22/09/2020 11:29 GMT+7

Những con đập tử thần - Kỳ 5: Rồng thủy quái trên sông Hoài

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong bóng đêm, các công nhân xếp thành hàng đứng trong nước luôn tay chất đống bao cát gia cố đỉnh đập Bản Kiều cao 45m so với nền thung lũng. Đập được xây dựng trên sông Nhữ, chi lưu sông Hoài ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

Những con đập tử thần - Kỳ 5: Rồng thủy quái trên sông Hoài - Ảnh 1.

Đập Bản Kiều vỡ sau nửa đêm 8-8-1975 - Ảnh: u-osu-edu

Tại các ngôi làng dưới hạ lưu, hàng triệu người đang ngủ không hay biết thảm họa sắp xảy ra.

Bão Nina gây thảm họa do mưa lớn chỉ tập trung trong khu vực tương đối nhỏ quanh hồ chứa Bản Kiều.

Nghiên cứu của nhiều tác giả

Bão Nina và thảm họa đập Bản Kiều

Siêu bão Nina sau khi hoành hành ở Đài Loan đã di chuyển vào đất liền với dự kiến bão sẽ tan. Nào ngờ bão chuyển sang hướng bắc đến lưu vực sông Hoài hôm 5-8-1975 rồi gặp khối không khí lạnh nên dừng chân lại. Mưa đổ sầm sập sang ngày thứ ba liên tiếp với lượng mưa trong 24 tiếng hơn cả lượng mưa nguyên năm.

Do dưới thung lũng đã bị ngập nên ban quản lý đập Bản Kiều nhận được lệnh không xả quá nhiều nước. Kế đến đường dây liên lạc bị hỏng, họ phải tự xoay xở chống bão. Tại thành phố Trú Mã Điếm (tỉnh Hà Nam) cách Bắc Kinh 1.000km, lượng mưa lên đến 1.060mm trong 24 tiếng gần tâm bão Nina. Hơn 100 hồ chứa loại vừa hoặc nhỏ đều đầy. Các nhân chứng kể: "Mưa xối xả khiến ban ngày cũng tối như đêm. Trên núi, chim sẻ đang bay gặp nước mưa quá mạnh rơi xuống đất chết la liệt".

Ngay sau nửa đêm 8-8-1975, nước dâng cao hơn 30cm trên đỉnh đập Bản Kiều rồi sau đó dường như rút đi. Trên trời, mây có vẻ đã tan. Bầu trời đêm lấp lánh những vì sao. Các công nhân cười vang: "Lũ đang rút!". Vài giây sau, họ nghe một tiếng động khủng khiếp. Có người hét lên: "Rồng thủy quái đã tới!". Đập Bản Kiều vỡ toác. Những người sống sót nhớ lại: "Tiếng vỡ đập nổ giống như trời sập. Đất nứt ra. Nhà cửa, cây cối biến mất trong khoảnh khắc. Vô số thi thể và xác gia súc trôi lềnh bềnh trong nước giữa tiếng khóc la của những người kêu cứu".

Bức tường nước cao từ 5-9m, rộng từ 12-15m ập xuống hạ lưu với vận tốc từ 30-50 km/h. Trong sáu tiếng, 700 triệu m3 nước lũ tràn xuống xóa sổ ngay lập tức một xã làm 9.600 người thiệt mạng tại chỗ. Vụ vỡ đập tạo hiệu ứng domino đẩy nước tràn qua hàng chục con đập ở hạ lưu. 61 con đập trong khu vực lần lượt bị sập trong thời gian ngắn, giải phóng khoảng 6 tỉ m3 nước lũ tràn ra diện tích khoảng 10.000km2. Đến tối ngày 9-8, lũ chảy ra tới tỉnh An Huy cách đập Bản Kiều tới 250km.

10 ngày sau vụ vỡ đập, vẫn còn 1,1 triệu người mắc kẹt. Nhiều người đã gặp thần chết chậm hơn sau lũ quét vì không có thức ăn và nước uống. Một số thực phẩm do máy bay thả xuống rơi xuống nước hoặc bị hỏng trong cái nóng thiêu đốt mùa hè. Một số người cố sống sót bằng cách ăn thú vật chết trôi. Dịch bệnh lây lan rất nhanh. Nhiều tuần sau nước mới rút hết, để lộ nhiều xác chết nằm rải rác.

Cuối tháng 1-2017, trang web Hiệp hội Khí tượng Mỹ đã đăng một nghiên cứu với đầu đề "Bão Nina và vụ ngập lụt tháng 8-1975 ở miền trung Trung Quốc" của ba tác giả Long Yang, Maofeng Liu và James A. Smith ở Đại học Princeton (Mỹ) cùng Fuqiang Tian ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Nghiên cứu ghi nhận Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã gọi bão Nina là cơn bão nhiệt đới nguy hiểm thứ tư trong lịch sử thế giới. Bão tập trung hoành hành ở tỉnh Hà Nam từ ngày 6 đến 8-8-1975.

Nghiên cứu xác định lượng mưa tích lũy lớn nhất ở phía trên và phía bắc hồ chứa Bản Kiều, và bão Nina gây thảm họa do mưa lớn chỉ tập trung trong khu vực tương đối nhỏ (khoảng 100km2) quanh hồ chứa Bản Kiều hôm 7-8-1975. Các nghiên cứu sau lũ chứng minh hầu hết các con đập bị vỡ, đặc biệt là đập Bản Kiều và đập Thạch Mạn Than được xây dựng theo tiêu chuẩn thấp hơn tiêu chuẩn thiết kế thông thường.

Những con đập tử thần - Kỳ 5: Rồng thủy quái trên sông Hoài - Ảnh 3.

Nhiều vùng ở Trung Quốc thường xuyên bị bão lũ nghiêm trọng - Ảnh: AP

Giải mật sau nhiều năm

Thảm họa vỡ đập Bản Kiều kinh hoàng như thế nhưng không nhiều người dân Trung Quốc biết đến. Đến đầu tháng 10-2005, Tân Hoa xã đã đăng bài viết với đầu đề "Sau 30 năm, những bí mật và bài học về vụ vỡ đập tồi tệ nhất Trung Quốc đã phát lộ". Bài viết mở đầu: "Mặc dù đã 30 năm trôi qua, hối hận, thở dài và cảm thông vẫn là cảm xúc chung của những người được mời đến tham dự cuộc hội thảo tại thủ phủ tỉnh Hà Nam để tưởng nhớ một tai họa từ lâu bị lãng quên trên cả nước".

Trong hội thảo ngày 15-9-2005, khoảng 150 quan chức, nhà khí tượng học, nhà thủy văn học của Trung Quốc, Mỹ và Ý đã tọa đàm về vụ vỡ đập Bản Kiều. Ba ngày trước đó, Trung Quốc mới giải mật số người thiệt mạng trong vụ vỡ đập. 

Theo thống kê chính thức, vụ vỡ đập làm hơn 26.000 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khẳng định số thương vong còn nặng nề hơn. 

Sở Tài nguyên nước tỉnh Hà Nam phát biểu: "Số liệu này có thể được xem xét lại một ngày nào đó trong tương lai. Chuyện này phụ thuộc vào nghiên cứu sâu hơn và kỹ lưỡng hơn về các hồ sơ, tài liệu và dữ liệu liên quan".

Tân Hoa xã ghi nhận dù những hình ảnh kinh hoàng về vụ vỡ đập không được công bố vào thời đó, chính phủ vẫn mở cuộc điều tra và phát hiện hàng loạt sai sót dẫn đến thảm họa. Đài quan sát khí tượng trung ương dự báo lượng mưa trong bão Nina năm 1975 chỉ 100mm vì không có nhà khí tượng học Trung Quốc nào đủ kiến thức đưa ra dự báo chính xác. Các nhà nghiên cứu tài nguyên nước nhận định thiết kế hồ chứa và các nguyên tắc chế ngự sông Hoài là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học kỹ thuật Trung Quốc Li Zechun nhận xét: "Vấn đề không chỉ do dự báo thời tiết. Thảm kịch ấy do con người tạo ra chứ không phải do tự nhiên". Ông giải thích trong quá trình gấp rút xây hồ chứa đập Bản Kiều, cảnh báo của một số nhà khoa học về khâu kiểm soát lũ đã bị bỏ qua. Hồ chứa được thiết kế chỉ chứa 492 triệu m3 nhưng phải gánh đến 697 triệu m3 trong lũ lụt năm 1975. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch sơ tán không có còn là nguyên nhân dẫn đến thương vong nghiêm trọng.

Theo tạp chí lịch sử Timeline (Mỹ), đập Bản Kiều được xây dựng để chịu đựng bão gây mưa lớn đến 280mm trong 24 tiếng vốn 1.000 năm mới xảy ra một lần. Song siêu bão Nina với lượng mưa gấp sáu lần là cơn bão 2.000 năm mới có một lần nên đủ sức quật ngã nhiều cơ sở hạ tầng trên thế giới...

**********

Đêm 23-7-2018, một con đập phụ thuộc dự án thủy điện ở Lào vỡ toang. Theo kết luận điều tra, nguyên nhân vỡ đập liên quan đến nền đập bị xói mòn.

Kỳ tới: Con đập phụ chết người

Những con đập tử thần - Kỳ 1:  Đêm chết chóc của đập vòm Malpasset Những con đập tử thần - Kỳ 1: Đêm chết chóc của đập vòm Malpasset

TTO - “Trong các cấu trúc do con người xây dựng, đập gây chết chóc nhiều nhất” - kỹ sư cầu đường Pháp André Coyne từng nhận xét.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên