Một cánh rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 81 trên núi Cô Sáu (thị trấn An Thới) bị đốt trụi - Ảnh: K.NAM |
>> Kỳ 1: Rừng trống như sân banh
Những ngày thực địa tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang), phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện việc phá rừng chiếm đất ở Phú Quốc phổ biến đến mức có cả đội ngũ chuyên làm “dịch vụ” phát thuê. Những người này kiêm luôn việc trồng cây “tạo nguồn gốc” cho những chủ thuê.
“Thay máu” rừng xanh
“Mấy ngày nay tôi phải túc trực 24/24 giờ giữ cây, sợ người ta đến chặt, nhổ. Nếu có nghị quyết, cương quyết giữ rừng phòng hộ, trái tim của An Thới, giữ mạch nước ngọt... thì không ai phá. Còn kiểm lâm cứ làm lơ thì... ai mà không phá”.
Câu nói này khiến nhiều người lầm tưởng của người giữ rừng, nhưng đó là của một người phá rừng chiếm đất ở An Thới khi bao biện hành vi của mình.
Qua một khu rừng rộng đã bị phát hoang tàn thuộc thị trấn An Thới, chúng tôi bắt gặp một căn chòi được che tạm ở giữa khu đất xung quanh là xoài, mít, đào...
Ông B.V.N. (nhà ở khu phố 5, thị trấn An Thới) - người có mặt trong chòi - cho biết ông “có” 4.000m2 đất ở đây và đã trồng cây ăn trái được năm năm.
Mấy hôm trước, khi lực lượng liên ngành đến chặt và nhổ cây, gia đình ông đã ra ngăn cản. Lập luận của ông N. là “vì sao không ngăn (chiếm đất rừng) từ đầu mà đợi đến khi trồng cây nhiều năm rồi mới ngăn?”.
Cách khu vực đất rừng bị ông N. chiếm không xa, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi hình cảnh một cán bộ kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc trong vòng vây hàng chục người đang hung hăng chửi bới, đe dọa “đổi mạng” khi anh này chỉ huy xe cuốc dọn đường ranh rừng phòng hộ.
Dù có cột mốc rừng hẳn hoi, nhưng những người này vẫn không cho xe thi công đi qua vì cho rằng đất rừng đó là... của họ.
Anh Lê Minh Tươi, cán bộ kể trên, cho biết khi chỉ huy thi công đường ranh rừng qua khu vực này, không ít lần anh bị dọa cho băng nhóm “xử đẹp” vì xe ủi đi qua khu vực đất rừng bị bao chiếm.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trên hiện trường thi công không hề thấy bóng dáng cán bộ kiểm lâm hay lực lượng hỗ trợ. Do tình hình căng thẳng, việc thi công phải dừng lại.
Hiện trường phần lớn vụ phá rừng tại Phú Quốc, xen kẽ những cây rừng bị đốn hạ là những cây ăn trái hoặc cây lấy gỗ khác được trồng mới.
Có nhiều “quy trình” thay máu rừng xanh mà dân phá rừng chiếm đất ở Phú Quốc áp dụng. Nếu rừng ở vị trí dễ phát hiện, cánh phá rừng ban đầu tỉa thưa rừng, trồng xen kẽ các loại cây khác để đánh tráo.
Khi cây bắt đầu lớn lên, cây rừng bị triệt hạ dần. Bằng cách này, nhìn bên ngoài màu xanh của rừng vẫn còn. Nhưng trên thực tế rừng đã bị đánh tráo.
Nếu rừng ở vị trí sâu hơn, những người dân không ngại đốn sạch, phát sạch rồi trồng các loại cây như xoài, mít, đào, dừa, tràm bông vàng, keo tai tượng... Thậm chí những khu rừng rậm rạp sau khi được phát dọn trống trải sẽ bị đốt trụi rồi sạ hạt tràm bông vàng hoặc trồng cây ăn trái.
Các loại cây rừng có giá trị khai thác gỗ như dầu, trâm... nếu đưa ra ngoài được thì đưa, còn không thì lâm tặc sẵn sàng xẻ gỗ ngay trong rừng rồi đưa về các cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng.
Nhiều người kéo đến ngăn cản việc dọn đường ranh rừng vì cho rằng đất rừng là của họ - Ảnh: Tiến Trình |
“Dịch vụ” phá rừng
Được sự giới thiệu của anh H., một “cò” đất có uy tín ở An Thới, chúng tôi được một người tên P. (ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ) sốt sắng cho biết: “Em còn 13m2 đất bên ngoài rừng, giá 35 triệu đồng/m2. Còn phía sau đất rừng 20 triệu đồng/công (1.000m2), bao phát dọn...”.
P. là một trong những “cò” bán đất “chỉ” (đất rừng phát dọn sau đó bán không giấy tờ hợp pháp) kiêm đầu mối nhận “dịch vụ” phá rừng ở khu vực phía nam đảo Phú Quốc.
Cách làm ăn của những người này là tìm những miếng đất nằm trong phạm vi được điều chỉnh đã nằm ngoài khu vực rừng rao bán giá cao. Ngoài phạm vi đất này đến đất rừng, “cò” bao luôn phát dọn với giá 20 - 30 triệu đồng/công.
Khi tình trạng phá rừng chiếm đất nóng lên ở khu vực này, tại Cầu Tràm, Cầu Sấu cũng hình thành những xóm chuyên nhận phát dọn rừng thuê với mức tiền công 1,2 - 1,5 triệu đồng/công đất rừng, mỗi xóm phát rừng được sự điều hành của một “cò”.
Nổi tiếng ở khu vực Cầu Tràm (ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ) là P., còn ở khu vực Cầu Sấu (An Thới) là người tên B.. Từng nhóm phá rừng được tổ chức khoảng ba người, trong đó phải cử ít nhất một người làm nhiệm vụ cảnh giới.
Không chỉ tổ chức phá rừng, các “cò” đất thường kiêm luôn dịch vụ trồng cây, cung cấp cây tràm bông vàng và các loại cây ăn trái, kể cả các loại cây có tuổi thọ lâu năm cho khách có nhu cầu.
“Xảy ra phá rừng trên đảo Phú Quốc cũng do những người trong đất liền ra hết. Họ ra đây đòi mua đất rẻ, mà đất rẻ ở đâu có? Trong khi đất bồi hoàn hợp pháp cả tỉ đồng một công, người nghèo làm gì đụng tới được.
Người giàu có tiền thì mua đất rừng, trồng cây để đó. Đợi đến 10 - 20 năm sau có thành quả lao động, được chuyển đổi, dời mốc rừng... thì đất vài tỉ đồng một công cũng không chừng” - một “cò” đất tên H. ở An Thới lập luận về tình trạng phá rừng bán đất “chỉ” ở Phú Quốc.
Để có đất phục vụ phát triển, năm 2010 đã có gần 15.000ha đất rừng được điều chỉnh quy hoạch sang đất sử dụng phát triển kinh tế. Một số người bao chiếm đất rừng trước đó được hưởng lợi khi điều chỉnh cột mốc rừng.
“Không phải dân có tiền mới đến đây mua đất rừng chờ điều chỉnh quy hoạch. Mà dân cố cựu ở Phú Quốc sau khi nhường đất cho dự án không còn đất nữa, có người đã vào phá rừng chiếm đất cất nhà sinh sống...” - một cán bộ công tác tại huyện Phú Quốc cho biết.
* Ông Mai Anh Nhịn (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang):
Chỉ đạo công an vào cuộc Chuyện đền bù thành quả trên đất như tâm lý người dân hiện tại, tôi nói ngay luôn là không hề có. Đất rừng Nhà nước quản lý, anh tự ý vào bao chiếm, trồng cây rồi đòi đền bù là không chấp nhận được. Cái này UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương rõ ràng rằng tất cả loại cây trồng từ năm 2004 trở về sau sẽ không đền bù. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc. Trước mắt lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị bảo vệ rừng để xử lý nhanh, xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Song song đó sẽ tổ chức điều tra các đối tượng cầm đầu, chủ mưu thuê người đi phá rừng. Tôi nghĩ không khó để tìm ra người nào thật sự đứng sau các vụ phá rừng. Lâu nay dư luận râm ran chuyện trưởng ấp, thậm chí cán bộ kiểm lâm, cán bộ rừng phòng hộ tiếp tay việc phá rừng. Cái này cũng cần phải thanh tra, kiểm tra làm rõ, nếu phát hiện thì xử lý nghiêm theo quy định. |
* Ông Trương Thanh Hào (chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang):
Chưa kiểm đếm nổi diện tích rừng bị chiếm Nhiều khu vực rừng phòng hộ có vị trí rất đẹp, nhìn thẳng ra biển, nằm ven bờ biển cực kỳ hấp dẫn. Những chỗ này đều bị dân lấn chiếm với tâm lý chờ nhà đầu tư triển khai dự án sẽ được đền bù. Ngay tại thời điểm này, hôm đoàn liên ngành truy quét thu giữ 12 cây rựa và bình phun thuốc khai hoang trên núi Ra Đa ở thị trấn An Thới, cách đó chưa đầy 500m người dân vẫn ngang nhiên trồng cây ăn trái trên đất rừng. Tình trạng phá rừng đã đáng lo ngại, nhưng tình trạng tái chiếm mới thật sự đáng báo động. Hiện vẫn chưa thể kiểm đếm nổi diện tích tái chiếm là bao nhiêu. Chỉ có thể nói thực trạng lực lượng truy quét vừa trồng rừng tái sinh thì dân lại trở vào rừng phun thuốc khai hoang rồi trồng cây để cố tình tạo thành quả lao động. * Ông Dương Minh Tâm (giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc):
Vài tháng mới cử cán bộ kiểm tra một lần Cả Ban quản lý rừng phòng hộ hiện tại chỉ có 13 người, trừ kế toán, thủ quỹ và ban giám đốc ra, chỉ còn chín người làm chuyên môn bảo vệ rừng. Tuy diện tích rừng chỉ có 6.666ha, nhưng lại trải dài từ giữa đến mũi nam đảo Phú Quốc, chưa kể 14 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Nam An Thới. Hiện tại, Ban quản lý rừng phòng hộ chịu trách nhiệm bảo vệ tám tiểu khu với tổng cộng 40 ngọn núi, trong đó đảo chính của Phú Quốc có 26 ngọn núi và 14 ngọn núi ở các đảo thuộc quần đảo Nam An Thới. Với lực lượng như vậy, nói thật là rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Có khi phải một vài tháng chúng tôi mới cử cán bộ ra kiểm tra khu vực quần đảo Nam An Thới được một lần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận