29/11/2017 10:52 GMT+7

Những điều cần biết về bệnh quai bị

Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Cao Bằng
Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Cao Bằng

Quai bị là bệnh nhiễm trùng của tuyến nước bọt (tuyến sản xuất ra nước bọt giúp tiêu hóa thức ăn) do siêu vi trùng Paramyxovirus gây ra.

Những điều cần biết về bệnh quai bị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: immortal.org

Đây là bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm tinh hoàn ở nam giới có thể dẫn đến vô sinh. Quai bị là một bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa Đông – Xuân. Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ 5 - 8 tuổi và lứa tuổi vị thành niên, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn.

Triệu chứng

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Thời gian lây bệnh từ 6 ngày đến 2 tuần với các triệu chứng bệnh lý sau:

- Thời gian ủ bệnh kéo dài 18 đến 25 ngày, giai đoạn này hoàn toàn yên lặng không bộc lộ dấu hiệu và triệu chứng gì.

- Bước sang thời kỳ khởi phát với các triệu chứng sốt 38 - 38,5 độ C, nhức đầu, nôn.

- Thời kỳ toàn phát: Sau sốt 24- 48 giờ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng 1 bên). Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ), căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, ấn đau.

+ Nước bọt ít, quánh.

+ Đau hàm khi há miệng, nhai hoặc nuốt. Đau lan ra tai.

+ Họng viêm đỏ.

- Thời kỳ lui bệnh: Bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thường hết sốt sau 3-4 ngày, tuyến nước bọt hết sưng trong vòng 8-10 ngày.

Có khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh quai bị không biểu hiện triệu chứng gì. Đôi khi, bệnh quai bị qua đi mà không hay biết do tuyến mang tai không sưng.

Biến chứng

Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như:

- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn ở nam giới: thường có sốt 39-40 độ, Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh hoàn căng phù như một sợi dây thừng. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

- Viêm buồng trứng ở nữ giới (chiếm khoảng 5%) với các triệu chứng: sốt, nôn, đau bụng vùng hố chậu, biến chứng vô sinh ít gặp.

- Các tổn thương thần kinh: Viêm não (chiếm khoảng 0,5% các trường hợp mắc), bệnh nhân có các dấu hiệu như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

- Đặc biệt bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

- Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…

Chăm sóc người bệnh quai bị

Bệnh quai bị cần được phát hiện, điều trị kịp thời và có chế độ chăm sóc hợp lý để không gây biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các chế độ chăm sóc cho người bệnh:

- Cách ly người bệnh khoảng 2 tuần từ khi phát hiện bệnh.

- Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, đặc biệt khi có biểu hiện viêm tinh hoàn cần hạn chế tối đa vận động, chạy nhảy để không làm bệnh nặng thêm.

- Vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng để chống khô miệng và không để vi khuẩn có môi trường thuận lợi phát triển.

- Có thể sử dụng Paracetamol để hạ sốt, giảm đau nhưng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

- Làm giảm sưng vùng tuyến nước bọt bằng cách chườm nước đá.

- Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt.

- Ăn đồ mềm, dễ nhai nuốt như cháo, súp…

- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit có thể khiến tình trạng viêm tuyến nước bọt trở nên tồi tệ, người bệnh đau đớn hơn.

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh để phòng lây bệnh cho người khác.

- Kiêng nước lạnh, kiêng gió.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là nâng đỡ, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não… để được điều trị kịp thời.

Bệnh quai bị gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng nếu được quan tâm lưu ý đúng mức, bệnh sẽ khỏi sớm và không để lại biến chứng gì. Để hạn chế mắc bệnh, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp có hiệu quả nhất hiện nay./.

Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Cao Bằng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên