28/04/2017 11:51 GMT+7

Những ngày cuối cùng của ​Ngân hàng Quốc gia VNCH

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Cuối tháng 4-1975, lẫn trong các đoàn xe tăng, bộ binh giải phóng đổ về Sài Gòn có những người lặng lẽ làm nhiệm vụ đặc biệt.

Ngân hàng Quốc gia VNCH - Ảnh: tư liệu

Trung tuần tháng 4-1975, sau một tuần giao tranh khốc liệt với quân giải phóng do tướng Hoàng Cầm chỉ huy, phòng tuyến Xuân Lộc - hy vọng cuối cùng của quân đội VNCH - đã chuyển sang thế chiến bại.

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó ở Sài Gòn, các hoạt động thường nhật của Ngân hàng Quốc gia, đầu não của nền tài chính miền Nam, vẫn bình thường.

Phòng vệ đặc biệt

Buổi chiều hết giờ làm việc, chiếc cổng sắt nặng nề của Ngân hàng Quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương đóng chặt lại, tách biệt hẳn với đường phố ồn ào bên ngoài. Vài nhân viên nghiệp vụ không ra về mà ở lại phía trong cánh cửa, tiếp tục vào phiên trực.

Từ khi chiến cuộc diễn biến ngày càng khốc liệt, theo chủ trương của chính quyền Sài Gòn, tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia đã cho thành lập tổ tự vệ riêng của các viên chức nghiệp vụ ngân hàng.

Từ cấp chánh sự vụ trở xuống, không ai được phép vắng mặt trách nhiệm “nhân dân tự vệ”. Thay phiên nhau vài đêm mỗi tháng, họ cũng được phát vài khẩu carbine nhưng chưa bao giờ phải nổ súng.

Cùng gác với họ còn có hai lực lượng chuyên trách khác. Phía ngoài cổng là vành bảo vệ của đội cảnh sát dã chiến.

Từ cuộc chiến đường phố Tết Mậu Thân năm 1968, điểm phòng vệ này còn thường xuyên xuất hiện những chiếc thiết giáp. Nó đậu ở sát bức tường hông tòa nhà, khẩu trọng liên chĩa thẳng ra đường sẵn sàng chiến đấu.

Riêng bên trong, ngoài đội “tự vệ” còn có đội bảo vệ đặc biệt của thiếu tá Sang. Ông ta chỉ huy đội cảnh sát phòng vệ lớp thứ hai bên trong tòa nhà.

Chiến cuộc 20 năm gần đến hồi kết ở Sài Gòn, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rồi ông Trần Văn Hương, Dương Văn Minh lên thay đều quan tâm bảo vệ tòa nhà đặc biệt này.

Họ rất sợ Ngân hàng Quốc gia có vấn đề gì, ảnh hưởng đến cả nền tài chính lẫn tâm lý người dân đô thành, mà đặc biệt là giới thương nhân.

Dưới tầng hầm, kho vàng 16 tấn dự trữ quốc gia vẫn còn nguyên vẹn ở vị trí cũ sau khi kế hoạch chuyển ra nước ngoài bị dừng lại.

Bên cạnh những hộp vàng thoi, các thùng tiền mặt, gồm tất cả tờ 500, 1.000 đồng chuẩn bị phát hành vẫn nằm nguyên dưới lớp niêm phong.

“Huyết mạch” kinh tế miền Nam vẫn hoạt động cho đến gần giờ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, khi những chiếc xe tăng T54 quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập.

Cảnh sát dã chiến bảo vệ vòng ngoài Ngân hàng Quốc gia VNCH trong những ngày tháng 4-1975 - Ảnh tư liệu
Cảnh sát dã chiến bảo vệ vòng ngoài Ngân hàng Quốc gia VNCH trong những ngày tháng 4-1975 - Ảnh tư liệu

“Chứng nhân” 3 thế kỷ

Trong lịch sử, tòa nhà Ngân hàng Quốc gia do người Pháp xây dựng này là chi nhánh chính của Ngân hàng Đông Dương ở Sài Gòn.

Ngân hàng này đầu tiên ra đời ở Paris vào tháng 1-1875. Chỉ bốn tháng sau, nó đã hiện diện ở thuộc địa Nam Kỳ, số 22 bến Arroyo Chinois, Cochinchine (số 17 Bến Chương Dương hiện nay).

Đây là một trong những công trình được xây dựng bề thế, kiên cố nhất Sài Gòn lúc bấy giờ gồm năm tầng, trong đó có một tầng hầm được sử dụng làm kho cất vàng dự trữ quốc gia và tiền tệ chưa phát hành.

Những bức tường bằng đá dày bảo đảm chịu được mọi loại súng cầm tay của bộ binh thời đó.

Tầng trệt của tòa nhà là văn phòng thống đốc, Nha điện toán, Nha ngân quỹ, phòng giao dịch với các ngân hàng thương mại. Các tầng trên là phòng làm việc của các nha khác như Nha kiểm soát, Nha thanh tra, Nha hối đoái...

Ngày 4-6-1954, Pháp ký hiệp định trao trả độc lập cho Việt Nam.

Bản hiệp ước do thủ tướng Bửu Lộc của chính phủ Bảo Đại và thủ tướng Pháp Joseph Laniel ký ghi nội dung điều khoản 3: Pháp cam kết trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam các thẩm quyền và công vụ mà Pháp còn phụ trách.

Trong đó, họ trao trả lại quyền tự chủ tiền tệ, tức giải tán Viện phát hành tiền tệ Đông Dương của mình để trao trả lại quyền phát hành tiền cho Việt Nam.

Sáu tháng sau, ngày 21-12-1954, quốc trưởng Bảo Đại ký dụ số 18 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện hối đoái riêng.

Tuy nhiên trong thời gian đầu, tiền Việt Nam vẫn nằm trong khu vực đồng franc có tỉ giá 1 đồng Việt bằng 10 đồng franc.

Ngày 1-1-1955 tại số 17 Bến Chương Dương, Sài Gòn, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chính thức hoạt động. Đồng bạc Đông Dương (piastres) được thay thế bằng đồng bạc Việt Nam.

Khoảng một năm sau, ngày 17-12-1955, tiền Việt chính thức tách ra khỏi các thỏa ước tiền tệ với Pháp trước đó bằng việc thủ tướng Ngô Đình Diệm ký dụ số 15, bắt buộc tất cả hoạt động tiền tệ đều nằm dưới quyền kiểm soát của Ngân hàng Quốc gia.

Không còn nằm trong khu vực tiền Pháp, đồng Việt Nam được ấn định tỉ giá theo đôla Mỹ, thời điểm này 35 đồng bằng 1 USD, 98 đồng bằng 1 bảng Anh và 0,1 đồng bằng 1 franc.

Thống đốc, người có quyền lực cao nhất ở Ngân hàng Quốc gia đầu tiên là ông Dương Tấn Tài, cựu bộ trưởng tài chính của chính phủ Bửu Lộc trước đó.

Thống đốc Tài được đánh giá là người cực kỳ liêm chính. Tuy nhiên, ông không tại vị lâu ở ngân hàng đầu não vì cuối năm 1955, ông được bổ nhiệm làm cố vấn phủ tổng thống. Người thay chức vụ cũ của ông là tiến sĩ kinh tế Vũ Quốc Thúc.

Suốt 20 năm chiến cuộc kể từ khi đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, Ngân hàng Quốc gia trở thành “chứng nhân” bao cuộc thăng trầm, biến loạn của Sài Gòn. Những thống đốc đầu tiên như tiến sĩ Vũ Quốc Thúc có công đưa nền tài chính miền Nam thoát khỏi cái bóng đô hộ 100 năm của người Pháp.

Nguyên bộ trưởng Trần Hữu Phương lên thay. Kế tiếp ông là những gương mặt rất giỏi như tiến sĩ kinh tế Harvard Nguyễn Xuân Oánh làm thống đốc năm 1964 trong nội các Nguyễn Cao Kỳ.

Sau đó là Nguyễn Hữu Hanh, Nguyễn Văn Dõng. Và thống đốc trẻ tuổi cuối cùng là Lê Quang Uyển ngồi vào chiếc ghế thống đốc năm 36 tuổi, từ năm 1970 cho đến ngày quân giải phóng vào cắm lá cờ mới lên tòa nhà này.

Trong cuốn sách Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, tổng trưởng Nguyễn Tiến Hưng cho rằng Ngân hàng Quốc gia sẽ là mục tiêu sau khi Sài Gòn thất thủ.

Trong cuộc họp nội các ngày 1-4, tổng trưởng Hưng đề xuất bán vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc gia để mua đạn dược trong tình hình không thể hi vọng quân viện từ Mỹ.

Cuối cùng, diễn biến chiến sự quá nhanh, việc mua đạn dược không kịp, việc chuyển vàng ra nước ngoài cũng bất thành, trong đó có cả lý do bất đồng của một số nhân vật trong nội các như phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo (Tuổi Trẻ đã đăng chi tiết năm 2006 trong hồ sơ “Câu chuyện 16 tấn vàng ngày 30-4”).

“Có lẽ chính nhờ những điều này mà hầm dự trữ của Ngân hàng Quốc gia vẫn không có gì xáo trộn trong tháng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Chúng tôi vẫn đến sở làm bình thường. Bản phúc trình thường niên năm 1974 vẫn được trình lên” - ông Huỳnh Bửu Sơn, một viên chức của Ngân hàng Quốc gia cũ, kể lại.

Kỳ tới: Cuộc hành quân đặc biệt

 

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên