Nhảy chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, thoắt lên thoắt xuống trên một thân cây, ngúc ngoắc cái đuôi trong một lùm cỏ... Đó là những hình ảnh về một chú sóc mà mỗi khi vào dinh Độc Lập chúng tôi lại bắt gặp. Thằng nhóc con tôi rất thích bám theo những con sóc để bàn chân được tung tăng, để đôi mắt được thử thách độ tinh nhạy.
Sóc ăn hạt và ngủ trên cây. Sóc sạch sẽ và sinh động. Sóc như một đứa trẻ có đôi mắt trong veo. Những đứa trẻ luôn thích sóc. Còn người lớn thích ngắm nhìn sóc để thấy tâm hồn mình trẻ lại, linh động mà yên bình. Người thành phố ngắm sóc tự do bay nhảy để thấy thiên nhiên còn tồn tại ở trạng thái cổ điển đáng yêu.
![]() |
Tuy nhiên, dường như chưa có một ai, một nhóm người nào đang làm công việc nghiên cứu về những con sóc trong thành phố như thế. Không ai biết những con sóc suốt ngày sống trong tiếng ồn xe cộ điếc tai, những con sóc phải qua đường trên đường dây điện sẽ có những biến dị chi tiết như thế nào, số lượng sóc ở thành phố tăng giảm ra sao?
Không ai biết liệu những chú sóc dễ thương kia có đủ lương thực để ăn, có chịu đựng được những ngày nắng nóng như nung hay mưa dầm. Những con sóc sinh ra rồi chết đi một cách thầm lặng, không ai biết về tuổi thọ của nó, mức tuổi thọ tăng giảm ra sao?
Ở chỗ hẻm cà phê tôi thường ngồi mỗi sớm có một cây xoài to che bóng mát. Đang mùa xoài chín nên có một chú sóc bất chợt ghé thăm. Chú sóc trông rất gầy, có cái đuôi te tua, thường ôm gặm mấy trái xoài chín rục và thường làm rơi trái xoài rớt bịch xuống đất. Có khi trái xoài chín rục rơi trúng khách cà phê.
Những lúc như thế “nạn nhân” thường ngẩng đầu nhìn lên tìm con sóc, rồi chỉ biết lắc đầu tủm tỉm cười. Tôi chưa thấy một khách cà phê nào chửi la hay ném đá con sóc “cà chớn” đó cả. Mặc dù có người bị dính dơ hết áo phải lấy xe về nhà thay áo khác.
Thi thoảng con sóc tái diễn cái trò làm rơi xoài chín vào khách. Và những tràng cười lại có dịp rộ lên. Những lúc như thế tôi thường tự hỏi tại sao người ta lại không cười xòa cho qua mỗi khi lỡ va chạm nhau ngoài phố? Những căng thẳng chực chờ bùng nổ nhiều khi chỉ vì một lời nói vô tình. Nhiều bi kịch xảy ra nhiều khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Con người tinh khôn và con người rồ dại.
Phải chăng càng ngày con người nhìn vào nhau không phải bằng ánh mắt ấm áp hay trong veo (như con sóc)? Con người không còn biết sống nhường nhịn? Thì ở đây, con sóc như hình ảnh của một sứ giả thân thiện, như một mẫu thiên nhiên tốt lành để con người có dịp rọi lại mình, sống lại trạng thái hồn nhiên.
Những trái xoài chín đã hết, chú sóc có cái đuôi te tua dường như đã đi kiếm ăn ở chỗ khác. “Hay là bị làm thịt rồi?” - một người bạn hay ngồi cà phê chung bất chợt đặt câu hỏi nhưng có vẻ như cà rỡn. Bởi tôi chưa từng thấy ai làm thịt một con sóc, trong thực đơn ở các nhà hàng, quán nhậu cũng không thấy món thịt sóc. Nhưng vào mạng thử tìm kiếm thì thấy có người bày làm món sóc om riềng và khẳng định rằng rất ngon. Đâu đó lại thấy giới thiệu mấy quán “nhậu sinh thái” có món cháo sóc.
Vậy thì con sóc có cái đuôi te tua kia biết đâu lại xấu số? Charles Darwin từng viết rằng: “Biết bao sự biến đổi nhỏ nhặt thường khiến sinh vật này tồn tại, sinh vật khác bị diệt vong”. Những sinh vật như những con sóc trong thành phố này có lẽ cũng không nằm ngoài cái quy luật của chọn lọc tự nhiên như thế. Nhưng ăn thịt một con sóc, vốn được xem là biểu tượng của sự thân thiện, có phải là một “biến đổi nhỏ nhặt” không, là một câu hỏi mà có lẽ cha đẻ của thuyết tiến hóa cũng không ngờ tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận