27/06/2009 13:33 GMT+7

Những chú gấu bị lấy mật

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TTCT - Sâm sẩm tối, một chiếc xe du lịch hạng sang loại 45 chỗ chở khách du lịch Trung Quốc đang lao nhanh ra khỏi khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long, quảng ninh) hướng về Hà Nội bỗng giảm ga chạy chầm chậm qua khu vực xã Đại Yên (TP Hạ Long). hướng dẫn viên nói với du khách: “Điểm dừng chân sắp tới của chúng ta sẽ là một “trung tâm” nuôi gấu lấy mật. Quý khách sẽ được xem những động tác hút mật trực tiếp trên mình gấu...”.

f6qUbU1m.jpgPhóng to
Trói gấu vào cáng - Ảnh: Nguyễn Thương

Xe xịch đỗ trước cổng một trang trại ven đường, nhìn bề ngoài ít ai có thể nghĩ nơi đây là một trung tâm nuôi động vật hoang dã vào bậc lớn của vùng đông bắc, du khách lục tục xuống xe rồi xúm xít quanh tấm bảng lớn giới thiệu loài gấu ngựa và công dụng của mật gấu. Bên trong trang trại, dọc theo các lối đi từng chuồng nuôi gấu nối nhau san sát, tiếng gấu thở hồng hộc, gầm gừ như bực tức khi thấy đoàn du khách tiến đến gần. Một vài du khách loay hoay cầm máy ảnh vừa định giơ lên thì hướng dẫn viên mỉm cười, chỉ tay vào tấm biển nhỏ vẽ hình máy ảnh và máy quay camera bị gạch chéo treo trước cửa chuồng gấu, nói: “Xin quý khách thông cảm cất máy ảnh và máy quay phim theo quy định của trung tâm!”.

Du lịch mật gấu

Hướng dẫn viên líu lo bằng tiếng Trung Quốc vừa ra hiệu dẫn du khách xúm quanh một chuồng gấu ngựa để chuẩn bị xem màn “trình diễn” kịch tính. Con gấu ngựa nặng gần 2 tạ cứ lồng lên trong chuồng một cách giận dữ. Dường như nó đã biết điều gì sắp xảy ra. Một thanh niên nhỏ nhắn mặc sơmi trắng kẻ sọc tay cầm chiếc xilanh chứa thuốc gây mê, mỉm cười rẽ đám đông đi vào.

Trong khi con gấu đu mình lên, hai tay và hai chân như muốn đẩy vỡ tan lồng sắt, anh thanh niên thản nhiên tiêm một liều thuốc gây mê vào dưới gan bàn chân con gấu. Chưa đầy năm phút sau, con gấu nằm im không cựa quậy, miệng thở phì phì, mắt lạc đi. Một chiếc cáng có bánh xe được đẩy tới trước cửa chuồng. Hai nhân viên nhanh nhẹn mở cửa chuồng lôi con gấu tội nghiệp ra rồi buộc chặt hai tay, hai chân vào cáng. Gã thanh niên mặc áo kẻ sọc cầm “đồ nghề” rà rà lên bụng con gấu và khi định hình được mật gấu trong ổ bụng, gã chọc chiếc bơm tiêm to bằng cổ tay có gắn kim tiêm cỡ đại vào bụng gấu. Chú gấu tội nghiệp nẩy mình nhẹ rồi tiếp tục li bì.

Một vài du khách nữ đưa tay che mặt. Chiếc bơm tiêm từ từ hút ra một chất lỏng màu xanh khiến các du khách nam trầm trồ. Khi chiếc bơm tiêm đầy chất lỏng xanh, gã thanh niên rút kim tiêm đánh phựt, con gấu lại nẩy nhẹ mình lần nữa. “Xong rồi, bây giờ đến phần bán, ai đặt tiền thì lấy nào”- gã thanh niên mỉm cười. Hướng dẫn viên lại phiên dịch ra tiếng Trung mời du khách mua mật gấu, từng du khách săm soi những lọ thủy tinh nhỏ chứa 1cc mật gấu được chiết ra từ chiếc bơm kim tiêm.

Theo hướng dẫn viên, du khách uống mật gấu ngựa và xoa bóp bằng mật gấu nguyên chất lấy trực tiếp từ mình gấu thì “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ!”. Từng du khách móc tiền mua lọ mật gấu chứa 1cc với giá 100 tệ (khoảng 200.000 đồng). Gã thanh niên hể hả tiễn khách ra khỏi trang trại trong tiếng hồng hộc, gầm gừ giận dữ của các chú gấu ngựa chuồng bên cạnh.

Có chip cũng như không!

Chưa bắt được vụ hút mật nào

Ông Phương cho biết để nuôi một con gấu ngựa nặng gần 2 tạ, mỗi ngày phải tốn 300.000-400.000 đồng thức ăn, trong khi đó bình quân mỗi trang trại nuôi 40-60 con gấu, nếu chỉ “phục vụ khách lữ hành tham quan” thì chẳng ai nuôi làm gì. Tuy nhiên, từ trước đến nay lực lượng kiểm lâm Quảng Ninh chưa “bắt tận tay, day tận cánh” một vụ chích hút mật gấu nào. Cuối năm 2008, dư luận bức xúc về chuyện chích hút mật gấu công khai, kiểm lâm Quảng Ninh đưa người xuống canh gác các trại gấu hơn một tháng mà chẳng thu được kết quả gì.

Ông Tăng Xuân Phương, phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận trên địa bàn tỉnh có hơn 300 con gấu được nuôi nhốt tại bảy trang trại lớn tập trung tại xã Đại Yên, ngoại ô TP Hạ Long, nuôi nhiều nhất phải kể đến các trang trại “tên tuổi” như Nông Trang, Ha Long Bear, Đất Việt...

Trong số gấu đang nuôi tại đây có 79 con không được gắn chip. Số trang trại này nuôi gấu có đăng ký với ngành kiểm lâm và các cơ quan chức năng khác với mục đích “phục vụ khách lữ hành tham quan”. Tuy nhiên, các trang trại này không bao giờ cho người VN vào xem “hàng” và “mua hàng” vì giá mật gấu ở Quảng Ninh bán cho người VN chỉ 20.000-25.000 đồng/cc nên họ chỉ bán cho khách nước ngoài. Do vậy, để mục sở thị việc chích hút mật gấu, chúng tôi phải hóa trang thành... người nước ngoài, đi cùng đoàn khách Trung Quốc “tham quan”.

Ông Phương cũng cho hay loài gấu ngựa đang được các chủ hộ nuôi nhốt trong các trang trại chính là loài gấu có tên trong sách đỏ IUCN, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chuyện gắn chip điện tử với các chú gấu ở Quảng Ninh cũng khôi hài, khi chúng tôi hỏi nếu những con gấu có chip bị khai thác lấy mật thì cơ quan kiểm lâm có biết hay không, ông Phương cho hay chip điện tử gắn trên mình gấu giống như tem chứng nhận vậy thôi, chứ gấu xổng hay bị giết cũng chẳng biết được.

Và muốn kiểm tra xem gấu có gắn chip hay không chỉ có Cục Kiểm lâm và tổ chức Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) có chi nhánh tại Hà Nội về kiểm tra, chứ Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh không có thiết bị này. Kiểm lâm Quảng Ninh hiện không phân biệt được con gấu nào nuôi có phép (gắn chip) và không phép (không có chip).

“Chúng tôi chỉ tăng cường việc kiểm tra, canh gác việc vận chuyển gấu trên địa bàn, còn chuyện chích hút mật gấu thì không thể giám sát được” - ông Phương cho hay. Cũng theo ông, từ chuyện 79 con gấu nuôi trái phép được “hợp pháp hóa” (do nộp phạt hành chính) đã xảy ra tình trạng nuôi gấu trái phép thách thức pháp luật. Tuy nhiên, từ trước đến nay kiểm lâm Quảng Ninh mới tịch thu được một con gấu nuôi trái phép của một chủ hộ nuôi riêng lẻ. Lần tịch thu đó kiểm lâm tỉnh phải huy động gần 100 cán bộ cưỡng chế.

Cuộc sống khủng khiếp của gấu

Theo ông Justin Gosling - giám đốc Chương trình bảo vệ động vật hoang dã châu Á của WSPA, hiện có 14.000 cá thể gấu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ, trong lồng và phải chịu đựng quá trình chích hút mật đau đớn. Một số cá thể gấu phải chịu đựng cuộc sống khủng khiếp như vậy trong hơn 10 năm.

WSPA cũng cho rằng ở châu Á, mối đe dọa chính đối với loài gấu ngựa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng chính là nhu cầu sử dụng mật gấu.

Ông Gosling cho biết hiện tại WSPA vô cùng lo lắng vì dịch vụ du lịch quanh các trại nuôi gấu đang ngày một phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, rất nhiều du khách đến tham quan các trại nuôi gấu, sử dụng mật gấu và thịt gấu cũng như trực tiếp theo dõi quá trình chích hút mật.

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên