01/06/2016 06:22 GMT+7

Những “góc khuất” đáng buồn...

MAI THI
MAI THI

TTO - Từ diễn đàn này, một nhịp cầu để tiếng nói của người dân chúng tôi đến với tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã được xây nên. Niềm hi vọng đã được nhen nhóm, chúng tôi háo hức chờ đón những đổi thay thật mạnh mẽ từ Bộ GD-ĐT.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM trong một giờ học CLB âm nhạc - Ảnh: Mỹ Dung
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM trong một giờ học CLB âm nhạc - Ảnh: Mỹ Dung
Thay vì chú trọng đào tạo con người giỏi về trí tuệ, hãy quan tâm nhiều hơn đến đào tạo con người giàu có về tâm hồn, nhân cách, lòng yêu thương, sự sẻ chia

Kính thưa bộ trưởng, chúng ta vẫn luôn khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Mọi sự đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai. Mọi cải cách, đổi mới trong giáo dục phải thật thận trọng, bởi “sai một li” có thể “đi chệch đến hàng dặm” sau này.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là giáo dục nước ta vẫn đang tồn tại những “góc khuất” đáng buồn. Và tôi xin góp thêm một tiếng nói cho những người đang đặt nhiều hi vọng vào sự đổi thay của giáo dục Việt Nam.

Vấn nạn “chạy” công chức, viên chức vẫn đang là một “cơn sóng ngầm” âm ỉ mà dữ dội, gây bao bức xúc trong xã hội. Câu cửa miệng giới trẻ vẫn truyền nhau là “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ...”. Đọc mà cười, ngẫm mà đau, bộ trưởng ạ!

Tôi không dám “vơ đũa cả nắm”, nhưng thật sự vẫn tồn tại những kiểu xin việc, chuyển trường dựa vào quan hệ và tiền bạc. Đèn sách 12 năm cùng với những năm đại học miệt mài, phấn đấu cầm tấm bằng đỏ trên tay mà vẫn không thể đứng trên bục giảng là một thực tế. Học hành chểnh mảng nhưng quen biết rộng, thế mạnh, tiền nhiều nên nhởn nhơ trúng tuyển, lên chức vù vù cũng là một thực tế trong ngành giáo dục...

Để tạo lòng tin trong dư luận, tránh hiện tượng chảy máu chất xám, xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giáo dục có năng lực, tôi thiết nghĩ ngành giáo dục cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng nói trên. Xây dựng một cơ chế tuyển dụng minh bạch, và tổ chức một đội ngũ thanh tra giám sát công tác tuyển dụng của các địa phương là việc nên làm.

Cải cách giáo dục phải tính đến cải cách con người. Thay vì chú trọng đào tạo con người giỏi về trí tuệ, hãy quan tâm nhiều hơn đến đào tạo con người giàu có về tâm hồn, nhân cách, lòng yêu thương, sự sẻ chia.

Không thể phủ nhận một thực tế đau buồn hiện nay là hiện tượng xuống cấp đạo đức trong một bộ phận giới trẻ. Việc học sinh ra tay đánh bạn không còn là điều xa lạ, mới mẻ gì, những video, clip bạo lực học đường liên tục xuất hiện.

Sự nhẫn tâm khi các cháu xuống tay với bạn mình đã làm chúng ta phải rùng mình. Sự vô cảm của tình bạn làm chúng ta ớn lạnh, bởi trong các vụ việc đánh nhau ấy, có rất nhiều học sinh thản nhiên đứng xem, cười cợt, thậm chí là cổ vũ thay vì can thiệp, dàn hòa.

Clip bắt bạn quỳ gối, bốc cát ăn ở TP.HCM chưa kịp lắng xuống thì clip nữ sinh tát bạn 52 cái đến bật máu ở Sơn La lại nổi lên, gióng một hồi chuông báo động mạnh mẽ về đạo đức, nhân cách và sự manh động của học sinh. Phải chăng đó chỉ mới là một phần nhỏ nạn bạo lực học đường bị đưa ra ánh sáng, bởi một số học sinh quay clip, tung lên mạng?

Kỹ năng sống của học sinh bị thiếu hụt là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường, “tình yêu” tuổi học trò với nhiều hệ lụy... và thậm chí là căn nguyên của tình trạng đuối nước thương tâm liên tục như vừa qua.

Việc giáo dục kỹ năng sống cần thiết cho học sinh nên thực hiện trong nhà trường, thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép và tích hợp qua các bài học, qua việc xử lý các tình huống thiết thực và sự tư vấn, tham vấn trực tiếp của thầy cô, nhà tâm lý.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện, chúng ta vẫn nhận ra khá nhiều sự bất cập từ nhiều phía.

Chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn nặng về tính hàn lâm, lý thuyết. Nội dung các bài học khá dài, chiếm phần lớn thời gian lên lớp của giáo viên. Việc dạy đủ lượng kiến thức, đảm bảo cho học sinh hiểu bài, làm bài được vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của giáo viên.

Chính vì vậy, giáo viên lên lớp ít khi có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, để phát hiện kịp thời những biến chuyển tâm lý, tính cách tiêu cực và định hướng những giá trị tích cực cho học sinh.

Chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp chưa thật sự thu hút học sinh tham gia. Những buổi ngoại khóa về tình yêu, giới tính hay các cuộc gặp gỡ với chuyên gia tư vấn để thảo luận về bạo lực, mâu thuẫn, cách ứng phó... thật sự rất hiếm hoi trong hầu hết các nhà trường.

Quan điểm giáo dục kỹ năng sống bằng sự trải nghiệm hầu như chưa được chú trọng đúng mức. Các buổi tọa đàm, tư vấn giáo dục chưa được tổ chức rộng và sâu. Các hoạt động tham quan, dã ngoại, thăm di tích lịch sử, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thăm nom bà mẹ Việt Nam anh hùng... gặp phải nhiều khó khăn về sự an toàn, kinh phí.

Thiết nghĩ tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì ai cũng nhận thức được, tuy vậy việc tổ chức thực hiện chúng một cách triệt để, thiết thực, hiệu quả từ chính trong nhà trường thì không phải trường nào cũng làm được. Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường sẽ đóng vai trò không nhỏ trong sự tiến bộ của các em.

Bỏ ngỏ việc định hướng cho học sinh tiếp xúc với thế giới ảo

Vị thế của các môn học giáo dục công dân, đạo đức cần được nâng cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đừng để mọi việc xảy ra rồi mới tính đến các phương án giải quyết. Cần phải ngăn chặn mầm mống bạo lực từ gốc rễ.

Mặt trái của mạng xã hội với những giá trị ảo, lối sống đua đòi với vô vàn xích mích, mâu thuẫn được dung dưỡng đã được báo động nhiều. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn đang bỏ ngỏ sự định hướng cần thiết cho học sinh khi tiếp xúc với thế giới ảo.

MAI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên