
Thương binh Thái sửa chữa đồ điện tử trong gia đình, cho khách hàng và hàng xóm, đồng thời dạy nghề cho người khác - Ảnh: AN VI
Thế nhưng ý chí kiên cường của người lính cùng tình yêu đã khiến ông vượt qua mặc cảm, ngồi xe lăn nhưng vẫn tiếp tục sống có ích và cống hiến cho xã hội.
Căn nhà nhỏ trong hẻm đường Lê Đại Hành (quận 11, TP.HCM) chiều nào hàng xóm cũng ghé vui chuyện với chủ nhà. Ông Vũ Hồng Thái, thương binh đặc biệt nặng, ngồi trên xe lăn pha hết ấm trà này đến ấm khác. Dịp này, chuyện trò của các thương binh lại càng vui với kỷ niệm 50 năm thống nhất Tổ quốc và được sự quan tâm, chăm lo của TP.HCM.
Trận chiến khốc liệt ở Tây Nguyên
Xóm giềng ông Thái cũng có nhiều cựu chiến binh. Có người lưng còn đeo nẹp nhưng vỗ ngực bôm bốp: "Tui nè! Tù chán ở Phú Quốc mà có phải ngồi xe như ổng đâu". Cả xóm cười vang. Những người lính từng lăn lộn với bom đạn trở về đùm bọc đầm ấm trong con hẻm.
Bà Võ Lan Hương, vợ ông Thái, từng làm giáo viên trường dạy nghề của TP, đã nghỉ hưu. Tình yêu của bà giúp ông vượt qua mặc cảm, học nghề rồi vào TP.HCM cùng bà lập nghiệp.
Vợ chồng ông bà đều quê Lào Cai. Ngày còn đi học, họ là bạn cùng trường. Ông học trên vợ hai lớp. Xong cấp III ông đi bộ đội. Đến khi bà Hương đang học trung cấp nông nghiệp ở Hà Nam thì nghe tin ông phải điều trị tại trại thương binh nặng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tình yêu của họ tiếp tục nảy nở vượt qua nghịch cảnh.
Ngày ấy, chiến sĩ Vũ Hồng Thái tham gia chiến dịch Tây Nguyên vào tháng 3-1975. Đơn vị ông chỉ bảy người đối đầu một đoàn xe bọc thép và một tiểu đoàn biệt động quân với pháo binh, máy bay yểm trợ.
Trận đó đại đội 3 (tiểu đoàn 63, trung đoàn 95, Bộ Tư lệnh mặt trận B3) được giao nhiệm vụ đánh chặn quốc lộ 19. Đại đội chỉ còn hai trung đội, trung đội ông Thái chỉ còn bảy người, chưa kịp bổ sung.
Ông Thái và đồng đội đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Lúc bị đối phương ném bom napalm, ông còn hai trái lựu đạn. Một trái cho nổ trước cửa hầm, dẹp đám phốt pho đang cháy để có oxy. Trái lựu đạn cuối cùng để tử thủ.
Nhiệm vụ cuối cùng ông thực hiện là cuốn dây đồng máy thông tin vào một đoạn le, liên lạc để pháo binh yểm trợ. Tọa độ mục tiêu là một cây le trơ trọi cách cửa hầm ông chưa đầy chục mét. Pháo giội xuống đội hình đối phương cũng là trận địa đại đội 3. Ông Thái lịm đi, nửa đêm đồng đội bới ông ra từ trong đám đất đỏ lẫn mảnh bom pháo.

Bên cạnh ông là người vợ yêu thương, động viên ông vượt qua khó khăn
Tình yêu của cô giáo và anh thương binh nặng
Những ngày điều trị ở trại thương binh, người lính kiên cường từng vượt dãy Trường Sơn phải đối mặt với những cơn đau hành hạ. Thế rồi cuộc đời ông sang trang mới từ ngày cô bạn Võ Lan Hương đến thăm. "Hồi đi học cũng chỉ biết nhau thôi. Đi bộ đội, nằm trong rừng cũng nhớ nhưng không dám viết thư, cũng chẳng biết có ngày gặp lại…", ông Thái tâm sự.
Cô sinh viên trường nông nghiệp ngày ấy nước mắt ướt đẫm chiếc khăn mùi xoa khi gặp lại người anh cùng trường ngày nào. Thế rồi cô đã gieo trong sâu thẳm trái tim người thương binh đặc biệt nặng ấy hạt giống hy vọng. Hạt giống ấy cứ lớn dần, mãnh liệt, can trường như chất lính.
Cô ra trường đi dạy học ở TP.HCM. Anh thương binh Thái vẫn điều trị ở Bắc Giang. Họ viết thư động viên nhau vượt qua bế tắc cuộc đời. Cô thương anh vì những ngày tháng đẹp đẽ nhất của anh đã cống hiến cho Tổ quốc. Đất nước hòa bình, nhiều gia đình vui vẻ sum vầy còn ông oằn oại với những cơn đau trong trại thương binh.
Thế rồi cô giáo Hương xin phép cơ quan, tranh thủ những ngày nghỉ phép ít ỏi ra Bắc làm đám cưới ngay trong trại thương binh. Đoàn thanh niên đứng ra tổ chức. Đám cưới có bánh quy, kẹo Hải Hà và vài chai nước khoáng có ga. Tấm phông bằng vải xanh trong hội trường dán chữ song hỷ và đôi bồ câu cắp hình trái tim cách điệu bằng giấy. Đám cưới đầm ấm chỉ vỏn vẹn 20 suất cơm có ít thịt, "tươm tươm" hơn mọi ngày. Có những bài hát trên xe lăn, những tiếng vỗ tay chỉ kêu lụp phụp vì bàn tay chẳng còn.
Sau đám cưới ít hôm, cô Hương trở về TP.HCM, anh Thái đăng ký học nghề. Lớp học đầu tiên của những thương binh nặng là chụp ảnh. Lúc thực hành rửa ảnh trong phòng tối, xe lăn bị ngả, đổ cả nước tráng phim. Thất bại, anh thương binh lại đi học may.
Anh thương binh cần cù may đường chỉ thẳng tắp nhưng ngồi nhiều mông bị hoại tử, lại mất thêm cả tháng trời điều trị. Rồi người lính thông tin năm xưa lại quyết định học sửa chữa điện tử. Lần này anh thành công. Có nghề, anh xin vào TP.HCM để gần vợ con.
Lần thứ nhất anh vào Nam trên chiếc xe tải chở quân, người dân bên đường vẫy theo tràn khí thế và hy vọng. Lần thứ hai anh vào cùng khát khao sống và tình yêu nồng cháy với người vợ tần tảo đang mong chờ.

Sau khi trở về từ chiến trường, ông Thái là thương binh nặng với nhiều vết thương trên cơ thể
Tổ ấm trong thành phố mới
Vợ chồng người thương binh được cơ quan sắp xếp căn tập thể riêng để ổn định cuộc sống. Bà Hương đi dạy, ông ở nhà vừa học thêm nghề sửa điện vừa phụ giúp vợ những việc lặt vặt trong nhà.
Hội Cựu chiến binh quận 11 ưu tiên cho ông "thầu" một ki ốt ngay mặt đường Lê Đại Hành. Ông Thái mở tiệm sửa đồ điện, nhận việc rồi chia lại cho các thương binh khác cùng làm. Tiệm sửa đồ điện của các cựu chiến binh hoạt động như một hợp tác xã thu nhỏ. Những người lính kiên cường năm nào dù phải mang nhiều bệnh tật của thương binh vẫn vươn lên sống có ích với đời.
Người thương binh còn khéo tay đóng những vật dụng trong nhà. Đến giờ trong nhà ông từ bộ tủ đến bàn ghế có những món đồ được làm từ những tấm gỗ bìa từ hơn 30 năm trước.
Những ngày đất nước rộn rã trong nhịp quân hành kỷ niệm 50 năm thống nhất, xóm giềng toàn thương binh lại đến nhà ông Thái ôn chuyện hào hùng. Ki ốt sửa đồ điện đã trả lại cho TP để làm dự án mở rộng đường phố, ông Thái mang đồ nghề về nhà sửa điện cho bà con xóm giềng. Ai có đồ điện hư mang đến ông sửa không lấy công.
Con cái của họ đã thành đạt, có công việc ổn định. Vợ chồng người thương binh đặc biệt nặng sống đầm ấm vì những năm tháng khó khăn nhất đã lùi xa. Mảnh pháo trong mình ông Thái vẫn thỉnh thoảng "giở trò", chẳng để ông yên. Nhưng cứ mỗi lần như vậy họ lại nhớ đến trại thương binh xưa. Ở đó vẫn còn những đồng đội nặng hơn.
"Có dịp các con đến thăm trại thương binh nghen! Ở đó còn nhiều người lắm! Thương gì đâu!", cô Hương dặn dò lúc tiễn chúng tôi ra cửa.
Những mái ấm nghĩa tình
Sở Nội vụ TP.HCM thống kê cuối tháng 3 năm nay TP đã hoàn thành hỗ trợ cải thiện 342 căn nhà cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Trong đó có 9 nhà xây mới, 333 căn nhà khác được sửa chữa, kinh phí hỗ trợ hơn 18 tỉ đồng. Lãnh đạo TP chỉ đạo còn 4 căn nhà của gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ sẽ hoàn thành sửa chữa trước ngày 30-4 này.
Chính quyền TP quan tâm, hỗ trợ
Căn nhà của vợ chồng ông Thái nhiều lần được đồng đội, chính quyền TP.HCM quan tâm hỗ trợ tu sửa. Từ một căn nhà cũ hay bị ngập, mái ấm gia đình ông giờ đã là một căn nhà lầu chắc chắn, cao ráo. Nơi này vừa là tổ ấm vừa là nơi ông Thái sửa đồ điện giúp đỡ bà con, cũng là nơi các cựu chiến binh năm xưa lui tới uống trà, trò chuyện một thời kiên cường chiến đấu vì Tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận