du hành - Travelling Trunk là tên gọi của một hội chợ thường kỳ mới ra đời ở Hà Nội, quy tụ những gian hàng chuyên bán đồ thủ công “made in Vietnam”.

Mới họp lần đầu ở góc tầng 4 Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, Travelling Trunk đã tạo ra không khí gặp gỡ, giao lưu đầy ấm cúng giữa người bán và người mua.

Đứng đằng sau “chợ phiên đô thị kiểu mới” này là những con người đầy nhiệt huyết và có điểm chung: bỏ sở tây, bỏ công ăn việc làm êm ấm để tự làm thuê cho chính mình!

1. Tạ Tùng học ngành vật lý ở Pháp, về nước lại lấy thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, đi làm cho văn phòng đại diện của một công ty Nhật ở Hà Nội. Những lần sang làng Bát Tràng thăm họ hàng để… xả stress lại là nguồn cơn để anh quyết định bỏ việc để bán đồ gốm.

sM5gIzZ1.jpgPhóng to
Tạ Tùng vừa bán gốm Bát Tràng, vừa kiêm chân nhạc sĩ dạo tại hội chợ Chiếc rương du hành - Ảnh: H.Giang

“Gốm Bát Tràng được nung ở nhiệt độ cao (1.200-1.300 độ C) nên rất an toàn với thực phẩm, khác với gốm Trung Quốc nung thấp lửa hơn nên rẻ, đẹp màu nhưng độc vì có dùng kim loại như chì để giảm giá thành" - lời giới thiệu gọn gàng, đơn giản chạy trên trang Facebook "Gốm ta" giới thiệu sản phẩm gốm Bát Tràng của Tùng.

Anh cho biết trong những năm đi du học, gốm Bát Tràng là một trong những đặc sản của VN mà anh rất tự hào khi giới thiệu cho bạn bè nước ngoài, không chỉ ở bề dày truyền thống hàng chục thế kỷ, mà còn ở độ an toàn và những kỹ thuật tráng men, thiết kế mới mà dân Bát Tràng liên tục cập nhật trong những năm gần đây để phục vụ thị hiếu của khách hàng VN và nước ngoài.

Giờ đây, ngoài việc giới thiệu các sản phẩm của làng gốm Bát Tràng, Tùng đang quyết tâm bỏ ra từ 3 đến 5 năm để có thể tự tay tạo nên thành phẩm. Đó là một con đường đầy chông gai, bởi đích đến có thành công hay không, không ai nói trước được với nghề làm gốm thủ công. Tùng may mắn vì trong khi bạn bè phần lớn coi đó là một ý tưởng điên rồ thì bố mẹ và gia đình lại hết sức ủng hộ anh thử sức trên con đường trở thành nghệ nhân gốm để nối nghề truyền thống của gia đình.

2. Mai Linh Chi tốt nghiệp khoa ngoại ngữ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khóa 49 và đã đi làm cho một loạt công ty khác nhau trong lĩnh vực nhân sự, từ First Alliances đến Harvey Nash và Infinity HR. Tháng 11-2013, Chi xin nghỉ việc để thực hiện dự án riêng mang tên Pépite à Moi (Cục cưng của tôi).

coxXhDYO.jpgPhóng to
Mai Linh Chi - Nguồn: Facebook Linh Chi Mai
2kWehGBA.jpgPhóng to
Ca sĩ nhí Nguyễn Hoàng Trang Thư diện bộ áo dài do Mai Linh Chi thiết kế và may - Nguồn: Facebook Pépite à Moi

Chi thích "làm điệu" từ nhỏ. Những đồ dùng xinh xắn mà mẹ mua cho Chi ngày bé đã nuôi dưỡng niềm say mê thời trang, thiết kế quần áo của cô. Cách đây khoảng 10 năm, Chi mơ ước có được hãng thời trang của riêng mình và gần 3 năm trước, cô nảy sinh ý tưởng về hãng thời trang trẻ em và bắt đầu nung nấu quyết tâm thực hiện cùng với em gái vì cả hai chị em có cùng sở thích về quần áo trẻ em.

“Đòi hỏi của các bà mẹ ngày nay khác trước nhiều lắm, sản phẩm phải an toàn, đẹp, phong cách, để mỗi lần diện cho con là họ thấy tự hào" - Chi lý giải về lựa chọn của mình. Cô tự mày mò từ khâu lựa chọn chất liệu, đến cắt may và thiết kế. Quần áo cho các bé của Chi thường là đơn sắc và tương đối ít chi tiết, nhưng lại đắt giá ở các chi tiết hoặc đường nét rất nhỏ và tinh tế.

Hiện nay Chi đang dồn sức mở một cửa hàng nho nhỏ tại TP.HCM để đưa các sản phẩm đến gần với khách hàng hơn. Xa hơn nữa là mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Với bản thân mình, Chi đặt mục tiêu theo học thiết kế thời trang để hỗ trợ thêm công việc và để Pépite à Moi ngày càng chuyên nghiệp và đẹp hơn.

“Nói là làm việc chứ thực ra là hưởng thụ vì mình đang được làm việc mình yêu thích, hứng thú" - Chi nói.

3. Giang Lương Hà chính là chất xúc tác đưa những người trẻ nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm như Tùng, Chi lại gần nhau hơn.

Ngay sau Tết Nguyên đán, “chợ phiên đô thị” mang tên Travelling Trunk do chị và bạn bè tổ chức đã diễn ra ngay tại tầng 4 Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội. Chị “quảng cáo” chợ phiên này kết nối trẻ và già, xưa và nay, cũ và mới, hiện đại và dân tộc.

w5NfR2qa.jpgPhóng to
Chị Giang Lương Hà hi vọng phiên chợ Chiếc rương du hành sẽ được tổ chức định kỳ - Ảnh: H..Giang

Không khí hội chợ man mác nét hoài niệm, nơi này nến sáp, góc kia khăn lụa in hoa văn trống đồng, rồi thoáng lại thấy bóng một cô gái Pháp xinh đẹp đang giới thiệu cho khách khăn lụa Đà Lạt in hình hạt gạo làng ta.

Không chỉ có người bán người mua như thường thấy ở các hội chợ thủ công ngày càng phổ biến ở Hà Nội, Travelling Trunk còn đầy ắp những tiếng rao bán vui tai, có âm nhạc, trò chơi và những cuộc gặp gỡ đầm ấm xung quanh những gian hàng đẹp mắt.

Chị Hà nói nhiều gian hàng đã “bỏ cuộc chơi” vì vẫn còn mải mê tinh thần nghỉ tết, nhưng những người còn lại vẫn đủ tạo nên không khí sôi động, đầy ấm cúng tại phiên chợ đầu tiên của Travelling Trunk.

Giang Lương Hà từng làm quản lý nhãn hàng cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Kenzo, Dior… nhưng chị ngày càng nhận ra có rất nhiều người như chị luôn sôi sục ý nghĩ “làm gì đó cho hàng Việt”. Tất cả đều chung đam mê với những sản phẩm có chất lượng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đậm chất quê hương.

Vậy là thay vì bắt tay làm hàng thủ công Việt như những người ấy, chị “bê” tất cả đến cùng một địa điểm họp chợ, sao cho người bán thấy ấm lòng vì ngoài mình ra vẫn còn rất nhiều người “điên điên” giống mình, người mua thì sung sướng vì gặp toàn hàng Việt đẹp, người phục vụ thân tình, chu đáo để rồi hân hoan ra về với một túi trĩu nặng những khăn, những áo, những bát gốm đẹp…

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên