30/08/2021 09:06 GMT+7

Những cuộc sơ tán cuối cùng ở Kabul

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Việc IS-K, tổ chức thuộc một nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công sân bay Kabul tuần qua chèn thêm áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và cũng là lời cảnh báo một Afghanistan bất ổn.

Những cuộc sơ tán cuối cùng ở Kabul - Ảnh 1.

Binh sĩ Vương quốc Anh lên máy bay A400M rời khỏi Kabul hôm 28-8 - Ảnh: REUTERS

Chúng tôi đang đợi cú gật đầu cuối cùng từ người Mỹ để kiểm soát toàn bộ sân bay Kabul.

Một quan chức Taliban nói với Reuters ngày 29-8.

Hôm 28-8 (giờ Mỹ), lực lượng Taliban đã phong tỏa sân bay Kabul trong thời điểm Mỹ và các đồng minh đang tiến hành những đợt sơ tán cuối cùng khỏi Afghanistan.

Taliban hứa đảm bảo an ninh

Theo Hãng tin AP, các lãnh đạo phương Tây đều ý thức rằng đợt rút quân của họ đồng nghĩa nhiều người dân Afghanistan sẽ bị bỏ lại. Trong số này có nhiều người đã hỗ trợ sự hiện diện của phương Tây ở Afghanistan nhiều năm qua.

Hiện nay giới chức phương Tây tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc với phía Taliban nhằm cho phép các đồng minh rời khỏi Afghanistan sau hạn chót 31-8, thời điểm Tổng thống Mỹ Biden cam kết rút hết quân đội khỏi quốc gia này.

Đại sứ Anh tại Afghanistan Laurie Bristow cho biết đây là lúc khép lại hoạt động ở đây. "Tuy nhiên, chúng ta không quên những người vẫn cần phải rời khỏi Afghanistan.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để giúp đỡ họ. Chúng ta cũng không quên những người Afghanistan tử tế và dũng cảm. Họ xứng đáng được sống trong hòa bình và an ninh", ông nói.

Tính đến nay, đa số đồng minh Mỹ, gồm các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã kết thúc những chuyến bay sơ tán. Tuy vậy, Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch cho đến sát hạn chót.

Từ thời điểm Taliban kiểm soát Kabul (14-8) đến nay, Mỹ đã sơ tán 113.500 người. Tính tới 29-8, chỉ còn hơn 1.000 dân thường đang đợi lên máy bay ở sân bay Kabul khi quân đội Mỹ tiến hành giai đoạn sơ tán cuối cùng và chính thức chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan.

Ông Biden là vị tổng thống thứ ba của Mỹ quyết tâm chấm dứt chiến sự ở Afghanistan. Cuộc chiến kéo dài 20 năm này đã khiến hơn 2.400 lính Mỹ thiệt mạng và cướp đi mạng sống của khoảng 240.000 người Afghanistan cũng như tiêu tốn khoảng 2.000 tỉ USD, theo New York Times.

Trong khi đó, Taliban hứa đảm bảo an ninh, cho biết đang phối hợp với Mỹ để chuyển giao sân bay Kabul và nói rằng họ có một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư trình độ cao để sẵn sàng tiếp quản.

Mối lo khủng bố

Lời cam kết giữ vững an ninh của Taliban được đưa ra sau khi đã xuất hiện các cuộc tấn công khủng bố ở sân bay Kabul. Một vụ tấn công ngày 26-8 đã giết chết ít nhất 169 người Afghanistan và 13 người Mỹ.

Tuy nhiên, thiện chí của Taliban cũng đi cùng lúc với lời cảnh báo của tổ chức này sau khi Mỹ thực hiện không kích nhằm vào IS-K.

Điểm lấn cấn xuất hiện ngay ở chi tiết này, khi Mỹ tấn công IS-K thì đồng nghĩa với "một cuộc tấn công rõ ràng trên lãnh thổ Afghanistan". Đây vốn là điều khó chấp nhận đối với Taliban - những người đang tuyên bố thành lập nội các và sẽ là lãnh đạo một Afghanistan có chủ quyền hẳn hoi.

Vụ tấn công của IS-K là sự kiện chấn động, nêu bật thiếu sót trong tiến trình rút quân của chính quyền Tổng thống Biden hiện nay. Nhưng rộng hơn, nó như một cây kim trong bọc, một dấu hiệu gợi lên tương lai bất ổn cho khủng bố tại Afghanistan.

Không sớm thì muộn, và dù có mối quan hệ như thế nào với Taliban đi nữa, các nhóm khủng bố cũng sẽ quay lại "đóng quân" ở miền đất này như lo ngại của phương Tây.

Hiện nay, phía Mỹ không đánh giá cao khả năng các tổ chức như IS-K có thể tấn công trên đất Mỹ. Tuy nhiên, như những gì đã diễn ra suốt thời gian IS gây ám ảnh vài năm trước, các cuộc tấn công liều chết kiểu này có thể "truyền cảm hứng" cho chủ nghĩa khủng bố trên thế giới.

Trong một tuyên bố ngày 27-8, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng nêu mối lo ngại về tình hình khủng bố ở Afghanistan, kêu gọi "đảm bảo lãnh thổ Afghanistan không bị sử dụng làm bàn đạp tấn công hay đe dọa bất kỳ quốc gia nào và không tổ chức hay cá nhân Afghanistan nào ủng hộ khủng bố hoạt động ở bất kỳ lãnh thổ hay quốc gia nào khác".

Nga cảnh báo xung đột Taliban và IS-K

Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Dmitry Zhirnov, khẳng định vụ tấn công của IS-K nhằm vào sân bay Kabul tuần qua nhắm trực tiếp vào Taliban.

"Cuộc chiến này không thể hòa giải. Nếu đích thực IS có mặt ở sân bay thì đó là một thách thức không phải nhắm vào Mỹ mà là Taliban, bởi vì lúc này Taliban đã lãnh trách nhiệm ở Afghanistan", Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Zhirnov nhận định hôm 29-8.

Theo ông Zhirnov, Taliban sẽ phản ứng "gay gắt" nhắm vào ISIS, bởi vì dù không chịu trách nhiệm hoàn toàn ở khu vực sân bay Kabul, vụ tấn công trên đã làm tổn hại hình ảnh của Taliban. "Taliban chỉ vừa tiến vào Kabul thôi thì giờ xảy ra vụ này", đại sứ Nga nói.

Giới quan sát quốc tế hiện nay đa phần lưu ý cuộc chiến ngầm giữa Taliban và IS. Trong khi Taliban muốn lập chính quyền, mục tiêu của IS (hay nhánh IS-K ở Afghanistan) cũng là thành lập một nhà nước dưới quyền quản lý của tổ chức này. Bloomberg thậm chí cho rằng IS-K ở Afghanistan là kẻ thù chung của Mỹ và Taliban.

Bức ảnh cuối cùng của nữ binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Kabul Bức ảnh cuối cùng của nữ binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Kabul

TTO - Nữ binh sĩ Mỹ Nicole Gee đăng bức ảnh ôm một em bé tại Kabul, Afghanistan, với dòng chữ 'Tôi yêu công việc của mình'. Đó là một trong những bức ảnh cuối cùng của Gee vì không lâu sau đó, cô và 12 đồng đội thiệt mạng trong vụ đánh bom Kabul.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên