![]() |
Rất dễ dàng tìm mua đồ cổ thời kỳ Angkor ở nhiều nơi trên đường phố Siem Reap hay tại biên giới Poi Pet |
Đi săn cổ vật
Tôi được giới thiệu sang chợ Rong Kloea, Thái Lan với tư cách là một tay môi giới mua cổ vật cho những tay chơi ở chợ đồ cổ Lê Công Kiều. Người dẫn đường cho biết: “Ở Rong Kloea và trong thị trấn quận Aranyaprathet có đến khoảng 30 gian hàng chuyên bán đồ cổ, giả cổ do người Thái làm chủ, nhưng nổi tiếng nhất lại là ba ông trùm đồ cổ người VN từ Poi Pet sang là Trang, Lợi và Nhã”.
Tôi tìm đến cửa hàng số 4/2 tại chợ Rong Kloea, ông chủ to béo tên Trang nằm chễm chệ trên ghế bố hất hàm hỏi: “VN sang hả, cần gì, ai giới thiệu?”. Tôi nói tên người giới thiệu và có ý muốn xem vài món đồ cổ. Ông chủ to béo nhìn tôi từ đầu xuống chân, lắc đầu: “Bỏ nghề rồi, có gì đâu mà bán, chỉ bán đồ giả cổ thôi”.
Tôi cà rà tâm sự: “Có một mối ở Poi Pet chào tôi bức tượng voi thần Indra bằng đồng có niên đại thế kỷ 16 với giá 800 USD và một mối khác chào một đầu tượng Phật bằng đá thế kỷ 14 giá 1.500 USD...”. Ông trùm bật dậy: “ĐM nó là đứa nào? Kêu nó qua đây, bộ tính qua mặt thằng này hả, ông cứ hỏi hết cái chợ này coi ai là trùm đồ cổ ở đây, không ai qua mặt tui được đâu...”.
Như chưa hả giận, ông trùm móc trong ngực ra một pho tượng Phật lớn bằng cườm tay trẻ con được nạm vàng: “Thời Angkor thế kỷ thứ 9 nè, tui bảo đảm 25.000 USD, chắc giá, cả Thái Lan và Campuchia chỉ có hai tượng thôi nghen, đừng giỡn mặt!”. Chỉ một câu nói khích, ông trùm Trang đã sai đệ tử lôi từ trong tủ ra hàng chục tượng cổ bằng đồng, phù điêu apsara bằng đá và cho biết món nào cũng từ 500 tới vài ngàn USD trở lên, chỉ cần cho biết niên đại là sẽ có giá ngay.
Chưa biết đồ ông trùm Trang mang ra là cổ thiệt hay giả nhưng quả thật đi khắp chợ, hỏi người Việt, Campuchia, Thái Lan, ngay cả cảnh sát Thái Lan cũng đều biết tiếng trùm Trang - chuyên buôn cổ vật và xác nhận tượng Phật cổ trên cổ trùm Trang đúng là có giá 25.000 USD.
Nhiều người còn cho biết hồi năm ngoái một đối thủ người Thái chỉ điểm cho cảnh sát Thái bắt của trùm Trang một chuyến đồ cổ trị giá gần trăm ngàn USD. Trang phải chi hàng chục ngàn USD để lo cho người ra, còn hàng bị tịch thu. Nhưng chuyện đó rất hiếm trên đất Campuchia bởi buôn cổ vật đã được thiết lập thành những đường dây có cả cảnh sát, thậm chí quan chức chính phủ, ngoại giao tham gia.
Cho đến giờ này người dân Poi Pet vẫn còn kháo nhau về sự kiện năm 1999: toàn bộ bức phù điêu bằng sa thạch của đền Banteay O’chhmar - đền đài được xây dựng trước cả Angkor Wat (thế kỷ 9) - đã bị gỡ sạch và vận chuyển bằng xe quân sự tới Poi Pet rồi bị bắt giữ trên đất Thái Lan. Trong vụ này người ta phát hiện có sự tiếp tay đắc lực của một số sĩ quan quân đội và quan chức tham nhũng địa phương.
Ở Siem Reap, đi tới đâu cũng có thể hỏi mua và trả giá đồ cổ. Tại một tiệm đồ cổ của khu phố bán đồ lưu niệm dọc theo sông Siem Reap, tôi có thể đàng hoàng trả giá mua một tượng Phật nhỏ bằng đá quí có niên đại thế kỷ 17, giá 400 USD. Thấy tôi chần chừ, ông chủ lại lôi ra từ trong tủ tượng thần Deva bằng đồng đã bị sứt mẻ với giá 250 USD.
Nhưng khi tôi hỏi chiếc tượng Bayon bốn mặt bằng đá có vẻ cổ hơn đặt trong tủ kính thì ông cười thật thà: “30 USD, đồ giả cổ ấy mà!”. Chủ tiệm còn cẩn thận gửi cho tôi tấm danh thiếp và nói: “Tiệm này bán uy tín, cái nào cổ, giả cổ đều nói thật, có nhu cầu cứ đến đây, niên đại nào, giá nào cũng có...”.
Trong những ngày ở Siem Reap, Poi Pet, Ochhmar... đi tới đâu tôi cũng được gạ mua các pho tượng, phù điêu cổ, thậm chí ở KouLen - “cái nôi của đế chế Angkor” - những chiếc rìu cổ bằng đồng cũng được mời chào cùng với những bộ cao hổ cốt một cách công khai.
Những cuộc săn lùng thần Vishnu
![]() |
Đầu tượng thần tại cổng vào đền Angkor Thom bị đánh cắp. Một đầu tượng như thế này khi bán sang Thái Lan đã có giá 5.000 - 10.000 USD |
Một trùm cổ vật ở Siem Reap đã giải nghệ ra kinh doanh khách sạn, cho biết: “Lợi nhuận kinh khủng, một đầu tượng Bayon đúng niên đại thế kỷ 14 được bán tại Siem Reap 1.000 USD thì sang tới thị trường Mỹ lên đến 18.000, 20.000 USD cũng có người mua...”.
Ông trùm không muốn nêu tên này tiết lộ: “Năm 1998, tôi đã từng bán một tượng thần Vishnu với giá 15.500 USD cho một nhà ngoại giao phương Tây, giá vốn tôi mua của một người dân trên tận Udor Meanchey chỉ 50 USD và hiện nay các pho tượng thần Vishnu cũng đang có giá nhất trên thị trường chợ đen và được săn lùng ráo riết”.
Khi đi vào cổng thành phía đông của đền Angkor Thom, tôi bàng hoàng: dãy tượng thần đã bị cưa mất đầu. Đó là dấu tích của nạn đánh cắp cổ vật. Những tượng Phật, tượng thần, tượng apsara hoặc các mảng phù điêu bị bọn buôn đồ cổ đánh cắp là chuyện thường ngày. Ngay cả các đầu tượng thần, tượng Bayon to lớn, nặng hàng trăm ký cũng “biến mất”, quả là một tai họa cho quần thể Angkor.
Theo một báo cáo của đại diện Tổ chức UNESCO tại Campuchia, “hàng trăm di tích vẫn bị đào bới mỗi ngày. Đa phần cổ vật chưa được định dạng, chụp ảnh nên rất khó quản lý. Cổ vật được săn lùng ráo riết nhất hiện nay là thuộc niên đại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14 - giai đoạn rực rỡ nhất của đế chế Angkor”.
Một quan chức địa phương tại Siem Reap cho biết nhiều cổ vật đánh cắp bị bắt giữ, được trả về cho các đền đài, chùa chiền, nhưng không bao lâu đã lại có mặt ở thị trường chợ đen. Đầu năm 2004, cả Siem Reap bất ngờ khi chính quyền công bố một nông dân vừa đào được pho tượng nặng đến 500kg được xác định hơn ngàn năm tuổi (thế kỷ thứ 9) - đó là cổ vật lớn nhất được phát hiện trong 10 năm trở lại đây.
Nhưng theo ông trùm đồ cổ mà tôi đã gặp ở Siem Reap, pho tượng này đã được đào lên từ năm 2002, các ông trùm đồ cổ mò tới mua, do pho tượng quá nặng nên bọn buôn lậu đã cưa làm ba đoạn, dự định đưa qua biên giới ráp lại, nhưng chuyện bị phát hiện và chính phủ đã cho người lên tịch thu. Nếu không kịp thì pho tượng này có thể đã vượt biên giới Campuchia và trở thành cổ vật vô giá!
Nói theo Tổ chức gìn giữ di sản thế giới Heritage Watch: “Nạn trộm cắp cổ vật ở Campuchia hiện nay tệ hại không kém việc tàn phá Angkor!”.
-------------------
* Kỳ tới: Nước mắt apsara
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận