Phóng to |
Lê Cát Trọng Lý biểu diễn trong đêm Vui tối 12-9 - Ảnh: T.T.D. |
Điều lạ đầu tiên là giữa thời buổi mà người ta rủ nhau đi xem ca nhạc nhiều hơn là đi nghe ca nhạc, thì Vui của Lê Cát Trọng Lý rõ ràng... chẳng có gì để xem. Ở Vui, chẳng thấy ai dát kim tuyến đầy người hay gắn lông chim lên áo, cũng không ai khoe ngực khoe đùi, không có đội quân múa minh họa nào bưng bê, leo trèo hay đập vỡ kính...
Trên một sân khấu tối giản với thứ trang trí duy nhất là những ngọn nến, cô ca sĩ người Đà Nẵng trông bé xíu và lọt thỏm giữa các loại nhạc cụ, lọt thỏm cả trong... chiếc áo sơmi trắng rộng thùng thình của mình. Những người bạn âm nhạc của cô: tay trống Bĩnh Khôi, piano Quốc Việt, guitar bass Tiến Chỉnh, violin Cát Du cũng dần bước ra sân khấu trong những trang phục bình thường nhất. Tất cả chỉ còn lại âm nhạc, thứ duy nhất được nghe và xem lúc đó.
Vui không có MC và Lý đảm nhiệm luôn việc dẫn dắt câu chuyện trước và sau mỗi bài hát. Điều này gây chút lo lắng cho những ai đã từng biết Lý, bởi thật sự cô không hề có khả năng ăn nói lưu loát, đôi khi còn rất vụng về, nếu diễn thì càng vụng. Nhưng trong không gian âm nhạc đặc quánh của riêng mình, Lý đã nói về những kỷ niệm, những câu chuyện, những nghĩ suy, những tâm sự... nhẹ nhàng và hồn nhiên rất lạ.
Cô kể bài Cười Adam mình sáng tác năm 19 tuổi, bài Ghen năm 21, bài Độc đạo sáng tác trên xích lô bằng điện thoại di động, bài Bình minh khi hát mang lại cảm giác của ngày mới dù không có chữ “bình minh” nào, rồi có bài chưa kịp đặt tên nên tạm gọi là... Kiếp đỏ đen 2! Một mình Lý cứ thế đàn, hát và kể suốt buổi tối du ca của mình. Khán giả thì cười cùng những câu chuyện có đôi phần ngờ nghệch của Lý, rồi lắng lại nghe Lý hát, rồi giật mình vỗ tay khi Lý bảo: “Hết rồi!”.
Thêm một điều lạ mà có lẽ cũng chỉ có ở Lý là việc cô liên tục... nhận lỗi trong suốt đêm diễn. “Bối rối” là từ Lý dùng để nói về cảm giác của mình khi đứng ở sân khấu trong mơ của Nhạc viện TP, khi lần đầu tiên biểu diễn cùng một ban nhạc với đầy đủ các loại nhạc cụ, khi nhận được những tràng pháo tay nhiệt thành từ khán giả.
Thỉnh thoảng vì bối rối mà hát sai nốt hay quên lời (mà khán giả bình thường khó nhận ra), Lý lại thật thà “khai báo”. Hay như trước khi hát bài Độc đạo, Lý tự nhận trong lời nhạc mình viết có từ “con đường độc đạo” bị trùng lắp nhưng không biết làm sao. Giữa chừng, Lý ngừng lại hỏi: “Em cứ hát hoài vậy mọi người có... buồn ngủ không?”, rồi lại tự đáp: “Nhưng nếu không hát thì em cũng chẳng biết làm gì!”.
Bởi vậy, khi Vui kết thúc, nhiều khán giả đã đứng lên và dành những tràng pháo tay dài cho Lý và cho kiểu âm nhạc tự sự nhiều tâm trạng của cô. Có thể sau những mệt mỏi và hoa mắt với quá nhiều chiêu trò của nhạc Việt bây giờ, khán giả đi nghe Lý đã dễ dàng bỏ qua những hạt sạn, những điều còn thiếu sót của chương trình để nhường chỗ cho cảm giác dễ nghe của một đêm diễn mộc mạc. Còn với Lý, sau những Chênh vênh của ba năm trước, cô đã cất đi ý nghĩ “xong giấc mộng này ngừng chơi” (bài Giấc mộng lớn), để tự tin giữ lấy những điều lạ của riêng mình và hát rằng “còn trái tim mang đầy khát cháy, lòng hồn nhiên làm nên giấc mơ”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận