11/01/2012 04:35 GMT+7

Những lá thư từ Trường Sa

PHẠM THỊ TRANG (Trường tiểu học Ân Thạnh, Hoài Ân, Bình Định)
PHẠM THỊ TRANG (Trường tiểu học Ân Thạnh, Hoài Ân, Bình Định)

TT - Đã lâu rồi tôi không còn liên lạc với những người bạn ở Trường Sa. Lập gia đình, có con với cuộc sống quay cuồng, tôi phải làm thêm ngoài nghề chính là dạy học để tăng thu nhập nên hầu như không còn thời gian dành cho bản thân. Nhưng tôi vẫn theo dõi về cuộc sống của những người lính đảo ngoài Trường Sa vào những giây phút rảnh hiếm hoi.

Đó là những giờ ra chơi giữa giờ, tôi nhanh chóng lên mạng đọc tin tức để biết rằng những người lính của đất nước vẫn được bình yên. Có thể các anh còn ở đó, có thể các anh đã không còn ở đó nữa nhưng những kỷ niệm đẹp về tình bạn thời đã qua vẫn không phai mờ trong tôi...

Hồi còn học cấp III, khi đọc được những dòng tâm sự của các anh lính đảo muốn tìm bạn để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, tôi đã mạnh dạn viết thư cho vài anh. Thư đi tin lại, lá thư nào cũng kín chữ là chữ vậy mà thấy vẫn muốn đọc thư nữa. Tôi thì kể về chuyện học, bạn bè, gia đình cùng những cảm xúc đầu đời, còn các anh kể về cuộc sống hằng ngày dù bao vất vả nhưng vẫn vui và những chuyện vui đời lính. Lá thư của các anh luôn đề cập nỗi nhớ nhà, bạn bè, thầy cô, hàng xóm.

Tuy nhớ nhà và thiếu thốn đủ bề nhưng các anh vẫn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Những lá thư của các anh đã tiếp sức mạnh cho tôi và tôi nhận ra những nỗi buồn tôi chịu đựng hằng ngày không thấm vào đâu so với các anh.

Các anh như những người anh trai thật sự khuyên nhủ, động viên tôi hãy mạnh mẽ vì sau này tôi sẽ còn đối mặt với nhiều việc phức tạp hơn phía trước, những gì tôi đang trải qua vẫn chưa là gì cả. Và tôi chợt nhận ra các anh thèm được ở bên gia đình, đã lâu rồi không được về thăm nhà, vậy mà tôi không biết trân trọng từng giây phút được ở bên gia đình.

Những ngày lễ, tết các anh đều tặng quà cho tôi, chỉ là những tấm thiệp thôi nhưng tôi rất vui và hồi hộp không biết các anh sẽ viết gì trong đó. Tôi trân trọng những món quà vô giá đó và cất thật kỹ để mỗi khi nhớ các anh, chưa nhận được thư của các anh, tôi lại lấy thiệp ra ngắm và đọc như thể thuộc lòng những dòng chữ trong tấm thiệp.

Cứ thế thư đi thư lại, có người còn xin các anh địa chỉ để làm quen với tôi và tôi lại được có thêm những người bạn mới. Biết rằng các anh luôn thiếu thốn tình cảm, luôn ngóng chờ những lá thư từ đất liền nên dù bận thế nào tôi vẫn tranh thủ viết cho các anh ngay sau khi nhận thư.

Tôi không ngờ tình bạn qua thư lại bền chặt đến thế. Có anh còn nói khi nào có điều kiện sẽ ghé nhà tôi chơi cho biết và muốn gặp mặt tôi ngoài đời thực dù các anh đã biết mặt tôi qua ảnh và tôi cũng được biết mặt các anh qua những tấm hình chụp vội. Tôi cũng mong một ngày được gặp các anh bằng da bằng thịt để thỏa mãn trí tò mò nhưng điều đó cũng quá đỗi xa xôi...

Giờ đây có lẽ các anh đã có mái ấm của riêng mình và có lẽ cũng không còn nhiều thời gian để viết thư như xưa, cả tôi cũng thế. Thư viết tay giờ đây là điều xa xỉ, hiếm hoi trong thời đại kỹ thuật số này. Tuy vậy tôi luôn tin rằng vẫn còn nhiều lắm những lá thư viết tay của người lính đảo với các nữ sinh đất liền và họ đang dệt nên những tình bạn đẹp.

Mời bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa”. Bài viết tham dự không quá 1.000 chữ dưới dạng những lá thư hay những tâm sự chân thực, gửi gắm, chia sẻ giữa Trường Sa với đất liền cũng như giữa đất liền với Trường Sa.

Bài dự thi gửi về email: truongsa@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, xin ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa”.

PHẠM THỊ TRANG (Trường tiểu học Ân Thạnh, Hoài Ân, Bình Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên