Kỳ 1: “Bức tường đá”
Phóng to |
Nhà báo Võ Thanh Mai được điều trị tại bệnh viện sau khi bị hành hung - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Mua quan tài đi”
“Trước khi ra đòn thật, chúng đã ngày đêm liên tục bắn tin đe dọa tôi: Ông đi mua hòm, mua đất để tự chôn mình đi”. Vụ việc trôi qua hơn một năm nhưng nhà báo Võ Thanh Mai - thường trú của báo Nông Nghiệp Việt Nam tại Nghệ An - vẫn không thể quên. Anh kể chập choạng tối 30-5-2011, trong lúc dừng xe đổ xăng ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong thì bị hai kẻ cầm dao tấn công tới tấp. Chỉ khi người dân hô hoán chúng mới bỏ chạy, để lại nạn nhân với những vết thương đẫm máu ở tay trái và vai.
Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, anh Mai bị sốc choáng rất nặng. Bác sĩ phải may 21 mũi ở các vết thương. Suốt nhiều tháng sau, tay trái anh vẫn còn yếu, chưa thể hồi phục hoàn toàn.
Kể lại sự cố này, nhà báo Mai tâm sự đời nghề của mình thường viết về nhiều chuyện tiêu cực. Sau nhiều bài điều tra ở địa bàn hay xảy ra vụ việc nóng, đặc biệt là ma túy, anh đã bị hăm dọa “xin tiết, chặt tay chân, cho nổ nhà...”. Bản thân anh cũng ý thức điều đó nên khi ra đường đều nhìn trước ngó sau, đề phòng tình huống có thể dẫn đến nguy hiểm, nhưng vẫn không thể tránh được đòn thù hung hãn.
Sự việc càng nghiêm trọng khi các hung thủ bị bắt và đưa ra xét xử, nhà báo Mai vẫn tiếp tục bị dọa giết. Một số kẻ liều lĩnh đến mức lăng nhục, hăm dọa anh và người nhà ngay tại phiên tòa có cảnh sát bảo vệ. Chúng hằm hè đe dọa: “Về mua hòm trước đi”, “Đã mua đất để chôn chưa?”, “Sau này mạng đổi mạng cũng được”...
Sau khi tòa tuyên án 114 tháng tù cho bốn bị cáo, mà án nặng nhất là 33 tháng tù giam cho Trần Anh Tú trực tiếp cầm dao chém, nhà báo Mai vẫn tiếp tục bị dọa giết. Nhưng điều làm anh và đồng nghiệp buồn nhất là vụ án vẫn chưa đến cùng sự thật!
Các hung thủ khai mình chỉ “chém thuê” cho tay anh chị có tên là Lê Văn Linh, hay còn gọi Linh “cọt” đã bỏ trốn. Nhưng rà soát lại các bài điều tra “đụng chạm” của mình, anh Mai không thấy liên quan ai tên Linh. Như vậy, khả năng tên này cũng chỉ là người tổ chức đâm thuê chém mướn cho ai đó giấu mặt trong bóng tối mà thôi.
Phóng to |
Phóng viên Hoàng Lộc (trái) ”hóa thân” thành thợ sửa xe máy để điều tra về nạn đinh tặc trên quốc lộ 1A - Ảnh: Anh Thoa |
Không lùi bước
Những năm gần đây nhiều tuyến đường lớn kết nối TP.HCM với các địa phương nóng bỏng nạn rải đinh gây nguy hiểm cho người đi đường.
Phóng viên Hoàng Lộc, báo Tuổi Trẻ, và đồng nghiệp đã “hóa thân” để điều tra một tệ nạn tưởng chừng không thể nào dẹp nổi này. Suốt nhiều tháng liền trong năm 2011, Hoàng Lộc vào vai người vá xe dạo, kể cả buôn bán vỏ ruột xe để tìm cách tiếp cận những kẻ rải đinh, gieo rắc tử thần trên đường. Anh đối diện với nhiều tình huống vất vả, bất trắc, nhưng nguy hiểm nhất chính là từ “đồng nghiệp”, tức những kẻ rải đinh và sửa xe trên đường.
Không chỉ bị “ma cũ đánh ma mới” để loại đối tượng nơi khác đến cạnh tranh, anh đối diện với tình huống cực kỳ nguy hiểm nếu bị phát hiện là phóng viên điều tra các hành vi tội ác này.
Trưa 13-2-2011, Hoàng Lộc rà rà trước cổng chợ đầu mối Tam Bình bên quốc lộ 1 với chiếc xe máy cà tàng lỉnh kỉnh dụng cụ vá dạo. Anh vừa bày đồ nghề, chưa kịp dựng biển “vá xe” thì một chủ tiệm vá xe gần đó phóng thẳng xe máy vào anh. Gã đàn ông bặm trợn hét lên: “Biến nhanh. Mày có biết đây là địa bàn của ai không?”.
Cú lao xe quá mạnh khiến xe máy của Hoàng Lộc đổ ập lên người anh. Nén đau, anh gượng dậy, bình tĩnh nói: “Ông anh cho thằng em làm để kiếm chén cơm”. Trong lúc gã sấn sổ lao tới túm cổ áo Hoàng Lộc, lại xuất hiện thêm một thanh niên khác với thanh sắt dài lăm lăm trên tay xông đến quất tới tấp vào người, vào đầu Hoàng Lộc, làm vỡ nát cả mũ bảo hiểm. Vừa đánh hắn vừa hét: “Cút, cút ngay, tao mà thấy mày lần nữa thì đập vỡ mặt cho chết tươi”.
Bị hành hung nhưng phóng viên Hoàng Lộc và đồng nghiệp tiếp tục thực hiện điều tra và không để lộ “tung tích phóng viên”. Họ vượt qua được thách thức nguy hiểm để đi đến cùng sự thật.
Nhà báo Hoàng Dưỡng, nguyên trưởng Đài truyền thanh - truyền hình huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, cộng tác viên báo Tuổi Trẻ, cũng từng bị hành hung nghiêm trọng. Sau nhiều bài điều tra của anh về tình trạng phá rừng, buôn lậu gỗ
tại huyện Buôn Đôn, lâm tặc liên tục bắn tin sẽ sử dụng con dao hoặc gói bạc đối với nhà báo. Kiên quyết không chấp nhận thương lượng đen tối dưới gầm bàn, Hoàng Dưỡng tiếp tục phanh phui các vụ phá rừng trên cả đài địa phương, truyền hình quốc gia và báo Tuổi Trẻ. Một buổi sáng trên đường đi công tác, anh bất ngờ bị các kẻ đâm thuê chém mướn dùng gạch đá tấn công trọng thương ngay tại TP Buôn Ma Thuột... Sau đó, nhóm hành hung bị công an bắt giữ, đưa ra tòa xét xử, nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng sự việc.
Kẻ trực tiếp ra tay chịu án tù, nhưng người chủ mưu thuê hành hung lại chỉ bị án treo mặc dù chính Viện KSND tối cao cũng kháng nghị phải tăng hình phạt cho kẻ cầm đầu.
Nhắc kỷ niệm không quên của đời cầm bút, nhà báo Hoàng Dưỡng ưu tư: “Ngay sau khi bị hành hung, tôi lại ngậm ngùi chịu thêm nỗi buồn khác khi nhận quyết định chuyển khỏi công việc làm báo ở địa phương, mặc dù nguyện vọng của tôi là được tiếp tục cầm bút để bảo vệ những cánh rừng mà tôi xem như là một phần máu thịt mình!”.
Anh tâm sự ngay lúc đang cầm bút chống tiêu cực cũng đoán trước hậu quả này, khi bài viết được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ nhưng cũng làm “mất lòng” không ít người. Đó là những vị không muốn anh công khai thực trạng rừng bị tàn phá trên mặt báo.
------------------------------------------------
Lịch sử báo chí VN rồi đây sẽ viết lại vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng như là sự dấn thân đến cùng của báo chí để bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội, nhưng ít ai biết phóng viên đã phải tác nghiệp thế nào.
Kỳ tới: Chuyện chưa kể ở Tiên Lãng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận