14/11/2016 10:07 GMT+7

Những mô hình khuyến học độc đáo

LÊ TRUNG, LETRUNG@TUOITRE.COM.VN
LÊ TRUNG, LETRUNG@TUOITRE.COM.VN

TTO - Người dân ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có nhiều cách làm khá thú vị để gây quỹ khuyến học giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đó là làm thùng tiết kiệm, nuôi heo đất, cà phê khuyến học...

Người dân khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) bỏ tiền vào thùng tiết kiệm gây quỹ khuyến học - Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) bỏ tiền vào thùng tiết kiệm gây quỹ khuyến học - Ảnh: LÊ TRUNG

Thật bất ngờ với hình ảnh những chiếc thùng tiết kiệm khuyến học, khuyến tài bằng gỗ nhỏ xinh được đặt ở góc tường tại nhiều ngôi nhà của người dân khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước).

Thùng tiết kiệm khuyến học

Ông Nguyễn Chí Thắng - chi hội trưởng chi hội khuyến học khối phố Bình Phước - kể trước đây những người làm khuyến học ở khối phố bằng việc vận động các tổ chức, cá nhân để có quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của khối phố. Mỗi năm có hàng trăm học sinh ở đây được nhận học bổng khuyến học.

“Chúng tôi nhận thấy cách này không ổn định, lâu dài, nên nảy ra ý tưởng làm thùng tiết kiệm khuyến học để ở mỗi nhà dân. Mỗi ngày họ sẽ tiết kiệm vài nghìn đồng bỏ vào, cứ mỗi năm học lại mở thùng góp quỹ” - ông Thắng kể.

Được người dân đồng lòng, tháng 9-2015 chi hội khuyến học khối phố đặt 150 chiếc thùng tiết kiệm ở các nhà dân. Chiếc thùng bằng gỗ có chiều cao 20cm, rộng 12cm, có in logo thùng tiết kiệm khuyến học, khuyến tài. “Của ít lòng nhiều”, mỗi ngày người dân ở khối phố lại bỏ vài nghìn đồng tiền lẻ tiết kiệm vào thùng.

Ông Thắng cho biết cứ đến cuối năm học, chi hội khuyến học sẽ vận động người dân mở thùng, góp số tiền tiết kiệm được vào quỹ khuyến học của khối phố. Số tiền này dùng để làm học bổng khen thưởng học sinh giỏi các khối học hoặc có học sinh, sinh viên nào ốm đau, tai nạn cũng được quỹ hỗ trợ.

“Chỉ cần mỗi ngày người dân bỏ 1.000 đồng thôi là một năm sẽ có 200.000-300.000 đồng góp quỹ. Số tiền này nhân lên hàng trăm hộ sẽ được vài chục triệu, có quỹ để động viên, khích lệ con em của mình vượt khó học tập” - ông Thắng bộc bạch.

Đang tất bật với việc buôn bán tại cửa hàng nhà mình nhưng ông Lê Xuân Hảo (61 tuổi, khối phố Bình Phước) vẫn không quên bỏ vài nghìn đồng tiền lẻ vào thùng tiết kiệm. Ông Hảo cho biết khi nghe khối phố vận động làm thùng khuyến học, gia đình ông ủng hộ cả hai tay. Và ông thường xuyên bỏ những đồng tiền từ việc tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt của gia đình vào thùng.

“Kệ, mấy đồng tiền lẻ không đáng là bao nhưng góp nhiều nhà lại cũng tạo nguồn quỹ để khen thưởng, khích lệ con em trong khối phố vươn lên học giỏi. Rứa là vui rồi” - ông chia sẻ.

Không chỉ người dân mà cả cơ quan đóng trên địa bàn này cũng tham gia. Mới đây Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tiên Phước đã “khui” thùng tiết kiệm được gần 300.000 đồng, ủng hộ cho quỹ khuyến học.

Ông Bùi Đoán, phó giám đốc ban này, cho biết từ khi đặt thùng ở cơ quan, cán bộ nhân viên cứ tự nguyện mỗi ngày bỏ vào vài nghìn đồng tiền lẻ, đó là số tiền uống cà phê, ăn sáng về còn dư.

Nhà nhà nuôi heo đất gây quỹ

Người dân ở xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước) lại có phong trào nuôi heo đất gây quỹ khuyến học. Ông Trần Hoàng Vinh, chủ tịch Hội khuyến học xã Tiên Hà, kể từ tháng 6-2015, hội phát động gần 100 hộ dân ở hai thôn Phú Vinh và Tú An nuôi heo đất khuyến học. Mỗi nhà sẽ có một con heo đất bằng nhựa để bỏ tiền tiết kiệm.

Cứ sau một năm, đến năm học mới tất cả các hộ sẽ đem heo đến xã để “mổ” đồng loạt. Số tiền tiết kiệm được người dân sẽ giữ để sắm sửa áo quần, sách vở cho con em ăn học.

Ngoài ra, mỗi người có lòng sẽ tự nguyện hỗ trợ vài trăm nghìn đồng vào quỹ khuyến học của thôn. “Mô hình tuy nhỏ nhưng thật sự hiệu quả. Vào tháng 8 mỗi năm người dân sẽ mổ heo. Mới đây người dân mổ heo khuyến học được hơn 70 triệu đồng” - ông Vinh hồ hởi.

Bà Nguyễn Thị Mười (54 tuổi, thôn Phú Vinh) hằng ngày bán rau ở chợ về bỏ vài nghìn đồng tiền lời vào heo đất. Một năm sau “mổ” heo được vài triệu đồng, bà vui vẻ đóng góp vào quỹ khuyến học của thôn cùng những người dân nghèo chất phác khác. Bà cười nói: “Mình đóng góp chút ít mà con cháu trong thôn, xã có suất học bổng, có thêm động lực để học thế là vui rồi”.

Ông Vinh cho biết số tiền quỹ từ việc nuôi heo đất khuyến học mà người dân đóng góp, hội khuyến học xã sẽ trao hơn 100 suất học bổng gồm: áo quần, sách vở... cho học sinh nghèo.

Cà phê khuyến học

Đó là mô hình mà ông Phạm Văn Bình, nguyên chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước), làm gần ba năm nay để gây quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo.

Ông Bình kể từ năm 2013 ông đã thực hiện ý tưởng làm thùng cà phê khuyến học. Hằng ngày người cựu chiến binh ấy mua cà phê về gói đặt trong thùng để tại trụ sở UBND xã và trường học.

Cứ thế, cán bộ công chức, giáo viên có nhu cầu uống cà phê thì bỏ tiền vào thùng kính, ai có lòng thì bỏ góp thêm chút ít. Mỗi năm mô hình cà phê khuyến học mang lại vài triệu đồng. Ba năm nay ông đã trao hơn 100 suất học bổng cho học sinh ở xã Tiên Cẩm từ mô hình này.

Ông Dương Văn Xuân, chủ tịch Hội khuyến học huyện Tiên Phước, cho biết nhiều mô hình khuyến học ở huyện được người dân hưởng ứng tích cực, hoàn toàn tự nguyện với phương châm “Góp gió thành bão”. Số tiền gây quỹ từ dân tuy không lớn nhưng mang lại ý nghĩa lớn, quý nhất là tấm lòng của dân nghèo được lan rộng.

Theo ông Xuân, trong năm 2016 có gần 2 tỉ đồng từ nguồn quỹ các mô hình khuyến học, vận động các tổ chức, cá nhân. 8.457 suất học bổng với tổng trị giá hơn 1,5 tỉ đồng đã được các hội khuyến học trao cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

“Sắp tới chúng tôi sẽ có thêm các mô hình mới và nhân rộng ra toàn huyện. Làm sao để có nhiều học sinh được tiếp sức từ tấm lòng của những người dân chất phác, bình dị” - ông Xuân bộc bạch.

“Nhờ các tấm lòng bình dị của người dân nghèo ở đây bằng việc làm “góp gió thành bão” mà nhiều học sinh nghèo khó đã được tiếp sức bằng những đồng quỹ khuyến học nhỏ nhoi, tạo động lực cho các em nỗ lực vượt qua nghịch cảnh"

Ông DƯƠNG VĂN XUÂN
(chủ tịch Hội khuyến học huyện Tiên Phước)

 
LÊ TRUNG, LETRUNG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên