05/11/2017 11:11 GMT+7

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trang phục cho các lãnh đạo APEC dịp chụp ảnh chung lưu niệm đã bắt đầu trở thành "truyền thống" từ năm 1993. Nhưng từng có 2 năm không giữ truyền thống này. Vì sao?

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và chị gái Maria Elena Aquino-Cruz (phải) chào đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân dự tiệc chiêu đãi tại APEC Manila 2015 - Ảnh: EPA

Truyền thống mặc trang phục tiêu biểu của nước chủ nhà bắt đầu từ hội nghị APEC năm 1993 ở Seattle (Mỹ) khi Tổng thống Bill Clinton đề nghị các nhà lãnh đạo mặc áo khoác da phi công để chụp ảnh chung. Sau đó, vấn đề trang phục đã trở thành nghi thức lễ tân truyền thống.

Hai năm liền không mặc trang phục APEC

Cứ mỗi lần tổ chức hội nghị APEC, nước chủ nhà lại mời các nhà lãnh đạo mặc trang phục tiêu biểu của nước chủ nhà trong lúc các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung lưu niệm. Dù vậy, không phải năm nào các nhà lãnh đạo APEC cũng làm theo truyền thống.

Tại hội nghị APEC năm 2010 ở Yokohama (Nhật) phá lệ không yêu cầu các nhà lãnh đạo khoác trang phục kimono truyền thống chụp ảnh lưu niệm. Lúc đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật thông báo: "Năm nay sẽ không có trang phục cho các nhà lãnh đạo và không có quy định nào của APEC bắt buộc về trang phục. Chỉ có trang phục cho các phu nhân mà thôi".

Các phu nhân có thể mặc bộ trang phục làm bằng vật liệu hữu cơ giống lụa kimono để trải nghiệm phong tục của đất nước "Mặt trời mọc".

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC - Ảnh 2.

Các nhà lãnh đạo không mặc trang bị truyền thống Nhật tại APEC Yokohama 2010 - Ảnh: AP

Sang năm 2011, hội nghị APEC được tổ chức tại Honolulu (bang Hawaii của Mỹ), nơi Tổng thống Barack Obama chào đời. 

Nếu theo đúng truyền thống APEC, các nhà lãnh đạo sẽ mặc áo sơ mi hoa văn aloha hay áo sơ mi Hawaii. Áo in họa tiết màu mè sặc sỡ thường được du khách mặc đi du lịch biển. Song tại hội nghị lần này các nhà lãnh đạo không mặc trang phục của nước chủ nhà như năm trước.

Báo New York Times ghi nhận ngày 13-11-2011, tại cuộc họp báo sau lễ bế mạc hội nghị, phóng viên đã hỏi ông Obama nghĩ gì khi các nhà lãnh đạo mặc trang phục truyền thống của nước chủ nhà để chụp ảnh lưu niệm.

Lúc bấy giờ ông Obama trả lời với giọng hài hước nhưng mặt lại không cười: "Tôi đã xem ảnh chụp một số hội nghị APEC trước đây và một số trang phục đã mặc. Tôi cho rằng đây là truyền thống mà chúng tôi có thể bỏ".

Nhóm làm việc của chúng tôi đề nghị năm nay phá lệ nên chúng tôi không yêu cầu các vị mặc áo sơ mi aloha dù tôi biết một số vị đã thử mặc qua. Tôi không nghe phàn nàn mấy về chuyện bỏ qua trang phục truyền thống"

Tổng thống Obama giải thích tại cuộc họp báo sau hội nghị APEC Hawaii năm 2011

Sau đó, Tổng thống Chile Sebastián Piñera Echenique đã ngạc nhiên hỏi: "Ủa rồi áo Hawaii đâu?". Ông Piñera Echenique và một số vị lãnh đạo khác thắc mắc vì năm trước đó, ông Obama đã từng nói với họ rằng tại hội nghị APEC năm 2011 ở Hawaii, các nhà lãnh đạo sẽ mặc áo Hawaii chụp ảnh.

Báo chí Mỹ bình luận các nhà lãnh đạo APEC không mặc áo Hawaii hoa hòe chụp ảnh vì không muốn tạo cảm giác thoải mái đi nghỉ hè vào lúc kinh tế thế giới đang gặp khó khăn.

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC - Ảnh 4.

Các nhà lãnh đạo với trang phục làm việc chuẩn bị chụp ảnh tại APEC Hawaii 2011 - Ảnh: AP

Có một chi tiết vui trong hội nghị APEC tại Hawaii năm 2011. Lúc đó Tổng thống Obama đã vui miệng nói với các doanh nghiệp: "Như nhiều người trong các bạn đều biết, đây là nơi chào đời của tôi. Tôi biết có lúc chuyện này bị phản bác nhưng tôi có thể chỉ cho các bạn thấy bệnh viện nơi tôi sinh ra nếu các bạn muốn đi một vòng tham quan".

Cử tọa nghe xong vỗ tay rôm rả.

Trước đó, ông Obama đã phải công bố bản sao giấy khai sinh để chứng minh ông chào đời tại Honolulu ngày 4-8-1961 vì một số ý kiến cho rằng ông có cha là người Kenya nên không sinh ra tại Mỹ, vì vậy không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống Mỹ.

Tại hội nghị APEC, ông đã khôi hài: "Tôi phải nói sau nhiều năm tôi sống tại Hawaii, đây là lần đầu tiên tôi ở Hawaii mà có mặc quần áo đàng hoàng".

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC - Ảnh 6.

Phu nhân tổng thống Mỹ Michelle Obama (thứ tư từ trái qua) mặc trang phục địa phương Hawaii cùng phu nhân các nhà lãnh đạo tại APEC Hawaii 2011 - Ảnh: AFP

Khen và chê trang phục APEC

Hội nghị APEC thu hút dư luận quốc tế nên trang phục APEC cũng trở thành đề tài săm soi. Lần hội nghị APEC năm 2008 ở Lima (Peru), nước chủ nhà đề nghị các nhà lãnh đạo mặc chiếc áo chòng chui đầu. Trang phục này đã bị báo chí chê xấu và so sánh với túi khoai tây.

Trang phục mặc tại hội nghị APEC năm 1995 tại Osaka (Nhật) bị chê là tối mắt và trông xoàng như trang phục nhân viên văn phòng. Còn trang phục tại hội nghị APEC Bắc Kinh năm 2014 nhìn vui mắt như các nhân vật trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao".

Trang phục của các nhà lãnh đạo APEC còn là cơ hội để nước chủ nhà quảng bá hình ảnh.

Tại hội nghị APEC năm 2016 ở Lima (Peru), các nhà lãnh đạo đã choàng bên vai phải chiếc khăn quàng bằng len được dệt bằng lạc đà không bướu Alpaca. Loài lạc đà này vốn là loài quý hiếm sống trên dãy núi Andes, được xem là biểu tượng của quốc gia Peru .

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC - Ảnh 7.

Tổng thống George W. Bush trò chuyện với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong trang phục của APEC Lima 2008 - Ảnh: AFP

Còn tại hội nghị APEC năm 2010 ở Nhật, nhà thiết kế thời trang Hiroko Koshino đã phối hợp với nhà sản xuất dệt may Teijin và các thợ thủ công ở cố cung Kyoto thiết kế mẫu trang phục riêng cho phu nhân các nhà lãnh đạo.

Trang phục được làm từ hỗn hợp lụa và vật liệu sinh học chiết xuất từ bắp. Nhật quảng bá trang phục này là sản phẩm phối hợp giữa nghề thủ công truyền thống của Nhật với tiến bộ kỹ thuật cao.

Năm 2015, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị APEC ở Philippines đã mặc áo sơ mi barong của Philippines . Áo có tay dài, làm bằng chất liệu mềm, có xẻ tà và thêu họa tiết. Đặc biệt áo được dệt bằng sợi chuối (chuối là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước chủ nhà).

Nhà nghiên cứu lịch sử thời trang Gino Gonzalez giải thích áo barong là trang phục tóm tắt quá trình lịch sử phức tạp hàng trăm năm của Philippines . Áo có nguồn gốc từ áo sơ mi phương tây được người Philippines cách điệu để "nội địa hóa" thành áo barong Philippines .

Ông Gino Gonzalez giải thích: "Cái hay của áo barong là có thể mặc bất kỳ lúc nào, vệ sĩ hay nhân viên văn phòng đều mặc được". Người Philippines còn mặc áo barong đi dự tiệc cưới.

Những chuyện lạ về trang phục các lãnh đạo APEC - Ảnh 8.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình với trang phục của APEC Bắc Kinh 2014 - Ảnh: AP

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên