28/05/2025 18:36 GMT+7

Những đề xuất chỉnh đốn hành vi, ngôn từ của đại biểu Quốc hội

Đề nghị quy định cấm phát biểu công kích cá nhân, cấm tự ý rời khỏi hội trường khi Quốc hội đang họp mà không có lý do chính đáng.

Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo nghị quyết 71 năm 2022 của Quốc hội.

Đại biểu cầm giấy đọc bài phát biểu do mình chuẩn bị kỹ thì rất tốt

Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu thực tế vấn đề đại biểu Quốc hội cầm giấy phát biểu, cho rằng vấn đề này thu hút sự chú ý trong hội trường, ngoài xã hội và cả trên mạng xã hội.

Theo ông Trí: "Việc đọc các nội dung không phải do mình soạn ra, đặc biệt là những nội dung đó do ai nhờ đọc hộ và trùng lặp hoặc viết sai là không nên. Còn cầm giấy đọc bài phát biểu do mình chuẩn bị kỹ, đúng trọng tâm, có cân nhắc ngôn từ, đảm bảo thời gian cho phép thì rất tốt".

Ông Trí cho rằng nên khuyến khích phát biểu không cầm giấy đọc, tôn trọng thời gian và làm chủ cảm xúc và bản thân ông cũng ngưỡng mộ những người có thể làm như vậy.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân ông, trước khi phát biểu, đại biểu thường chuẩn bị kỹ và đọc khi phát biểu là một cách để làm chủ cảm xúc, đảm bảo thời gian.

Do đó, ông Trí cho rằng: "Việc phát biểu nội dung do mình chuẩn bị chu đáo, sâu sắc với thời lượng phù hợp, tôn trọng đại biểu, tôn trọng Quốc hội, tôn trọng cử tri thì phát biểu bằng cách đọc hoặc không cầm giấy đọc đều được".

Đề xuất cấm phát biểu công kích cá nhân

Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) - Ảnh: GIA HÂN

Ở góc độ khác, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu về chuẩn mực nghị trường, hành vi ứng xử. Nghị trường là nơi thể hiện tiếng nói của nhân dân và sự trang nghiêm của thể chế, là biểu tượng cho tinh thần thượng tôn pháp luật, đối thoại dân chủ và trí tuệ lập pháp quốc gia.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy nội quy kỳ họp Quốc hội vẫn chưa quy định đầy đủ về các chuẩn mực ứng xử, bao gồm trang phục, biểu tượng cá nhân và những hành vi bị nghiêm cấm hoặc cần được khuyến khích.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của từng đại biểu mà còn có thể làm giảm sút sự nghiêm cẩn, tôn nghiêm của cơ quan công quyền nhà nước trước nhân dân và bạn bè quốc tế.

Do đó, ông Bình kiến nghị bổ sung hai nhóm quy định: các hành vi bị cấm tại nghị trường và các hành vi được khuyến khích.

Cụ thể, về hành vi bị cấm, ông Bình cho rằng cần quy định rõ cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có gắn logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân dễ gây hiểu nhầm về lợi ích đại diện; cấm ghi hình, ghi âm, phát trực tiếp phiên họp khi chưa được phép của chủ tọa kỳ họp và Văn phòng Quốc hội.

Cùng với đó, cấm rời khỏi hội trường khi đang họp mà không có lý do chính đáng, đặc biệt khi đang diễn ra thảo luận hoặc biểu quyết; cấm phát biểu công kích cá nhân, dùng ngôn ngữ mỉa mai, xúc phạm hoặc xuyên tạc nội dung đã được thảo luận; 

Gây rối trật tự hoặc làm nhiễu loạn thông tin; cấm đại biểu sử dụng thời lượng phát biểu cho mục đích không đúng trọng tâm nghị sự hoặc lặp lại nội dung đã trình bày nhiều lần.

"Các hành vi nêu trên cần được đồng bộ với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội về nghĩa vụ của đại biểu, đặc biệt tại điều 23, điều 35 cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương trung thực, minh bạch, chuẩn mực trong hành vi công vụ",

Về các hành vi được khuyến khích, ông Bình cho rằng nên theo hướng khuyến khích đại biểu phát biểu ngắn gọn, có dẫn chứng rõ ràng, có chất lượng; phân tích thể hiện lập luận độc lập và tinh thần phản biện, xây dựng; khuyến khích tranh luận trên cơ sở thông tin chính xác.

Đại biểu không ngắt lời, không công kích cá nhân, luôn giữ thái độ ôn hòa, có văn hóa tranh luận; khuyến khích sử dụng ngôn ngữ phổ thông chuẩn mực, tránh sử dụng biệt từ, từ ngữ kích động gây tranh cãi xã hội hoặc tạo ấn tượng sai lệch về nội dung đang thảo luận.

Đặc biệt trong các phiên họp quan trọng như khai mạc, bế mạc kỳ họp, lễ tuyên thệ, các phiên có khách quốc tế dự khán hoặc tiếp xúc chính thức cần khuyến khích đại biểu mặc lễ phục trang phục dân tộc, trang phục truyền thống phù hợp với vị thế quốc gia, văn hóa vùng miền.

"Đây là quy định được tham khảo và áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và các nghị viện châu Âu", ông Bình nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị cấm ghi âm, ghi hình phiên họp Quốc hội nếu chưa được cho phép - Ảnh 3.Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung án tử hình tội phạm sản xuất thuốc giả, sữa giả

Từ hàng loạt vụ việc bị phát hiện thời gian qua, đại biểu đề nghị bổ sung hình phạt tử hình (hiện nay cao nhất là chung thân) với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là thực phẩm chức năng và sữa giả.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên