22/06/2015 11:38 GMT+7

Những kịch bản Hi Lạp vỡ nợ

CHIÊU VĂN (tổng hợp)
CHIÊU VĂN (tổng hợp)

TTO - Rủi ro Hi Lạp phải tuyên bố không trả được nợ đang ngày càng lớn dần khi Thủ tướng Alexis Tsipras đã tuyên bố Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có “trách nhiệm tội ác” với cuộc khủng hoảng nợ của Hi Lạp hiện giờ.

Vậy đâu là những lựa chọn cho Hi Lạp và các chủ nợ trong cuộc thương lượng giải ngân thêm 7,2 tỉ euro (10,5 tỉ USD) hiện giờ?

 Thủ tướng Đức Angela Merkel đang trao đổi với Thủ tướng Alexis Tsipras tại một sự kiện tháng 3 - Ảnh: Businessinsider

 

Tình trạng cuộc thương lượng

Theo Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, sẽ cần “một phép màu” để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc thương lượng giữa các bên tuần tới.

Đảng dân túy Syriza cho tới giờ đã xoay xở trả được nợ mà không phải tiến hành những cải cách khắc khổ như việc sa thải hàng loạt nhân viên nhà nước.

Nhưng các nhà phân tích tin rằng Chính phủ Hi Lạp không thể trả nổi lương cho nhân viên trong tháng này cũng như một khoản vay 1,5 tỉ euro từ IMF sẽ đáo hạn trong mấy ngày nữa.

Những cuộc thương lượng giữa Hi Lạp và bộ ba chủ nợ: IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện vẫn đang bế tắc.

Những điểm vướng mắc chính

Các chủ nợ muốn Athens tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế khắc khổ giúp họ có thể huy động được khoảng 2 tỉ euro trước khi đồng ý giải ngân khoản cứu trợ mới.

Trung tâm của kế hoạch cải cách là các chính sách giúp ngân sách có thể thặng dư.

Hiện nợ công của Hi Lạp chiếm tới 180% GDP nước này.

Các mục tiêu do IMF đề xuất và cũng gần với các mục tiêu của Athens.

Vấn đề là cách thực thi

Đảng cánh tả Syriza vừa có chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử mới rồi với lời hứa chống lại các biện pháp kinh tế khắc khổ do nước ngoài áp đặt lên Hi Lạp trong hai gói cứu trợ trước kia.

Vì thế, những yêu cầu của các chủ nợ với Athens: giảm lương hưu cho lĩnh vực công, hiện vào loại rộng rãi nhất ở châu Âu, tự do hóa thị trường lao động để các ông chủ dễ đuổi việc người lao động hơn và tăng thuế, bao gồm cả các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, đã bị bác bỏ gần hết.

Thay vào đó, chính quyền Syriza cầm quyền đề xuất các giải pháp như tấn công tình trạng buôn lậu nhiên liệu và tăng phí truyền hình cáp, điều mà các chủ nợ cho là không khả thi.

Các chủ nợ cũng chịu áp lực từ những nước khác đã chấp nhận các chính sách khắc khổ để đổi lấy cứu trợ, như Ireland và Tây Ban Nha, nếu tỏ ra “nhẹ tay” với Hi Lạp.

Những kịch bản tiếp theo

Thứ nhất, một hoặc cả hai phía chấp nhận một thỏa thuận. Kinh tế gia trưởng của IMF Oliver Blanchard tin rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận nếu Hi Lạp đồng ý cải cách thuế và hệ thống lương hưu. Nhưng vấn đề là các bên chỉ còn thời gian đến hạn chót là 30-6.

Thứ hai, Hi Lạp tuyên bố vỡ nợ. Đây sẽ là sự kiện chưa có tiền lệ ở một nước phát triển. Hi Lạp sẽ đứng cạnh những Zambia, Peru và Zimbabwe trong danh sách các nước không trả kịp nợ cho IMF.

Trên lý thuyết, các con nợ có thêm 30 ngày ân hạn, giúp các bên có thêm thời gian thương lượng. Nhưng ngay cả một sự cố “vỡ nợ kỹ thuật” cũng đủ gây ra những chấn động khó lường.

Thêm vào đó, nếu không sớm đạt được một thỏa thuận, các khoản nợ của Hi Lạp sẽ ngày càng chồng chất, với 6,6 tỉ euro tiền nợ sắp phải trả cho ECB vào tháng 7 và 8 tới nữa.

Thứ ba là một giải pháp tạm thời, được coi là phương án khả thi nhất lúc này. “Các chủ nợ sẽ mất rất nhiều tiền nếu Hi Lạp tuyên bố không thể trả nợ, chưa kể rủi ro với thị trường - Hãng tài chính Aberdeen Asset Management phân tích - Sẽ dễ hơn cho tất cả các bên nếu họ nói đã đạt được tiến bộ trong thương lượng, giải ngân một ít, rồi thương lượng tiếp”.

Cả khối đồng euro phải tuyên bố vỡ nợ theo?

Nếu Hi Lạp không thể trả nợ IMF, về mặt kỹ thuật, có thể coi là cả khối đồng euro đã phải tuyên bố vỡ nợ. Nhưng hiện không có quy định nào ở Liên minh châu Âu (EU) nói một nước phải rời khối nếu không thể trả nợ.

Một vấn đề khác phải tính tới là kiểm soát dòng vốn để tránh việc các ngân hàng Hi Lạp sụp đổ dây chuyên nếu như chính phủ tuyên bố vỡ nợ.

Người dân ồ ạt đi rút tiền - Ảnh: afr

Các biện pháp bao gồm hạn chế rút tiền, giao dịch ngoại hối, cầm tiền mặt qua biên giới hay thậm chí là cho các ngân hàng “tạm nghỉ” một thời gian nhằm tránh cảnh rút tiền ồ ạt.

Ngay lúc này, những khoản tiền lớn đã ồ ạt chảy ra khỏi các ngân hàng Hi Lạp và chính quyền Syriza có thể phải sớm áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn ngay cả khi họ chưa tuyên bố không trả được nợ.

CHIÊU VĂN (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên